Vùng đất Kon Plông do địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên từ khi chia tách, thành lập huyện đến nay được gần 13 năm, nhưng đời sống kinh tế của bà con trong vùng nói chung và hội viên phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong huyện chiếm 84,62%, trong đó chủ yếu là dân tộc Xê đăng, KDong, Hre và Mơnâm. Hiện trong số 2.316 hộ nghèo của Kon Plông (chiếm tỷ lệ 32,55%) thì có đến 417 hộ do phụ nữ làm chủ hộ.
Xây dựng "ngân hàng tại chỗ" nhờ sáng kiến “tiết kiệm và vốn vay thôn bản” là một trong những mô hình đã được triển khai rất hiệu quả trên địa bàn Kon Plông từ năm 2015 đến nay. Chị Y The, dân tộc Mơnâm, 30 tuổi ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành - một trong những hội viên tích cực tham gia mô hình này chia sẻ, thôn Kon Chênh có trên 90 hộ đang sinh sống, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Mô hình "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" đang là những "điểm tựa", giúp chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số của huyện miền núi Kon Plông, tỉnh Kon Tum thoát nghèo. |
Ban đầu, khi nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn bản" được triển khai ở thôn, chị em còn rất e dè, nhưng sau một thời gian tham gia và thấy được hiệu quả của mô hình, ai cũng phấn khởi bởi đến cuối năm có được một khoản tiền tiết kiệm để cùng nhau làm kinh tế. Không biết từ bao giờ, mô hình này đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho chị em trong những lúc khó khăn, bởi bất cứ khi nào các thành viên có nhu cầu chính đáng đều có thể vay vốn từ nguồn tiền tiết kiệm của cả nhóm. Chị em trong nhóm cũng từ bỏ thói quen tiêu xài không tiết kiệm như trước đây mà đã biết cách dành dụm để chi tiêu hợp lý hơn.
Để giúp chúng tôi hiểu rõ về cách thức sinh hoạt của nhóm, Y The chia sẻ thêm: Mỗi tháng, nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản” thôn Kon Chênh sinh hoạt một lần. Các thành viên trong nhóm chuẩn bị tiền nộp tiết kiệm. Lần lượt từng người nộp tiền tùy vào điều kiện và mức thu nhập của mỗi chị; số tiền nộp của mỗi thành viên tương ứng với số con dấu được đóng vào cuốn sổ ghi chép của mình, mỗi con dấu tương ứng với số tiền 40 ngàn đồng; sau đó sẽ công bố cho các thành viên còn lại số tiền tiết kiệm tháng đó.
Tổng số tiền tiết kiệm được sử dụng cho chị em đầu tư phát triển kinh tế; ai có nhu cầu vay vốn sẽ đề xuất và chờ sự đồng ý của các thành viên còn lại trong nhóm. Mức vay sẽ tùy theo tỷ lệ đóng góp của người đó, trường hợp đặc biệt quá hạn mức thì phải được sự đồng thuận của cả nhóm. Ngoài tiền tiết kiệm theo mô hình, mỗi tháng nhóm còn vận động các thành viên đóng góp một khoản tiền nhỏ làm Quỹ xã hội, với mục đích thăm nom khi các thành viên gặp chuyện không may hoặc động viên con em trong nhóm vượt khó học tập...
Theo chị Lương Thị Dân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông, hình thức hoạt động của mô hình này được xem như một “ngân hàng tại chỗ”. Số tiền lãi vay do nhóm quy định nhưng không cao hơn lãi suất Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Hình thức vay đơn giản, không cần nhiều thủ tục rườm rà, lúc nào cũng có thể vay được, nếu thành viên vay có nhu cầu chính đáng.
Để đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý và giám sát nguồn vốn tiết kiệm của chị em, Hội phụ nữ huyện đã phối hợp với hội phụ nữ các xã tiến hành họp chi hội và bầu Ban quản lý mô hình gồm có 5 thành viên: một tổ trưởng, một thư ký, hai thành viên giữ chìa khóa, hai thành viên đếm tiền. Mỗi hòm có 3 ổ khóa, chìa khóa được giao chia đều cho 3 thành viên trong mô hình, mỗi người giữ chìa của một ổ, khi có đủ 3 thành viên mới mở được hòm, lấy được tiền, nếu vắng một trong ba người thì không tiến hành họp được.
Đến nay, toàn huyện Kon Plông đã có 39 nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản”, với 782 thành viên tham gia. Từ tổng số tiền tiết kiệm được của nhóm là gần 400 triệu đồng đã tạo điều kiện cho 7 thành viên ở thôn Tăng Pơ, Vác Y Nhong (xã Đăk Ring) vay số tiền 12,5 triệu đồng; 50 thành viên ở thôn Đăk Lanh, thôn Kô Chất (xã Măng bút) vay với số tiền 56,5 triệu đồng; 11 thành viên thôn Vi Xây, Rô xia I (xã Đăk Tăng) vay số tiền 11 triệu đồng; 8 thành viên thôn Kon Chênh, Kon Năng (xã Măng Cành) vay vốn với số tiền 16 triệu đồng. Nguồn vốn vay tuy nhỏ nhưng cũng đã phần nào giúp đỡ các thành viên khó khăn giải quyết được một số công việc như mua giống cà phê, gà, heo giống tặng gia sản xuất.
Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, hoạt động của mô hình còn có ý nghĩa về mặt xã hội. Tổng số tiền quỹ xã hội (hơn 21,3 triệu đồng) được các thành viên đóng góp để phục vụ các cuộc họp và tổng kết cuối năm, trích để thăm hội viên ốm đau, gặp rủi ro, động viên con em trong nhóm vượt khó học tập... Nhờ những đồng vốn từ Quỹ tín dụng “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản” mà trong thời gian qua, nhiều gia đình hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện đã có thêm nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, chị em không còn ngại mỗi khi đăng ký tham gia các mô hình.
Văn Thường
Ảnh: Nguyễn Hằng