Ðể nâng cao đời sống và thu nhập người dân vùng biên giới Lục Khu, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Hà Quảng tập trung thực hiện hai chương trình lớn, đó là di chuyển chuồng trại gia súc khỏi gầm nhà sàn gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc và cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tại Lục Khu, người dân phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò; trồng gừng hữu cơ tạo nguồn thu ổn định.
Tại xóm Cả Poóc, xã Mã Ba, anh Vi Văn Thời nhờ phát triển chăn nuôi đã có tiền xây xong căn nhà cấp bốn, mái lợp tôn, tổng đầu tư 140 triệu đồng. Anh Thời kể, trước đây gia đình khó khăn, tất cả ở trong căn nhà sàn cũ do ông bà để lại, không có xe máy, lợn và trâu bò có một vài con, cuộc sống khó khăn.
Sau khi được cán bộ khuyến nông xã giúp đỡ, hướng dẫn cách phòng bệnh cho vật nuôi, phát triển chăn nuôi “tích tiểu thành đại”, đến nay, gia đình anh đã nuôi được năm con trâu, bò sinh sản, mỗi năm xuất chuồng hai lứa lợn khoảng hơn một tấn thịt lợn hơi, thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/năm.
Tại Lũng Quảng, người dân có thu nhập khá nhờ “nghề” vỗ béo trâu bò. |
Tại Lũng Quảng (xã Hồng Sỹ), người dân có thu nhập khá nhờ “nghề” vỗ béo trâu bò. Mấy năm trước, gia đình anh Lục Văn Cường mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng, đầu tư 70 triệu đồng xây một khu chuồng trâu bò. Mỗi năm anh mua hai lứa, chừng 12 con trâu, bò về vỗ béo, một lứa nuôi ba đến bốn tháng, thu lãi từ năm đến 10 triệu đồng/con. Ban đầu người dân trong xóm thấy lạ, bởi nhà ở không xây, lại xây “nhà” cho gia súc, nhưng dần dần thấy hiệu quả chăn nuôi của anh Cường, nhiều người đã làm theo, đầu tư xây chuồng trại kiên cố, đúng kỹ thuật.
Tới nay, xóm Lũng Quảng có 33 hộ, thì đã có hơn 10 hộ có điều kiện chăn nuôi theo cách của gia đình anh Cường. Khi đã vững về kinh tế, vào mùa rét, thiếu cỏ chăn nuôi, bà con “thuê” hẳn ô-tô đi cắt cỏ, chở về.
Trong xóm có anh Trương Văn Cắm, mua ô-tô tải chuyên chở trâu bò trong vùng ra chợ bán và ngược lại, chở gia súc từ chợ về vỗ béo. Thiếu cỏ chăn nuôi, bà con lối xóm góp mỗi người hai đến ba trăm nghìn đồng tiền xăng dầu rồi rồng rắn đi xe máy theo ô-tô qua hàng trăm ki-lô-mét đến những chỗ có cỏ tốt, cắt và chất lên xe mang về.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Nông Thị Bắc cho biết, nhờ phát triển sản xuất hàng hóa, chăn nuôi lợn, trâu, bò, trồng gừng hữu cơ, lạc L14 mà nhiều hộ dân ở Lục Khu có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Thịt lợn, thịt bò Lục Khu chất lượng tốt cho nên được thị trường ưa chuộng. Riêng cây gừng, năm 2017, hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Ðức Chung ở Cao Bằng và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường - DACE ở Hà Nội lên ký kết với người nông dân để bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện Hà Quảng, được biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nguồn vốn đầu tư tất cả các chương trình 135, 30a, nông thôn mới đều tập trung xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện, nước sinh hoạt cho Lục Khu. Hiện, đường giao thông Lục Khu tương đối tốt, kết nối các xã, các xóm cơ bản là đường nhựa, đường bê-tông. Nội dung phát triển hệ thống giao thông của Lục Khu vượt chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ. Nước sinh hoạt đạt bình quân 45 lít/người/ngày, bảo đảm sinh hoạt và đáp ứng một phần cho chăn nuôi.
Phấn khởi nhất đó là phát triển sản xuất hàng hóa đã giúp hàng trăm hộ trở nên khấm khá, thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều nay giảm xuống còn 50%. Khó khăn vẫn còn, nhưng Lục Khu đã và đang có đủ thời cơ, động lực để xây dựng một ngày mới với sự sung túc và cuộc sống chất lượng hơn.
Thúy Tình
Ảnh: Kiều Oanh