- Ngân sách và đầu tư công đều quan trọng, đó là thuế của dân, sức lực của người dân đóng góp cho xã hội thì phải được giám sát, nhân dân giám sát - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Sáng nay, Văn phòng Chủ tịch
nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được
Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Các luật này gồm: Luật Mặt trận tổ quốc VN; Luật Thú y; Luật Nghĩa vụ quân
sự; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Tài nguyên,
môi trường biển và hải đảo; Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, cùng công bố trong đợt này còn có Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và
nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao
động.
Một vấn đề được báo chí đặt câu hỏi về nội dung giám sát trong luật MTTQ Việt Nam, cụ thể là giám sát trong
ngân sách, đầu tư công, với nhân lực của MTTQ hiện nay
liệu có giám sát được?
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim |
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
UB TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, giám sát là chế định rất quan
trọng của luật MTTQ VN. Để có thể trọn vẹn quá trình tổ chức giám sát và
phản biện xã hội, điều phải làm là chờ văn bản liên tịch giữa MTTQ - UBTVQH
- Chính phủ quy định về phạm vi, những đối tượng cụ thể được xử lý và kết
quả sau giám sát.
Vậy MTTQ có đủ sức làm không? Ông Kim cho hay, hình thức giám sát có thể MTTQ làm độc lập, có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành giám sát.
"Lực lượng của Mặt trận là của nhân dân, không phải riêng cơ quan chuyên trách. Giám sát mang tính xã hội, khác với cơ quan kiểm tra của Đảng và khác với cơ quan thanh tra của Nhà nước. Nhân dân sẽ phát hiện, kiến nghị, xem xét, đánh giá, chứ không phải giám sát là có kết quả tức khắc, có hiệu lực pháp luật về mặt bắt buộc", ông Kim phân tích.
Ông cũng nhấn mạnh, ngân sách
và đầu tư công đều quan trọng, đó là thuế của dân, sức lực của người dân
đóng góp cho xã hội thì phải được giám sát, nhân dân giám sát.
Liên quan đến luật Nghĩa vụ quân sự, Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng Tô Viết Báo cho hay, tuy số lượng công dân trong lứa tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự lớn nhưng tỷ lệ gọi nhập ngũ hàng năm vào lực lượng thường trực lại rất ít.
Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng Tô Viết Báo |
Chính vì vậy, trong dự thảo đã điều chỉnh một số đối tượng được coi như thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, được công nhận là hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.
Đại diện Bộ Quốc phòng lấy dẫn chứng tại điều 4 của luật cũng đã bổ sung: Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; Công dân tham gia dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã qua đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị...
Ông khẳng định, việc điều chỉnh này để giải quyết một phần vấn đề công bằng xã hội.
Ông cũng cho biết thêm, về việc tạm hoãn nhập ngũ, luật chỉ bổ sung tạm hoãn cho sinh viên đang học tại đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, còn với sinh viên tốt nghiệp đại học thi đỗ công chức nhà nước vào cơ quan hành chính thì trong dự thảo không có điều chỉnh.
Chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động được bảo lưu
thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống
khi hết tuổi lao động theo quy định của luật BHXH năm 2014. |
Hồng Nhì