Theo báo cáo của Sở Công Thương Vĩnh Phúc, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân 24,2%/năm. Sự tăng trưởng cao này là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
Trong đó, các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (63,03%/năm); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (33,68%/năm); Cơ khí (21,1%); Dệt may (18,1%).
ác lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống và lĩnh vực khác cũng có sự tăng trưởng nhưng thấp hơn so với mức bình quân chung. Lĩnh vực cơ khí là lĩnh vực quan trọng, thu hút nhiều doanh nghiệp Việt tham gia với doanh thu lớn, tốc độ tăng trưởng cao.
Hai lĩnh vực là điện tử, cao su và plastic có doanh thu tương đối thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh, có tiềm năng phát triển.
Mặc dù chiếm tỷ lệ khá cao về số lượng doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 11,1% về doanh thu. Các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, doanh thu lớn, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ: Cơ khí (12,1%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (0,5%); Dệt may (16,6%); Sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống (14,9%).
Xét ở hai lĩnh vực cơ khí và cao su, nhựa, có thể thấy, lĩnh vực gia công cơ khí (sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn) thu hút được số lượng trong nước tham gia nhiều nhất, phần lớn có quy mô rất nhỏ (doanh thu bình quân 14tỷ/doanh nghiệp). Đây là khu vực sản phẩm linh kiện, phụ tùng, phụ kiện cơ khí phục vụ công nghiệp và đời sống.
Các lĩnh vực sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, phương tiện vận tải có số DN DDI ít, sản phẩm khó tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng có thể hỗ trợ để cung cấp thiết bị, vật tư cho FDI hoặc thu mua từ các DN khác.
Lĩnh vực sản xuất kim loại chỉ có 18 Công ty DDI tham gia nhưng phần lớn là các DN lớn với doanh thu cao.
Lĩnh vực nhựa, cao su cho thấy, các doanh nghiệp DDI có số lượng nhỏ (43 doanh nghiệp năm 2019), quy mô tương đối nhỏ.
Với đặc thù sản phẩm đa dạng, kích thước lớn, giá trị gia tăng vừa phải, các doanh nghiệp sản xuất các linh kiện, phụ tùng, phụ kiện nhựa, cao su có nhiều cơ hội cung ứng cho các khách hàng FDI.
Mặc dù Vĩnh Phúc chưa có doanh nghiệp FDI nào đầu tư lĩnh vực này, tuy nhiên một số doanh nghiệp DDI Vĩnh Phúc cũng đã tham gia cung ứng lớp 1 cho chuỗi cung ứng máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo của các Công ty FDI tại các địa phương khác như công ty Accuracy hiện đang cung cấp một số sản phẩm cơ khí cho Yahata Nhật Bản (KCN Quang Minh, Hà Nội) chuyên sản xuất thành phần máy nông nghiệp, xây dựng và các thiết bị công nghiệp khác. Thị trường chủ yếu của Yahata là xuất khẩu. Các sản phẩm mà Accuracy cung cấp chủ yếu là các linh kiện kim loại như bulong, ốc vít và một số sản phẩm kim loại đột dập khác.
Công ty Thành Thắng hiện cũng đang cung cấp cho Yahata một số sản phẩm kim loại đột, dập... Bên cạnh đó, Thành Thắng còn cung cấp cho Yasaki (sản xuất máy cắt cỏ, má phanh,..), Denkyo (bộ truyền động, các sản phẩm liên quan đến động cơ..)
Thuận An đang cung cấp sản phẩm đúc nhôm áp lực cho Hana Vina (Hải Phòng) sản xuất thiết bị nông nghiệp xuất khẩu, Janeer sản xuất xe máy điện ở Bắc Giang. Công ty này cũng đang chuẩn bị ký hợp đồng xuất linh kiện dập cho Noja Power là Công ty thiết bị điện của Úc và linh kiện nhôm cho Generac là Công ty thiết bị điện của Pháp trong chiến lược chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dù hầu hết các sản phẩm máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo khác của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều để xuất khẩu, đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chất lượng, công nghệ ở mức trung bình, đôi khi thấp hơn so với xe máy, yêu cầu thấp hơn nhiều so với ô tô, điện tử. Do đó, đây là thị trường tiềm cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Vĩnh Phúc, đặc biệt là những doanh nghiệp hiện đã và đang tham gia được vào chuỗi cung ứng ngành này.
Hoàng Hiệp