- Đó là tiết học đầu giờ sáng của lớp mẫu giáo lớn 1 ở Trường Mầm non Hồng Bắc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) của cô giáo Nguyễn Thị Duyên.

Hơn 20 đứa trẻ trong trang phục màu đen với những sọc hoa văn trang trí đỏ thắm khệ nệ bày lên đĩa những món bánh truyền thống mà cô giáo đã chuẩn bị sẵn.

Hôm nay, cô Duyên cùng học trò của mình sẽ tổ chức lễ hội Ariêu ping - lễ hội truyền thống của người Pa Kô ngay tại lớp học.

Lễ được bày xong, những đứa trẻ theo phân công, đứa cầm chiêng, đứa cầm khèn, đứa cầm những cây gậy được cuốn giấy màu xanh đỏ sặc sỡ di chuyển thành vòng tròn quanh bàn đặt lễ vật.

{keywords}
Những học sinh của lớp mẫu giáo 5 tuổi ở Trường Mầm non Hồng Bắc hào hứng trong điệu múa truyền thống dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Ảnh: Lê Văn.

Những đứa trẻ cười khanh khách khi chân xoay tròn, miệng hô vang những tiếng "Hây! Hây!" theo hướng dẫn của cô giáo trong điệu múa lễ hội truyền thống của người Pa Kô.

Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng làm căn phòng nhỏ bé của lớp mẫu giáo Trường Mầm non Hồng Bắc ngập tràn trong không gian lễ hội.

Cô Nguyễn Thị Duyên cho biết, lễ hội Ariêu ping là lễ hội truyền thống của người Pa Kô diễn ra vào khoảng tháng 4 tháng 5 hàng năm. Vì vậy, dịp này, cô quyết định tái hiện lễ hội tại lớp học để các em tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trên quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, cô Duyên đã tận dụng sự linh hoạt của khung chương trình để xây dựng các tiết học lồng ghép giúp học sinh có những tiết học nhẹ nhàng song có nhiều trải nghiệm và tiếp thu kiến thức một cách tích cực hơn.

Cô Trần Thị Nghiêu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Bắc thì cho biết, việc xây dựng các tiết học lồng ghép theo chủ đề tái hiện các lễ hội truyền thống là nội dung mở trong chương trình giáo dục mầm non và cũng nằm trong chủ trương bảo tồn bản sắc địa phương của huyện A Lưới.

{keywords}
Trang phục truyền thống của người Pa Kô được học sinh lẫn cô giáo mặc từ 2-3 ngày mỗi tuần. Ảnh: Lê Văn.

Ngoài các tiết học tái hiện lễ hội, mỗi tuần, các cô giáo và học sinh trường Hồng Bắc đều mặc truyền thống của người Pa Kô từ 2 đến 3 ngày. Đó không phải là quy định, song vẫn được cô trò trong trường thực hiện nghiêm túc. Với cô Nghiêu, những bộ trang phục truyền thống cũng là các giúp các con ghi nhớ về bản sắc dân tộc mình.

Xã Hồng Bắc của huyện A Lưới nằm cách biên giới Việt - Lào chỉ 7 cây số. Trong khi từ thành phố Huế lên tới trung tâm xã là 80 cây số đường ô tô. Xe đi nhanh cũng phải mất 2 tiếng. Nhiều đoạn dốc, chiếc xe công vụ ì ạch nhích từng mét.

Thế nhưng, cảnh tượng ở xã biên giới Việt Lào gần như trái ngược với tưởng tượng của chúng tôi về những ngôi trường nghèo nàn với vách đất, mái lợp fibro-ximăng.

Trường Mầm non Hồng Bắc nằm ngay sát con đường nhựa thẳng tắp dẫn vào trung tâm xã. Cổng trường được xây theo lối tam quan, cao hơn cả những ngọn cây trồng lấy bóng mát trong sân trường.

Ba dãy phòng học khang trang được xây dựng một cách ngăn nắp theo hình chữ U chừa lại khoảnh sân rất rộng phía trước. Đó chính là những góc vui chơi ngoài trời của những học sinh trong trường. Có cầu trượt, xích đu, có cả trò chơi nặn cát và những hồ câu cá "nhân tạo" bằng những chiếc chậu nhựa xinh xinh.

{keywords}
Một cô giáo ở Trường Mầm non Hồng Bắc đang hướng dẫn học sinh chơi trò chơi tại khu vực hoạt động ngoài trời của các em. Ảnh: Lê Văn.

Để có được cơ ngơi khang trang, đầy đủ như hiện tại là quá trình nỗ lực lớn của các cô giáo, phụ huynh và chính quyền xã Hồng Bắc. Cô Nghiêu cho biết, những năm 90, khi vừa thành lập, trường vốn sử dụng lại cơ sở của trường tiểu học của xã, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Trong suốt hơn 10 năm sau đó, chính quyền xã đã phải chủ động, linh hoạt kết hợp nhiều chương trình, dự án, nhà trường mới xây dựng được ngôi trường với 3 dãy phòng học kiên cố như hiện tại.

Cô Nghiêu tâm sự, có được một ngôi trường kiên cố nằm ngay ở trung tâm xã chính là điều kiện cơ bản giúp tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp từ chỗ rất khó khăn đạt được tỉ lệ 100% như hiện tại.

Bên cạnh đó, từ khi Nhà nước hỗ trợ ăn trưa cho trẻ theo chương trình Đề án 239 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉ lệ trẻ ra lớp cũng đông hơn.

"Người dân địa phương đa phần là người dân tộc Pa Kô, kinh tế chủ yếu dựa vào làm nương rẫy là chủ yếu nên thu nhập khá thấp" - cô Nghiêu cho biết.

Theo cô Nghiêu, sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể địa phương và nỗ lực của chính giáo viên của trường chính là những nhân tố chính giúp việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở Hồng Bắc thắng lợi.

Sự vào cuộc một cách quyết liệt từ chính quyền từ Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc cho tới hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… với phương châm "đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, ra từng đối tượng" là "bí quyết" thành công của chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Video các em học sinh trong hoạt động tái hiện lễ hội Ariêu ping tại trường Hồng Bắc:

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự, đáng ra, tỉnh có thể "về đích" từ năm 2014 nhưng Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND lùi lại một năm, làm chắc các điều kiện để các cháu được hưởng lợi.

"Quan điểm của chúng tôi là lấy học sinh làm trung tâm chứ không phải thành tích" - ông Hùng chia sẻ.

Để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho trường mầm non tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng quyết định ứng ngân sách của các năm tiếp theo "đập vào" để xây dựng phòng học, mua thiết bị cho học sinh. Từ chỗ năm 2010 có 882 điểm trường thì đến 2015, cả tỉnh chỉ còn 461 điểm trường, giảm tới gần 1 nửa số điểm trường.

Bên cạnh đó, việc giải quyết chính sách cho giáo viên cũng được coi là một giải pháp đột phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Ông Hùng cho biết, trong vòng 2 năm, 2012-2013, tỉnh đã quyết định đưa vào biên chế 2.756 học sinh trên tổng số 4.378 giáo viên mầm non của toàn tỉnh tính tới thời điểm hiện tại.

"Ngày HĐND tỉnh bỏ phiếu thông qua nghị quyết giải quyết biên chế cho 2.756 giáo viên, là ngày vui của ngành, của nhân dân, phụ huynh học sinh và của các cấp quản lý giáo dục, nhiều người đã không kìm được nước mắt vì quá hạnh phúc” – ông Hùng nhớ lại.

Giờ thì Thừa Thiên Huế đang trở thành một tỉnh điển hình về phổ cập giáo dục mầm non của trẻ 5 tuổi. Tuy vậy, ông Hùng cho rằng, chúng ta ưu tiên cho các lớp 5 tuổi, nên còn nhiều lớp dưới 5 tuổi vẫn còn nhiều khó khăn, phòng học chưa kiên cố, học nhờ phòng của trường tiểu học, để công tác giáo dục mầm non được phát bền vững, lâu dài và chắc chắn thì cần sớm có đề án tổng thể chăm sóc trẻ trước 5 tuổi.

Đó vẫn là một kế hoạch dài phía trước nhưng với sự tâm huyết của những giáo viên và cán bộ giáo dục các cấp chính quyền của Thừa Thiên- Huế, người ta có thể tin rằng, một khi đề án được triển khai, những đứa trẻ Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pahy ở A Lưới nói riêng và cũng như trẻ em dưới 5 tuổi ở những địa phương khó khăn khác của tỉnh sẽ sớm được đón niềm vui tới trường.

Lê Văn