Cuốn sách 'Chín bỏ làm mười' của tác giả Trần Chiến khiến cho bạn đọc nhận diện tất cả các vấn đề còn khuất lấp trong một khu phố cổ của Hà Nội ngày xưa.
Tiểu thuyết Chín bỏ làm mười lấy bối cảnh là không gian khu phố cổ Hà Nội những năm 1960. Khác với lối viết chương hồi thông thường, câu chuyện được kể lại bằng việc thay đổi linh hoạt giọng kể.
Lần lượt, 7 ngôi kể là: cậu bé Nam Mọt sách, bác Lẫm Biết tuốt, chị Tâm mun, ông Biếc Dân phòng, chị Hiếu "cơm", Lâm đồng cô và thủ từ Khiêm, bằng suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình đã thuật lại mọi sự việc trong khu phố Hàng Nồi một cách đầy sinh động và chân thật. Bằng đấy nhân vật, là những đại diện tiêu biểu của con phố nhỏ mà ẩn chứa trong đó vô vàn rắc rối, mâu thuẫn của xã hội những năm sau khi hòa bình lập lại.
Chín bỏ làm mười là tâm thức cư xử của người Việt, đã được tác giả lựa chọn làm chủ đề chính của tiểu thuyết. Có những việc nếu cứ hành xử theo cách này thì mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc và con người càng thêm hằn học, tức tối và căm ghét nhau hơn. Vì chín bỏ làm mười mà trong gia đình tam đại đồng đường, cha mẹ, con cái mất đoàn kết, suốt ngày bì tị nhau; bà con lối phố chành chọe, dòm ngó nhau; dịch vụ thương nghiệp coi thường khách hàng mà khách cũng e dè ngại phản ánh...
Trong một không gian sống ngột ngạt, chật chội với mùi nhà vệ sinh nồng nặc, những kiếp sống của con người cũng chẳng thể nào khá hơn. Tất cả đều trở thành nạn nhân, và đỉnh điểm nhất là cái chết của anh Lâm đồng cô. Không là trai, cũng chẳng phải gái, anh bị cả xã hội lên án, tẩy chay. Từ một thày giáo anh trở thành con phe, và đến khi không chịu nổi sức ép dư luận, anh đã tìm đến cái chết để giải thoát.
Những đứa trẻ như Nam mọt sách, Tâm mun trong sáng, ngây thơ mà cũng bị lôi vào những trò phản trắc của người lớn, bị đưa vào trong cuộc đấu tố Lâm chỉ vì chúng hay đến nhà Lâm chơi. Mẹ Nam Mọt sách là một người phụ nữ chỉn chu, biết nâng niu cái đẹp và tận hưởng cuộc sống, song vì sự dò xét, hiềm tị của láng giềng mà phải giấu mình, lúc nào cũng phải tâm niệm một sự nhịn là chín sự lành. Ngôn ngữ của tác giả sắc lẹm, dí dỏm, độc đáo, sử dụng nhiều so sánh rất đắt.
Cách đan xen những đoạn tưởng tượng về cuộc nói chuyện giữa thủ từ Khiêm coi đền Song Mã với linh hồn của Huyền Trân công chúa và đồng cô Lâm đã tạo nên một màu sắc huyền thoại hấp dẫn, ẩn chứa nhiều luận đề sâu sắc của nhà văn.
Có thể nói, đây là một cuốn tiểu thuyết viết về Hà Nội với những nét rất đặc trưng của xã hội thành thị những năm sau hòa bình lập lại. Bạn đọc có thể có một sự hình dung tương đối đầy đủ về phố cổ phố Hàng Nồi với sự xô lệch, chia cắt về không gian sống, sự có mặt sinh sống làm ăn của người Hoa, những nét sống của thời văn hóa bao cấp, và hơn cả là cuộc sống nhiều lo toan, bươn bả của con người trong những năm tháng không thể nào quên đó.
T.Lê
Cuốn sách dạy làm bánh ngọt ngào và đầy cảm hứng
“Mùi của bếp” là cuốn sách thứ hai, đánh dấu sự trở lại của đại ca làng bánh – Vũ Ánh Nguyệt.
Khơi dậy đam mê chạy bộ từ cuốn sách nhỏ
“Sinh ra để chạy ” không phải là một cuốn giáo trình về chạy bộ, bạn sẽ không tìm được bất cứ kiến thức chuyên sâu hay những bài giảng dạy về kỹ thuật chạy bộ trong sách.
4 cuốn sách khó bỏ qua khi đến Hội sách TP.HCM
Những bạn đọc mê truyện trinh thám chắc chắn sẽ không thể bỏ qua 4 cuốn sách này khi tới Hội sách TP.HCM đang diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám.
Tự truyện của Đức Phúc lật giở những góc khuất thầm kín
Tự truyện "Đức Phúc - I believe I can fly" kể về những góc khuất của một chú 'vịt con' từng xấu xí nhưng có tâm hồn sơn ca.