Ngày 11/7 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Dễ dàng nhận thấy là chưa có bao giờ Trung ương lại ban hành nhiều văn bản liên quan tới công tác cán bộ như vậy thời gian qua. Có thể kể đến Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật…
Quyết liệt và dũng cảm
Quy định số 114 đề cập tới nhiều vấn đề của kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trong đó đáng chú ý là vấn đề cấm bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm một số chức danh. Có thể thấy văn bản này của Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm của Đảng tiếp tục cuộc chiến quyết liệt và dũng cảm với tình trạng “con ông, cháu cha” đã tồn tại từ lâu trong công tác cán bộ ở nước ta.
Quyết liệt bởi đã bắt đầu chống lại các biểu hiện của căn bệnh “con ông, cháu cha“, nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Không chống không được và cần chống mạnh hơn, quyết liệt hơn. Dũng cảm bởi đây là cuộc chiến với chính mình là người trong cuộc. Từng cán bộ đảng viên đang giữ các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương như Bộ trưởng, ở địa phương như Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện đều phải nhìn lại mình xem có vướng vào các trường hợp bị cấm hay không, đều phải tự chiến đấu với mình để trong tương lai không rơi vào các trường hợp này.
Các văn bản như thế này không tự nhiên có, mà xuất hiện từ yêu cầu của thực tiễn. Bố đang là Bí thư tỉnh trước khi hạ cánh chỉ đạo sao đó cho đúng quy trình để con vào được Ban thường vụ tỉnh ủy. Bản thân là Bí thư tỉnh, vợ là Phó chủ tịch UBND tỉnh, con dâu là Giám đốc một sở, em trai ruột là chủ tịch UBND một huyện trong tỉnh là câu chuyện có thật.
Cả gia đình, họ hàng nắm giữ một loạt các vị trí lãnh đạo ở tỉnh, huyện đã không phải là hiếm trong thực tế. Đến làm việc tại một sở nọ, huyện kia, không nên hỏi công chức này, công chức kia học gì ra mà nên hỏi họ là con cháu ai trong tỉnh, trong huyện.
Lợi dụng các mối quan hệ gia đình, họ hàng để bố trí người vào các chức sắc lãnh đạo của bộ, của tỉnh và của huyện cùng với câu chuyện chạy chức, chạy quyền đang làm cho chất lượng con người, đặc biệt là con người lãnh đạo trong bộ máy kém đi một cách rõ rệt, làm xói mòn niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức về khách quan, công tâm trong công tác cán bộ, đặc biệt là niềm tin của người dân vào những người gọi là lãnh đạo tại địa phương mình.
Vị thế lãnh đạo của các gia tộc tạo nên vị thế, lợi ích kinh tế. Các câu chuyện đấu thầu dự án, đất đai, trang thiết bị, vật phẩm y tế… suy đến cùng đều bị chi phối một phần bởi nhóm lợi ích hình thành từ các gia tộc, quan hệ dòng họ kiểu này.
Rồi tiếp đến là ảnh hưởng tiêu cực tới câu chuyện thăng tiến. Làm sao mà an tâm làm việc theo phương châm tích cực phấn đấu đi rồi sẽ được tổ chức quan tâm, sẽ được đưa vào quy hoạch khi mà các vị trí lãnh đạo lần lượt vào tay các những người có mối quan hệ gia đình với lãnh đạo hoặc có tiền để lo lót.
Chế độ thực tài
Quy định 114 không chỉ là thông điệp rõ ràng của Đảng về chống căn bệnh con ông cháu cha, mà còn tiếp tục khẳng định một trong những chế độ quan trọng của công tác cán bộ ở nước ta, đó là chế độ thực tài.
Hệ thống chính trị nhiều nước đều khẳng định áp dụng chế độ thực tài (Meritocracy). Chế độ thực tài có nghĩa là con người được lựa chọn vào các vị trí - vị trí bình thường và vị trí lãnh đạo - trong hệ thống chính trị đều dựa trên năng lực và kết quả làm việc.
Cái đo được năng lực bao gồm nhiều thứ, nhưng trong đó nổi trội là trình độ đào tạo. Chính vì vậy, ta và nhiều nước tuyển dụng công chức đều dựa vào một trong các căn cứ quan trọng là trình độ đào tạo, từ tốt nghiệp phổ thông trung học đến sơ cấp, trung cấp, đại học và trên đại học.
Tương tự là câu chuyện thăng chức trong bộ máy. Năng lực và kết quả làm việc vẫn là những căn cứ chủ yếu để xem xét.
Mỹ, Đức, Hàn Quốc, đặc biệt Singapore là những nước thực hiện tốt chế độ thực tài. Đối lập với chế độ thực tài là chế độ quý tộc (Aristocracy). Chế độ quý tộc có nghĩa là việc bố trí vào các vị trí, chủ yếu là các vị trí lãnh đạo trong bộ máy được xem xét dựa trên quan hệ gia tộc có tính kế thừa, truyền thừa. Chế độ quý tộc gần như đồng nghĩa với dạng chính phủ quân chủ thế tập và việc kế thừa, truyền thừa là triết lý chính của nó, theo đó các gia đình hoàng gia thừa kế bổ nhiệm người thay thế khi cần thiết.
Các triều đại phong kiến ở nước ta bên cạnh chế độ tuyển dụng quan lại là khoa cử, tiến cử, bảo cử cũng áp dụng chế độ thế tập. Thường các vị quan từ ngũ phẩm trở lên được hưởng quyền cho con của mình vào quan trường mà không cần qua thi cử theo thông lệ.
Chế độ thế tập tưởng như đã “chết hẳn” trong các quy định về quản lý cán bộ, công chức ở nước ta thời hiện đại. Nhưng sự thật lại không hẳn như vậy. Từ 30 năm trở lại đây, đặc biệt là 10 năm gần đây nhất, câu chuyện con ông cháu cha trong hệ thống chính trị nước ta đã sống lại mãnh liệt. Và điều kỳ lạ là cho dù có rất nhiều quy định về quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm, tức là các quy định về quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nhằm tạo ra sự khách quan, công bằng trong công tác cán bộ thì với vị trí là lãnh đạo bộ, tỉnh, huyện, các vị này dễ dàng tạo ra “cái sự khách quan, công bằng” như vậy.
Từ thế sự thời hiện đại ngẫm về quá khứ mới thấy cha ông ta có lý khi áp dụng luật hồi tỵ. Luật Hồng Đức thời nhà Lê quy định quan lại không được lấy vợ, làm thông gia ở nơi mình cai quản cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc.
Luật hồi tỵ còn quyết liệt hơn thời nhà Nguyễn khi quy định quan lại ở các bộ và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi nơi khác; những quan lại ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy…
Quy định 114 đã có. Có là một sự tốt. Sự tốt này phải được kế tiếp bằng cái sự tốt thứ hai, tức là thực thi trong cuộc sống. Việc thực thi sẽ ra sao nếu trước đó đã có việc bố trí nhân sự rơi vào trường hợp bị cấm theo quy định của Quy định 114.
Về mặt nhà nước, có cần thêm quy định gì không hay cứ thế với quy định của Đảng là đủ để triển khai. Và quan trọng là công tác kiểm tra với 2 tính chất vừa phát hiện sai phạm để xử lý, vừa có tính răn đe, phòng ngừa các vi phạm trong tương lai.
Nhân tài: Người là ai, đang ở đâu?
Phải chăng quan niệm của ta về người tài là quá cao nên loay hoay mãi vẫn không đưa ra được tiêu chí xác định người tài trong công vụ?
Chuyện bổ nhiệm nữ Phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc
Thêm một tin sốt dẻo nhân sự vào những ngày đầu năm mới. Báo chí hôm qua cùng đưa tin về sự kiện bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.