- Ông nội tôi qua đời cuối năm 2016. Do cô tôi là người có quan hệ rộng rãi nên rất nhiều người quen của cô đến viếng ông. Số tiền phúng viếng riêng khách của cô lên đến 500 triệu đồng. Do đó sau khi tổng hợp lại, cô tôi đòi trả cho cô 450 triệu đồng, còn 50 triệu đồng cô góp cùng anh em để lo ma chay cho bố.
Bác tôi không đồng ý, cho rằng số tiền đó là do mọi người đến viếng ông nên cũng là tiền thừa kế, phải chia đều cho các con, đặc biệt do bác là con trai trưởng chịu trách nhiệm cúng giỗ thường xuyên vô cùng tốn kém nên cần chia cho công bằng. Xin hỏi luật sư tiền phúng viếng có được coi là tài sản thừa kế không?
Bác tôi muốn chia đều số tiền phúng viếng như tài sản thừa kế (Ảnh minh họa) |
Căn cứ Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Điều 612. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Như vậy, người được thừa kế sẽ được chia các tài sản từ người chết để lại, bao gồm:
+ Tài sản riêng của người đã chết: Là tài sản người đó có được bằng thu nhập hợp pháp lúc còn sống như tiền lương, tiền thưởng; tài sản được tặng cho, được hưởng thừa kế, trúng số; tài sản là tư liệu sinh hoạt, tư trang, vốn đầu tư kinh doanh, nhà ở, quyền tài sản phát sinh sau khi người đó chết và chết do sự kiện đó (như một người tham gia bảo hiểm nhân thọ nếu chết trong trường hợp không nêu rõ người thụ hưởng là ai thì số tiền bảo hiểm sẽ là tài sản của người này và được chia thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc).
+ Tài sản chung của người chết trong khối tài sản chung với người khác: Tài sản này có trong trường hợp người đó hợp tác kinh doanh, lao động sản xuất, làm ăn, đầu tư chung hoặc tài sản của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.
Thêm vào đó Điều 611 Bộ luật này cũng quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Từ những quy định trên có thể xác định, tiền phúng viếng không phải là tài sản đang hiện hữu tại thời điểm người có tài sản chết. Nó phát sinh sau thời điểm mở thừa kế (có sau khi người có tài sản chết) nên không phải là tài sản của người chết đ ể lại, không phải là di sản thừa kế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 658 Bộ luật Dân sự thì về nguyên tắc, chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng được trích từ di sản thừa kế của người đã mất.
Do đó, việc phân chia số tiền phúng viếng còn lại sau đám tang sẽ do cô chú bác bạn tự thỏa thuận, phân chia sau khi trừ đi khoản chi phí mai táng.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc