Trước khi trở thành thuộc địa của Anh (1833), quần đảo nằm dưới quyền cai quản của Argentina. Từ sau khi tuyên bố chính thể Cộng hoà (1852), phía Argetina đã nhiều lần lên tiếng đòi quyền kiểm soát song bị Anh cự tuyệt. Liên Hợp quốc đã nhiều lần đứng ra làm trọng tài phân xử quyền kiểm soát quần đảo giữa hai nước, nhưng không thành.
Ngày 2/4/1982, quân đội Argentina đổ bộ đánh chiếm phần lớn quần đảo, trong đó có thủ phủ Port-Stanley. Một thời gian sau, Anh đưa đến 9.000 quân với sự yểm trợ của tàu sân bay, tàu ngầm và nhiều máy bay hiện đại như máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Harrier. Nhiều trận đánh đẫm máu đã diễn ra, cướp đi mạng sống của khoảng 1.000 người, đa số là binh sĩ Argentina. Ngày 14/6, quần đảo rơi vào tay quân Anh. Người Anh đã để lại đây 5.000 quân nhằm thực hiện mục tiêu vĩnh viễn chiếm đóng khu vực đảo đầy tiềm năng hải sản và dầu mỏ này.
Tù binh Argentina. Ảnh: Wikipedia |
Năm 1990, hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, cho đến nay, người dân Argentina vẫn không quên vụ việc này. Họ vẫn hi vọng một ngày nào đó quần đảo Malvinas xinh đẹp sẽ trở về với họ. Tuy nhiên, cách đây không lâu các phương tiện thông tin đại chúng đã tiết lộ vụ việc gây chấn động châu Mỹ: Tình báo Chile đã hỗ trợ tích cực Hải quân Anh trong cuộc chiến Malvinas.
Tin cho biết, sau khi Argentina đánh chiếm hòn đảo (2/4/1982), Tư lệnh Không quân Chile, tướng Mater đã tiếp một vị khách đặc biệt, đó là Trung tá Không quân Hoàng gia Anh Sydney Edwards - đặc phái viên và đại diện toàn quyền của Tư lệnh Không quân Hoàng gia Anh.
Trung tá Edwards đến Santiago với một sứ mệnh đặc biệt, đề nghị Không quân Chile dành cho Không quân Anh sự hỗ trợ tình báo trong cuộc chiến với Argentina. Đổi lại, phía Anh sẵn sàng cung cấp cho Không quân Chile một cơ số đáng kể vũ khí trang bị, gồm 6 chiếc máy bay trực thăng và 6 máy bay tiêm kích kiểu mới nhất, một số máy bay ném bom, tên lửa phòng không, máy bay trinh sát Canbera và một bộ radar có khả năng bắt bám tầm xa.
Người Anh chọn tướng Mater để đặt vấn đề không phải là ngẫu nhiên, bởi ông này từng nhiều năm làm tuỳ viên quân sự Chile tại London, giỏi tiếng Anh và có những mối quan hệ thân thiết với giới quân sự Anh. Đối với tướng Mater, đây là dịp may hiếm có, vì số vũ khí Anh đưa ra có thể giúp tăng cường khả năng chiến đấu cho Không quân Chile, không chỉ “ngang ngửa” với các nước khác trong khu vực, mà còn có thể cạnh tranh với cánh Lục quân ngay trong quân đội Chile. Tuy nhiên, Mater vẫn phải báo cáo lên Tổng thống mà không dám tự mình quyết định.
Tiêm kích Harrier của Anh. Ảnh: Wikipedia |
Trong thâm tâm nhà lãnh đạo Augosto Pinochet cũng có ý nghĩ như viên tướng không quân. Nhưng mặt khác, ông ta cũng nhận thức được tính mạo hiểm của trò chơi này. Theo Hiệp ước thân thiện giữa các quốc gia trong khu vực, nếu một quốc gia bị tiến công xâm lược từ bên ngoài thì các quốc gia khác phải có nghĩa vụ giúp đỡ. Nếu việc hỗ trợ Anh chống Argentina lộ ra ngoài, hậu quả sẽ không thể lường hết được.
Cuối cùng, Pinochet quyết định chỉ cung cấp tin tình báo nếu người Anh đáp ứng các yêu cầu: giữ tuyệt đối bí mật vụ làm ăn này, ngay cả với Bộ Ngoại giao; không được tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Argentina. Yêu cầu này được phía Anh đáp ứng.
Được sự đồng ý của phía Chile, Không quân Anh đã phái một chiếc máy bay trinh sát điện tử Moondrop đến khu vực biên giới Chile – Argentina. Rất cẩn thận, người ta nguỵ trang chiếc máy bay này để nó trông giống như máy bay chở khách thông thường. Toàn bộ phi hành đoàn là người Anh. Chile còn cung cấp cho phía Anh vị trí các hệ thống radar của quân đội Argentina, cho phép Không quân Anh sử dụng tin tình báo do các trạm radar, trạm do thám viễn thông thuộc quyền Cục Tình báo không quân Chile thu được.
Nhờ vậy, trong suốt thời gian xung đột, toàn bộ kế hoạch bay chiến đấu của Không quân Argentina, từ lịch trình bay, chủng loại máy bay tham chiến đều bị người Anh biết trước đến 60 phút. Trong khi đó, phía Anh cũng tích cực thực hiện việc chuyển giao số trang bị vũ khí như đã thoả thuận cho Không quân Chile.
Kết quả của cuộc mặc cả ngầm là quân Anh tái chiếm được quần đảo Malvinas, Không quân Chile có thêm trang bị để tăng cường khả năng chiến đấu của họ, còn người Argentina thì ôm mối hận chưa biết đến bao giờ trả được.
Người ta cho rằng, việc Chính phủ Anh phóng thích cựu Tổng thống Chile Pinochet mà không cho phép dẫn độ ông này sang Tây Ban Nha theo yêu cầu của Toà án nước này (1998) chính là một hành động “trả nghĩa” vì những gì mà ông này đã làm để giúp Anh trong cuộc xung đột Malvinas năm xưa.
Nguyên Phong