Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của nước ta có sự thay đổi nhanh chóng.
Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp gắn liền với ngành sản xuất vật chất chủ yếu nuôi sống đất nước và đóng góp kim ngạch xuất khẩu quan trọng.
Với gần 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương liên tục, xuyên suốt và nhất quán của Đảng. Nghị quyết số 13-NQ/ TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “… kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt”… kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, xã hội trên địa bàn… Phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên”.
Triển khai Nghị quyết số 13- NQ/TW, nhằm tạo động lực, hành lang pháp lý cho kinh tế tập thể và hợp tác xã phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Nhà nước đã ban hành Luật hợp tác xã năm 2003 và năm 2012. Đây là hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể. Điều 3 Luật Hợp tác xã quy định:
“1. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
2. Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã”.
Như vậy, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xác định là loại hình kinh tế tập thể. Đây là những cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn, cùng kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi.
Hồ Nhụy, Thu Hà, Huy Linh