Đài Loan (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ hiện có nhiều người Việt Nam sinh sống, lập nghiệp, trong số đó nhiều người đã kết hôn với người bản địa và có thế hệ thứ 2, thứ 3. Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc nhưng tất cả luôn đoàn kết, chung tay xây dựng cộng đồng người Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, có nhiều thành tựu, đóng góp cho Tổ quốc.
Đặc biệt, tiềm lực của thế hệ kiều bào trẻ tại đây ngày càng được khẳng định, thể hiện qua 3 khía cạnh là trí lực, tài lực và đặc biệt là tình yêu, tấm lòng dành cho quê hương, nguồn cội.
Tại Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước."
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam có nhiều hoạt động quan tâm đến bà con kiều bào ở vùng lãnh thổ này. Trong đó có việc hỗ trợ, thúc đẩy công tác dạy và truyền tải tiếng Việt đến các thế hệ trẻ, trước nhu cầu học tiếng Việt tại Đài Loan tăng cao.
Cụ thể: Chính phủ thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt, tặng sách tiếng Việt cho các cơ sở dạy và học tiêng Việt... Bản thân bà con kiều bào cũng rất quan tâm, chú trọng đến việc lưu giữ tiếng mẹ đẻ cho con em mình.
Chị Ngọc Thủy là cô giáo dạy tiếng Việt ở Đài Loan. Các con chị sinh ra và lớn lên tại đây, sinh hoạt, sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Bản thân chị luôn đau đáu việc gìn giữ cội nguồn cho con, không muốn con mai một tiếng nói quê hương.
Vì vậy, chị tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt và giúp các con tiếp cận ngôn ngữ này một cách gần gũi nhất. Từ đó, các con hiểu về quê hương mẹ, tự hào khi nói với các bạn rằng mẹ mình là người Việt Nam và con cũng là nhân tố giới thiệu, quảng bá văn hóa, nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến các bạn.
Là giảng viên tại Đại học Đài Loan, cô Nguyễn Thị Liên Hương đã tham gia viết nhiều giáo trình tiếng Việt cho học sinh tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng như đào tạo, giảng dạy cho các giáo viên tiếng Việt tại vùng lãnh thổ này.
Theo cô Hương, trong thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, từ năm 2020 Đài Loan đã đứng thứ 5 về đầu tư FDI trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các ngôn ngữ khác ở châu Á, tiếng Việt hiện nay có nhu cầu rất lớn và tiếp tục gia tăng trong những năm tới, vì thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh và trở nên hấp dẫn hơn với nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn về điện tử, công nghệ khoa học máy tính Đài Loan muốn đầu tư sang thị trường Việt Nam và mong muốn tìm giáo viên tiếng Việt để dạy cho nhân viên của mình.
Bên cạnh đó, nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của thế hệ F2, F3 ở Đài Loan rất lớn. Làn sóng nhập cư Đài Loan diện kết hôn, lập gia đình của phụ nữ Việt Nam chiếm khoảng 63% cô dâu ngoại tịch. Vì thế từ tháng 9/2019, Bộ Giáo dục Đài Loan đã đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ tự chọn vào giảng dạy chính thức trong các trường từ lớp 3 đến lớp 12 tại Đài Loan.
Cô Nguyễn Thị Liên Hương nói: "Xuất phát từ nhu cầu học tiếng Việt trong các tầng lớp xã hội khác nhau, nên hiện nay có rất nhiều hình thức dạy và học tiếng Việt trong hệ thống giáo dục chính quy của Đài Loan. Dạy và học tiếng Việt cấp tốc cho các tầng lớp doanh nhân tại các tập đoàn kinh tế, hay các công ty, ngân hàng, các trung tâm môi giới có nhu cầu trực tiếp dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm ngoài giờ và các hệ thống đoàn thể, dạy tiếng Việt qua truyền hình. Tiếng Việt cũng đã được dạy trên truyền hình Đài Loan."
Theo giảng viên Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay trong tổng số 166 trường đại học công lập của Đài Loan, có hơn một nửa (hơn 80 trường) đã đưa tiếng Việt vào như một ngôn ngữ bắt buộc hoặc tự chọn cho sinh viên Đài Loan.
Cô Thu Hằng, giảng viên đại học tại Tân Trúc, Đài Loan (Trung Quốc) đã dành nhiều tâm huyết, tham gia vào các lớp dạy tiếng Việt miễn phí và tổ chức các lễ hội văn hóa, ẩm thực tôn vinh bản sắc Việt Nam trong cộng đồng. Cô cho hay, khi nhu cầu học tiếng Việt của người Đài tăng cao, nhiều sinh viên Việt đang theo học tại các trường đại học Đài Loan và cả cô dâu Đài Loan chọn nghề dạy tiếng Việt để kiếm thêm thu nhập và phát triển sự nghiệp.
Nếu muốn dạy tiếng Việt ở các trường học tại Đài Loan, các giáo viên phải có chứng chỉ giảng dạy, thành thạo cả 2 ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Việt, có kinh nghiệm và nghiệp vụ giảng dạy, tự tin nói trước đám đông, hoạt ngôn…
Cô giáo Trần Thị Hoàng Phương là một nàng dâu xứ Đài. Nhiều năm qua, cô đã đưa tiếng Việt và văn hóa Việt gần gũi hơn tới các em nhỏ người Việt Nam và người bản địa. Với những nỗ lực của bản thân, cô đã trở thành giảng viên chính thức của một trường đại học và cũng là phát thanh viên cho một chương trình trên truyền hình.
Cô Phương, cô Hằng, cô Thủy, cô Liên Hương là một trong số những người tâm huyết, miệt mài truyền lửa học tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt ở vùng lãnh thổ này. Với họ, đó không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh cao cả, cùng các giáo viên người Việt trên khắp thế giới tiếp nối ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ sau. Qua đó, tôn vinh văn hóa Việt, di sản Việt đến bạn bè năm châu.
Quỳnh Nga