Theo một số thống kê, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 100 sinh viên người Dao đang theo học tại các trường nghề, cao đẳng, đại học... như Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Hòa Bình...

Các em sinh viên chủ yếu đến từ các tỉnh vùng cao (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu…), 70% trong số đó xuất thân từ những gia đình nghèo khó. Việc sắm một chiếc máy tính để phục cho việc học tập, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, các trường học phổ biến việc học online trở nên khó khăn vô cùng.

Khát khao máy tính cũ

Chia sẻ về việc này, sinh viên Phượng Tà Sơn (20 tuổi, quê Hà Giang), Học viện Kỹ thuật Mật mã – đại diện cho sinh viên Nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc, cho biết: "Máy tính là một công cụ rất cần thiết hỗ trợ chúng em trong việc học tập và trong công việc. Tuy nhiên, vì lý do hoàn cảnh, hầu hết chúng em đều chưa có khả năng để sắm một chiếc". Trước đó, ngay từ những ngày đầu xuống Hà Nội, Sơn đã có ý định mua máy tính và đã làm rất nhiều công việc khác nhau – tự phụ bán đến giao hàng, nhưng chỉ đủ tiền trang trải sinh hoạt phí.

{keywords}
 

Sinh viên Bàn Mùi Phin (Hoàng Su Phì, Hà Giang), vừa nhập học trường Đại học Hòa Bình không lâu. Gia đình Phin thuộc diện hộ cận nghèo, dưới em còn người em trai, nên việc học đối với em còn cả là một sự cân nhắc huống chi nói đến việc mua máy tính.

"Em có cân nhắc và hỏi ý kiến bố mẹ. Bố mẹ cũng muốn con mai sau có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có một cái nghề ổn định nên đã cho con cái xuống Hà Nội học", sinh viên Phin chia sẻ.

Lên đại học, Phin nhận thấy việc thiếu thốn máy tính gây trở ngại cho em rất nhiều trong việc học tập, nhất là những khi làm bài tập nhóm và viết tiểu luận. Bởi vậy, khi biết Nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc đang vận động kêu gọi quyên góp máy tính để hỗ trợ cho sinh viên, Phin cũng như nhiều bạn khác đều hồ hởi trong lòng.

Trong đó có sinh viên Triệu Văn Phúng (quê quán tại huyện Hà Quảng, Cao Bằng), vừa nhập học trường Bách khoa Aptech không lâu. Học chuyên về công nghệ thông tin, tuy được miễn giảm học phí 30% nhưng mỗi năm em vẫn phải chi trả tới hàng chục triệu đồng. Đó là một gánh nặng quá lớn đè nặng lên đôi vai gầy của cha mẹ, vốn làm nông nghiệp và không có khả năng kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, khi thường, Phúng chỉ dám nghĩ đi làm thêm đủ kiếm tiền phụ ba mẹ chi trả học phí và tiền ăn uống.

"Đây là một chương trình rất hữu ích đối với các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều bạn còn khó khăn hơn em nhiều, các bạn rất cần máy tính để làm bài tập lớn vào cuối kỳ. Vì vậy, nếu chương trình này được áp dụng rộng rãi, em mong rằng các bạn sẽ tận dụng hết lợi ích của những chiếc máy tính cũ đó để phát huy trong việc học", sinh viên Phúng chia sẻ.

Chung tay quyên góp, sửa chữa máy tính cũ cho sinh viên Dao

Máy tính tuy chỉ là cũ nhưng đối với sinh viên lại rất cần thiết là vì vậy. Trái ngược với hoàn cảnh này, ở nhiều gia đình tồn tại thực trạng – máy tính cũ không còn sử dụng được xếp xó, dẫn đến hỏng hóc, có người thậm chí bán đồng nát. Trong khi đó, chỉ tốn chi phí sửa chữa tầm 1 triệu đồng, sinh viên người Dao đã có một chiếc máy tính hữu ích để phục vụ cho việc học.

"Thấy vấn đề đó, chúng tôi có đứng ra kêu gọi cộng đồng giúp quyên góp, tặng lại những máy tính, những laptop cũ. Rồi các bạn kỹ thuật của dân tộc Dao chúng tôi sẽ trực tiếp nâng cấp, sửa chữa và trao cho các em sinh viên – để có máy laptop tham gia học tập online", Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Trưởng Ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc cho hay.

Chỉ sau ít ngày kêu gọi trên mạng xã hội Facebook, hoạt động của nhóm đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân trên cả nước. Đã có những người ở Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa)… gửi máy tính đến Hà Nội để ủng hộ. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tặng chương trình đến 6 máy tính (3 laptop, 3 máy tính bàn cũ), Cung Trí thức Hà Nội cũng tặng 6 máy tính (3 laptop, 3 máy tính bàn cũ)…

{keywords}
 

Một trong số những người tham gia ủng hộ ngay từ những ngày đầu, chị Trương Thị Thu Thủy (40 tuổi), chủ cửa hàng Chie Handmade trên phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đây không phải lần đầu chị ủng hộ máy tính cũ cho các bạn sinh viên.

"Mình có thể không dùng đến và bán đi chỉ được vài trăm nghìn, nhưng các em sinh viên mua nó cũng phải tiền triệu. Vì vậy, thay vì bán với giá đó, mình đem tặng các em sinh viên, nhất là trong thời điểm dịch bệnh – các trường học online rất nhiều, nên việc có máy tính sẽ giúp cho việc học của các em gặp thuận lợi hơn", chị Thủy chia sẻ.

Còn đối với anh Triệu Văn Lưu (35 tuổi), thợ sửa máy tính tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên), cách đây rất nhiều năm, anh cũng vượt rừng núi xuống Thủ đô học tập và gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Vì lẽ đó, nên anh đã quyết định một lần nữa vượt rừng xuống núi về Thủ đô để hỗ trợ sửa máy tính miễn phí cho sinh viên người Dao.

Những ngày cuối tháng 3, anh Lưu cùng cộng sự của mình đã sửa thành công 15 laptop và 6 máy tính để bàn. Còn gần 10 chiếc máy tính cũ, do hỏng hóc nặng nên Nhóm đang thiếu kinh phí sửa chữa. 

"Anh em kỹ thuật phải tính cả phương án về độ bền và giá trị sử dụng. Có những máy sửa 2 mới được 1 chiếc. Máy cũ quá phải bỏ, vì nếu sửa về sau hỏng hóc các em lại phải tốn tiền sửa thêm", anh Năng chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, nhóm đã sẵn sàng việc bàn giao máy tính cho các bạn sinh viên. Các máy tính này sẽ là cơ sở để nhóm triển khai chuỗi hoạt động "Xây dựng nhóm thương mại cho sinh viên Dao" sắp tới đây, nhằm quảng bá sản phẩm của người Dao ở các địa phương và tạo kế sinh cơ lập nghiệp cho chính các bạn sinh viên người Dao.

Trước đó, sinh viên Lý Dào Quyên (người Dao Cao Bằng), sinh viên năm nhất Đại học Mở Hà Nội đã nhận trực tiếp một chiếc laptop từ một nhà hảo tâm. Cùng với đó, chiếc máy tính đầu tiên đã được Nhóm trao cho em Bàn Lục Quân (quê quán tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), hiện đang là sinh viên năm nhất Học viện Báo chí - Tuyên truyền.

"Em cảm thấy rất là vui và biết ơn khi nhận được chiếc máy tính này. Em hứa sẽ cố gắng học tập, nỗ lực không ngừng để có một tương lai tốt đẹp. Ngoại trừ em, vẫn còn nhiều bạn khác có hoàn cảnh khó khăn, em cũng rất mong các mạnh thường quân có thể giúp đỡ các bạn ấy nữa", Quân xúc động.

Theo phunuvietnam.vn

Mọi sự ủng hộ máy tính hay kinh phí hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp xin liên hệ Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Trưởng Ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc, công tác tại Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, số điện thoại: 0983.833.618.
Địa chỉ gửi về: Bàn Tuấn Năng - Chung cư CT7G Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội).
Số tài khoản: 39510000023148, Ngân hàng BIDV, chủ tài khoản Bàn Tuấn Năng; Số tài khoản: 101001658307, Ngân hàng Viettinbank, chủ tài khoản Bàn Tuấn Năng. Nội dung: "Hỗ trợ kinh phí sửa chữa máy tính cũ cho sinh viên Dao".
Bi kịch của bé trai 3 tuổi 19 năm không thể lớn

Bi kịch của bé trai 3 tuổi 19 năm không thể lớn

Năm 3 tuổi, Phượng bị tai nạn dẫn đến dập não, gãy chân tay. Từ đó đến nay, suốt 19 năm em chỉ có thể nằm trên giường, chân tay co quắp, sống đời thực vật.