Với chủ trương xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 55 - 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 - 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, tính đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 102/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2024, Đoàn thẩm định nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã tiến hành thẩm định 36 xã, trong đó có 27 xã đề nghị thẩm định nông thôn mới nâng cao, 9 xã đề nghị thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh, với chỉ tiêu phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2024, Hưng Yên tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, giống cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2024, lĩnh vực kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên năm 2024.
Dự kiến năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới được 8 HTX và 114 tổ hợp tác, nâng tổng số HTX lên là 398 HTX và 670 tổ hợp tác, duy trì và hướng dẫn mới 200 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đánh giá.
Trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xếp loại được 19 sản phẩm OCOP,nâng tổng số sản phẩm đã đánh giá, xếp hạng lên 271 sản phẩm OCOP, trong đó 125 sản phẩm đạt 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước cải thiện đời sống nông dân.
Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021- 2025, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo báo cáo, đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 152 khu dân cư kiểu mẫu. Đoàn Thẩm định của tỉnh đã thẩm định 27 xã đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 9 xã đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, huyện Văn Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Đối với huyện Phù Cừ, hiện UBND tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn của tỉnh Hưng Yên không ngừng được đầu tư phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,86%, tỷ lệ này đã giúp tỉnh Hưng Yên hoàn thành trước 2 năm mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra. Năm 2024, tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh về còn 0,66%.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và của người dân nông thôn. Để nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả tích cực, thực chất, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, yêu cầu, đối với các địa phương có tiêu chí còn chưa hoàn thiện cần tiếp tục phối hợp với ngành liên quan để hoàn thiện tiêu chí, thực hiện ký cam kết thời gian hoàn thành. Các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí, nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới; không chỉ tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng trong xã hội nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.