Là khu vực gắn chặt với một nửa số lượng thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiểu vùng sông Mekong mang giá trị địa - chiến lược đặc biệt quan trọng trong nội khối.
Chung tay thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”..., thời gian qua, các nước thuộc Tiểu vùng không ngừng tăng cường đối thoại, giao lưu, hướng tới trở thành một khu vực ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Cùng với tiến trình toàn cầu hóa, liên kết hóa và đổi mới kinh tế, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong đã đạt được nhiều thành tựu phát triển và trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, không chỉ là các dự án đầu tư mang hướng xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn là các dự án mang tính chất thay thế nhập khẩu, nhằm khai thác tại chính các thị trường đầy tiềm năng ở những nước này.
Với dân số khoảng 334 triệu người, trong đó 40% dân số thuộc độ tuổi dưới 25, Tiểu vùng sông Mekong được xem là một thị trường tiềm năng. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự mở rộng của các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ đang đưa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong đến gần hơn với trung tâm của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Tiểu vùng sông Mekong có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ tài nguyên khoáng sản đến năng lượng…
Bên cạnh đó, sông Mekong với chiều dài hơn 4.800km - dài nhất khu vực Đông Nam Á - là con sông đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 60 triệu người dân sinh sống quanh khu vực lưu vực sông, nhất là nguồn lợi về thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy. Tiểu vùng Mekong có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Theo ước tính, ngư trường ở khu vực hạ lưu sông Mekong đem lại giá trị kinh tế khoảng 17 tỷ USD/năm.
Các nước thuộc Tiểu vùng không chỉ chia sẻ chung dòng sông Mekong mà còn có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội và lịch sử. Đây chính là nền tảng, cơ sở hình thành một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng, đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa các nước ở Tiểu vùng; là cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trong Tiểu vùng, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và an ninh ở giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai.
Sáng kiến về cơ chế "Sông Mekong an toàn" được khởi xướng vào năm 2013. Thực hiện Kế hoạch hành động sông Mekong an toàn, các nước thành viên đã triển khai nhiều nội dung hợp tác quan trọng, điển hình như: Chiến dịch 1511, đồng loạt triển khai các đợt cao điểm về phòng, chống ma tuý trên tuyến biên giới các nước trong khu vực; triển khai các trạm kiểm soát ma tuý cố định và lưu động dọc các tuyến đường trọng điểm về ma tuý; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý ở mỗi nước, đặc biệt là tại các khu vực mục tiêu trong khuôn khổ bản Kế hoạch; thành lập và luân phiên chủ trì triển khai các hoạt động của Trung tâm SMCC như một cơ chế quản lý, điều phối các hoạt động chung của các nước thành viên...