Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Tiền Giang, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ với tổng công suất 422.178 kW, thu hút 10.100 thuyền viên. Trong số đó, có 60% tàu công suất lớn đủ sức vươn ra khai thác các ngư trường xa như Côn Đảo, Trường Sa, DK1... Riêng đội tàu lưới kéo, đóng đáy, câu tay… hoạt động chủ yếu ở ngư trường khu vực Ba Động, Vũng Tàu và Nam Côn Sơn.

Tuy nhiên, để phòng chống, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp; trong đó, tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khai thác thác; đồng thời thành lập các tổ khai thác xa bờ nhằm kéo dài các chuyến đi biển với mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác.

Đánh giá về chủ trương này, ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang) cho rằng, việc xây dựng các tổ hợp tác khai thác nhằm 2 mục tiêu: hỗ trợ các ngư dân đoàn kết trong quá trình khai thác/ tìm kiếm cứu nạn trên biển; đồng thời để phòng chống, giảm thiểu và thậm chí giám sát tàu cá vi phạm IUU. Theo đó, ngoài việc kêu gọi tàu thuyền trong danh sách tàu cá tránh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản thì chính các tàu cá cũng có nhiệm vụ giám sát nhau tránh hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thực tế 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ, được thành lập hoạt động theo hình thức tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi. Ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, việc hình thành các tổ hợp tác đánh bắt xa bờ còn giúp các tàu cá hỗ trợ nhau vươn khơi được xa hơn, chuyến đi biển được dài ngày hơn; hỗ trợ nhau trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển tốt hơn và bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng đặc quyền kinh tế.

Tàu cá 5.jpg
Các tổ hợp tác đánh bắt xa bờ được ví như những “rada” trên biển, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng. 

Mô hình tổ hợp tác rất mạnh ở các huyện như: Gò Công Đông, thị xã Gò Công trong đó có thể kể đến các tổ hợp tác của thị trấn Vàm Láng. Theo ông Huỳnh Thanh Toàn, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng: “Vài năm gần đây nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương thị trấn Vàm Láng cùng với cấp ủy Đồn Biên phòng Kiểng Phước, ngư dân địa phương đã thành lập được 18 tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản, hoạt động rất tích cực. Bước đầu các sự vụ liên quan đến tranh chấp trong khai thác đã giảm hẳn, thu nhập của các tổ viên được nâng lên và càng ngày càng phát triển".

Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kiểng Phước, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Kiểng Phước phối hợp cấp ủy, chính quyền 3 xã, thị trấn tiến hành thành lập được 32 tổ hợp tác khai thác xa bờ. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, các tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ không chỉ là điểm tựa cho nhau khi đánh bắt trên biển mà còn cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin có giá trị trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

“Các tổ hợp tác này được ví như những “rada” trên biển, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng; cảnh báo sớm sự xuất hiện, xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, lãnh hải Việt Nam. Hình thức tổ hợp tác đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc”, Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến cho biết thêm.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV