Mối lo ngại với TikTok lan rộng trên toàn cầu
Trong những tuần qua, TikTok đã trở thành “ứng dụng đáng sợ nhất và ứng dụng “bị hắt hủi” nhất trên thế giới khi liên tục bị đưa vào “tầm ngắm” và bị cấm sử dụng tại nhiều nơi.
Cuối tháng 6 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm TikTok, WeChat và 57 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc khác mà theo Ấn Độ là những ứng dụng này ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết đã phát hiện thấy “những rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư” từ các ứng dụng từ Trung Quốc.
Đầu tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang cân nhắc khả năng cấm TikTok tại Mỹ, một động thái chưa từng có khi chính phủ Mỹ chưa từng cấm một ứng dụng chính thống nào. Điều này cho thấy dường như chính quyền tổng thống Trump đã nhận ra những mối đe dọa về an ninh từ TikTok, hoặc chí ít là sự ảnh hưởng của TikTok đến chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump.
Trong khi chính quyền tổng thống Trump đang cân nhắc cấm TikTok thì Wells Fargo, ngân hàng lớn thứ 5 thế giới và lớn thứ 3 tại Mỹ về giá trị vốn hóa thị trường, đã yêu cầu các nhân viên gỡ bỏ và không được phép sử dụng TikTok với lý do lo ngại TikTok làm ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật và riêng tư của các nhân viên.
Amazon cũng đã gửi một email đến toàn thể nhân viên của mình, yêu cầu họ gỡ bỏ ứng dụng TikTok ra khỏi smartphone. Tuy nhiên, Amazon sau đó đã thu hồi quyết định này và cho biết email được gửi đi cho nhân viên chỉ là một “lỗi kỹ thuật”. Dù không cấm TikTok, động thái của Amazon cũng cho thấy sự dè chừng đối với ứng dụng này.
Mối lo ngại đối với ứng dụng TikTok càng được lan rộng khi vào đầu tháng 7 vừa qua, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous đã phát đi một thông điệp kêu gọi người dùng gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên smartphone và khẳng định TikTok là một “ứng dụng độc hại được xây dựng nhằm mục đích gián điệp”.
Nếu chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm TikTok, nhiều khả năng Washington cũng sẽ gây áp lực lên các quốc gia đồng minh để buộc các quốc gia này cũng cấm ứng dụng TikTok, như cách mà chính phủ Mỹ đang gây áp lực với Huawei.
TikTok đang tìm cách “xóa bỏ gốc gác” Trung Quốc
Do đâu mà TikTok, từ vị thế của một trong những mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, lại đang bị đối xử như thế “ứng dụng đáng sợ nhất thế giới”?
Theo các chuyên gia công nghệ, điều đáng sợ nhất của TikTok chính là nguồn gốc Trung Quốc của ứng dụng này.
TikTok là sản phẩm của ByteDance, một công ty phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Cũng giống như Huawei, chính phủ Mỹ lo ngại rằng TikTok sẽ bị chính quyền Bắc Kinh lợi dụng cho các mục đích thu thập thông tin người dùng và hoạt động gián điệp.
Bản thân TikTok đã nhiều lần khẳng định không liên quan đến chính quyền Bắc Kinh. ByteDance thậm chí còn tìm cách “xóa bỏ gốc gác” Trung Quốc của TikTok bằng cách dự định tách TikTok ra thành một bộ phận riêng và sẽ xây dựng trụ sở chính cho mạng xã hội này tại một quốc gia khác, thay vì đặt tại Trung Quốc.
ByteDance cũng đã mời doanh nhân người Mỹ Kevin Mayer về làm CEO cho TikTok. Trước khi chuyển sang làm việc tại TikTok, Kevin Mayer là Giám đốc toàn cầu mảng video trực tuyến của Disney và từng là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế CEO tại Disney, nhưng Mayer đã quyết định đầu quân cho ByteDance.
Nhiều nhà phân tích thị trường nhận định rằng động thái của TikTok giống như muốn “từ bỏ gốc gác Trung Quốc” của mình để lấy được niềm tin của người dùng và đặc biệt của chính phủ Mỹ, nhằm tránh trường hợp xấu nhất là bị chính quyền Washington đưa vào “danh sách đen” tương tự như những gì Huawei đang phải gánh chịu.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ByteDance dường như là chưa đủ, nhất là khi Trung Quốc có một chính sách kiểm duyệt và giám sát Internet rất gắt gao, do vậy, không loại trừ khả năng ByteDance cũng buộc phải trao cho chính quyền Bắc Kinh thông tin của người dùng để phù hợp với luật pháp của quốc gia này.
Người dùng phổ thông không quá bận tâm đến vấn đề bảo mật của TikTok
Trong khi TikTok đang gây nên một mối lo ngại nhất định đối với lãnh đạo của nhiều nước và chuyên gia công nghệ, thì với người dùng phổ thông, vấn đề của TikTok không quá nghiêm trọng.
Khác với Facebook hay Twitter, TikTok được xem như một mạng xã hội giải trí thay vì một mạng xã hội để kết nối mọi người, do vậy đối tượng người dùng TikTok thường là lứa tuổi thanh thiếu niên. Với lứa tuổi này, các vấn đề về bảo mật, quyền riêng tư hay thông tin cá nhân không phải là một vấn đề đáng để bận tâm quá nhiều.
Sau khi có thông tin chính quyền tổng thống Trump đang cân nhắc cấm TikTok tại Mỹ, một làn sóng phẫn nộ và phản đối của người dùng mạng xã hội này, chủ yếu là người dùng trẻ tuổi, nhằm tổng thống Trump. Nhiều người dùng TikTok tại Mỹ cho biết họ không thực sự quan tâm đến vấn đề riêng tư hoặc mất dữ liệu khi dùng ứng dụng của Trung Quốc. Không ít người cho rằng hành động cấm TikTok của tổng thống Trump không nhằm mục đích bảo vệ người dùng, mà chỉ nhằm mục đích trả đũa chính quyền Trung Quốc.
Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một vụ rò rỉ hoặc làm mất thông tin người dùng nào từ TikTok, trong khi đó Facebook đã gặp phải hàng loạt vụ bê bối làm mất thông tin người dùng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc TikTok an toàn, khi mà mạng xã hội này vẫn có thể thu thập và cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Trung Quốc một cách bí mật mà không ai hay biết.
Dù việc TikTok hợp tác với chính phủ Trung Quốc vẫn chỉ là nghi vấn và cho đến nay vẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho điều này, nhưng động thái đề cao cảnh giác với mạng xã hội này của chính phủ nhiều nước là điều dễ hiểu, bởi lẽ khi một mạng xã hội đã phát triển đủ lớn mạnh, tầm ảnh hưởng của nó sẽ là rất lớn và có thể thao túng nhiều vấn đề, bao gồm cả những vấn đề chính trị.
(Theo Dân Trí, TV/Insider)
Ai hưởng lợi khi TikTok bị cấm?
Không chỉ Ấn Độ, chính phủ Mỹ cũng đang xem xét cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia.