Sáng 6/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và các Thứ trưởng: Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường, Trần Văn Thuấn cùng nhiều lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Đánh giá ban đầu cho thấy, sau khi tiêm, sức khỏe của những người được tiêm đều hoàn toàn bình thường.
Một trong những yếu tố làm cho tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thời gian vừa qua chậm lại là tâm lý lo ngại các phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao và có sự khác biệt so với các nước, kể cả ở các nước tiên tiến.
Tiêm vắc-xin là cách giúp phòng, ngừa Covid-19 lâu dài. Ảnh Thanh Hà |
Theo đó, cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và theo dõi đến ba tuần sau khi tiêm. Các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức các điểm tiêm luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người được tiêm. Tiêu chuẩn hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Người đứng đầu ngành y tế khẳng định: công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, nhất là khối điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Ban Chỉ đạo đã tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo Thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến nay,
Cũng như các vắc-xin khác, trong quá trình triển khai vắc-xin phòng Covid-19 cũng có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ. Phản ứng phổ biến (tới 50%) như: sốt nhẹ (≥ 380C); đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, sưng đau tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh. Phản ứng phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) là sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Có thể có phản ứng hiếm gặp (từ một phần triệu đến 1%) nặng, như phản ứng phản vệ...
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai an toàn, có khoảng 16% số người được tiêm có báo cáo phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ... và thường hết sau 24 giờ. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước trên thế giới. Bộ Y tế cho biết, toàn bộ số vắc-xin từ nguồn cung nước ngoài về Việt Nam sẽ được tiêm hết vào ngày 15-5. Chính phủ đã thảo luận rất kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất và tổ chức tiêm vắc- xin, giao Bộ Y tế hoàn chỉnh trong tháng 5-2021.
Tuy nhiên, tiêm vắc-xin chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa Covid-19 và tỷ lệ phòng ngừa của vắc-xin không đạt 100% số người được tiêm. TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) cho biết: Tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới cũng như thực tế sử dụng cho hơn 250 triệu người trong thời gian qua, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt 50 đến 70% và hiệu quả vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng ba tháng sau tiêm liều một.
Ở liều thứ hai, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu là khoảng cách ba tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới hơn 80%. Ở những khoảng cách ngắn hơn dưới ba tháng, hiệu quả thấp dần và thấp nhất ở liều tiêu chuẩn (hai mũi cách nhau một tháng). Đây chính là lý do chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn khuyến cáo giữ khoảng cách hai mũi tiêm ở mức ba tháng hoặc hơn để có hiệu quả bảo vệ tối ưu. Lợi ích thật sự của tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện.
Do tỷ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100% số người được tiêm, cho nên những người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác. Vì thế, sau khi tiêm, kể cả mũi một lẫn đủ hai mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với Covid-19 hiện nay, đó là biện pháp 5K.
Trần Hảo