Chợ vắng khách sau vụ xô xát giữa người bán và người mua hàng
Mạng xã hội ngày 8/12 xôn xao chuyện một cô gái trẻ bị chủ cửa hàng ở chợ Nhà Xanh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) mắng chửi, tát vào mặt vì "mặc cả" giá quần áo.
Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, chính quyền địa phương và công an phường Dịch Vọng Hậu cho biết đã vào cuộc xác minh, điều tra hành vi của chủ cửa hàng.
Để trải nghiệm liệu chợ Nhà Xanh có thực sự là "cơn ác mộng" như những chia sẻ trên mạng xã hội, PV Dân trí trong vai người mua hàng, đã có mặt tại khu chợ tạm này - vốn được mệnh danh là "thiên đường mua sắm" của sinh viên.
Ghi nhận của PV Dân trí, tuy là tối cuối tuần, nhưng các gian hàng ở chợ vắng vẻ, ảm đạm hơn mọi khi. Anh T. (32 tuổi), chủ một quầy bán quần áo vừa tranh thủ treo lại một số món hàng, vừa ngán ngẩm nói: "Vụ xô xát giữa chủ quán và khách hàng mấy ngày trước khiến khu chợ bị mang tiếng xấu, giảm lượng khách".
Hơn 10 năm kinh doanh tại chợ Nhà Xanh, anh T. cho hay sự việc lần này chỉ là hy hữu, như con sâu làm rầu nồi canh, không đại diện cho hình ảnh toàn bộ khu chợ.
"Vài năm trước, khu chợ cũng từng xảy ra tình trạng chủ ki-ốt cáu gắt, yêu cầu khách hàng không mặc cả, nhưng bây giờ chúng tôi buôn bán hòa đồng. Đôi khi, tùy theo tâm lý, một số người quát mắng, nhưng chưa đến mức tát hay hành hung khách hàng", anh T. phân trần.
Theo anh, sau vụ việc, cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở các chủ cửa hàng "kinh doanh văn minh và lịch sự".
Mặc cả không mua vẫn bị đe dọa?
Tuy nhiên trái ngược với chia sẻ của tiểu thương tên T. rằng chợ có phong cách phục vụ lịch sự, văn minh, trong vai người mua hàng, Pv Dân trí đã có những trải nghiệm không mấy vui vẻ.
Tại một gian hàng túi xách, chúng tôi hỏi giá một chiếc túi nhỏ màu trắng, được nhân viên giới thiệu là hàng Quảng Châu (Trung Quốc), giá 380.000 đồng. Khi PV tỏ ý mức giá quá đắt, nhân viên giảm xuống còn 320.000 đồng, không quên giải thích: "Rẻ hơn thì hàng Việt, đắt hơn là hàng Tàu. Nói chung mua cái này dùng chắc chắn thích hơn nhiều".
Tiếp tục "ngã giá", nam nhân viên cho biết chỉ giảm thêm 20.000 đồng, "là mức giá quá ưu đãi", khẳng định "không bớt nữa".
Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi vì cho rằng mức giá vẫn quá đắt đỏ, người nhân viên níu kéo, hỏi: "Thế lấy được giá bao nhiêu?". Chúng tôi đưa ra mức giá 150.000 đồng thì nhận về một "tràng chửi": "* * nhà mày, thế thì biến!".
Tương tự tại một quầy hàng khác, với mức giá ban đầu được nhân viên chào hàng là 280.000 đồng cho một chiếc túi xách, PV trả giá xuống 250.000 đồng.
"Người ta toàn bán 300.000 đồng hoặc hơn, chị đây bán rẻ nhất rồi. Thôi, chị lấy 260.000 đồng, thêm cho chị 10.000 đồng" - nữ nhân viên đon đả nói. Nhưng khi chúng tôi từ chối mua và rời đi, người này gằn giọng: "Cứ mua hàng mặc cả xong rồi không lấy là sao?".
Vì sao tiểu thương cáu gắt, mắng chửi khách hàng?
Chia sẻ với PV Dân trí, một tiểu thương tên B., 44 tuổi, cho biết văn hóa bán hàng tại chợ Nhà Xanh tùy vào từng chủ cửa hàng. 25 năm kinh doanh tại đây, anh nhận thấy chủ cửa hàng từ khắp nơi đổ về, có những người anh còn không biết mặt.
"Một bộ phận tiểu thương từ các tỉnh/ thành khác đến đây thuê ki-ốt bán hàng theo kiểu chèn ép và yêu cầu khách không mặc cả. Nhà này làm được, thì nhà khác cũng làm theo, vô tình tạo thành một thói quen. Đây chính là nguyên nhân khiến chợ Nhà Xanh mất khách, bấy lâu mang tiếng xấu", anh B. nói.
Người đàn ông 25 năm kinh nghiệm cho hay đã nhiều lần nhắc nhở đồng nghiệp bán hàng lịch sự, nhưng ngán ngẩm khi nhận về câu trả lời: "Bọn tôi mất tiền thuê ki-ốt nên phải bán hàng kiểu thế. Các anh có trả tiền thuê cho chúng tôi không?".
Theo anh B., chỉ một bộ phận chủ quầy có hành vi thiếu văn minh và buôn bán chộp giật, còn những người bán hàng lâu năm, thì hầu hết đều tuân thủ quy tắc "thuận mua vừa bán".
"Chúng tôi niêm yết giá công khai, cho phép khách mặc cả thoải mái. Chúng tôi cố gắng để lại ấn tượng tốt trong mắt khách hàng để nếu lần này họ chưa mua, thì lần sau sẽ ghé tới. Khách hàng đã mất tiền mua thì phải được phép lựa chọn", anh B. cho hay.
Anh khẳng định phương châm bán hàng của mình là kinh doanh có trí tuệ, quán triệt toàn bộ nhân viên không chèn ép hay cáu gắt với khách hàng. Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì, nhân viên phải gọi điện cho anh ngay lập tức để giải quyết.
"Đương nhiên trong hơn 20 năm bán hàng đôi khi cũng gặp những khách hàng gây ức chế và khó chịu, nhưng tôi sẽ nhẫn nhịn, để lần sau họ còn quay lại", anh nói.
Anh đề xuất Ban quản lý chợ ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh, yêu cầu tất cả chủ quầy và người thuê phải ký cam kết, trong đó quy định nếu xảy ra xích mích, chèn ép, hành hung khách hàng, thì sẽ buộc đóng cửa hàng ít nhất một tháng và chịu hình thức xử phạt thích đáng.
Cách đó không xa, ki-ốt quần áo nhỏ của bà H. (10 năm kinh doanh tại chợ Nhà Xanh) cũng thưa thớt khách. Người phụ nữ tranh thủ ghi chép sổ sách, tính toán chi tiêu.
"Nhiều năm trước cũng từng xảy ra một số trường hợp xô xát giữa chủ quầy và khách hàng, Ban quản lý chợ đã đưa ra mức xử phạt rất nặng nhằm răn đe các tiểu thương. Nhờ đó, những năm gần đây, đa phần chủ cửa hàng đều buôn bán văn minh", bà H. kể.
Quy tắc bán hàng của bà H. là cho phép khách hàng mặc cả, thậm chí trả lại hàng đã mua, miễn là hai bên thỏa thuận hợp lý.
"Tùy mỗi khách hàng một cảm nhận, nhưng mọi người cứ đi và trải nghiệm toàn bộ khu chợ để có cái nhìn khách quan nhất. Quan trọng là nếu xác định mua thì hẵng hỏi và trả giá, tránh phiền phức", bà H. cho hay.
Trước đó, chiều 7/12, hai cô gái đến hỏi mua áo khoác tại ki-ốt của L.T.M. (22 tuổi, quê Hải Dương) trong chợ Nhà Xanh. Quá trình thỏa thuận giá cả, 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy chủ cửa hàng đã tát một trong hai cô gái, liên tục chửi mắng rồi đuổi họ đi.
Ngày 9/12, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Công an phường Dịch Vọng Hậu xác minh, làm rõ vụ việc. Lực lượng chức năng đã xuống hiện trường, mời L.T.M. đến trụ sở Công an phường để làm việc.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại diện Ban quản lý chợ Cầu Giấy (đơn vị quản lý chợ Nhà Xanh) cho biết, cơ quan chức năng đã liên hệ làm việc với chủ ki-ốt L.T.M.
Khi được hỏi tại sao nhiều năm qua người dân liên tục phản ánh việc mua bán tại chợ Nhà Xanh thường bị đe dọa và bạo lực, vị đại diện cho hay mỗi năm, đơn vị đều yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết "bán hàng văn minh", song cũng không thể tránh khỏi những tình huống hy hữu.
Theo Dân trí