Hà Nội trong quá trình hình thành, phát triển hơn một ngàn năm thường xuyên chia ra vùng lõi đô thị và vùng ngoại thành nông thôn, khác biệt về diện mạo, cảnh quan, kiến trúc...

Hà Nội sau nhiều lần mở rộng (mới nhất là vào năm 2008), những khu vực trước đây là ngoại thành, song với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đã trở thành khu vực đô thị mới. Điều này tạo ra “hệ thống làng trong đô thị” rất độc đáo của cấu trúc hình thái đô thị Hà Nội. 

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế thì quá trình triển khai chương trình này cũng đặt ra những thách thức về giữ gìn bản sắc kiến trúc của nông thôn.

W-langxa-3.png
Một nét kiến trúc cổ xưa ở Hà Nội

Kiến trúc, cảnh quan làng quê đổi thay cùng sự vận động của xã hội là tất yếu. Nhưng, nông thôn mới mẻ đến mức lạ lẫm, làng quê bị bê tông hóa triệt để với đủ loại kiến trúc pha tạp, trong khi nét đẹp truyền thống mất đi đang là vấn nạn ở rất nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. 

Bởi thực tế thời gian qua, quy hoạch, kiến trúc chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, nên khi người dân càng có điều kiện xây dựng các công trình mới thì bộ mặt kiến trúc nông thôn càng xa rời bản sắc truyền thống. Không gian kiến trúc truyền thống bị phá vỡ. Những ao làng, hệ thống cây xanh bị mất đi. Nhiều công trình mọc lên có kiến trúc không phù hợp với không gian truyền thống. 

Làng cổ Cự Đà (Hà Nội), một quần thể nhà cổ kiến trúc thuần Việt đan xen với các biệt thự kiểu Pháp hoặc trộn lẫn Á – Âu xây dựng trong không gian làng hài hòa đến kinh ngạc, không chỉ làm du lịch, mà còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử. Thế nhưng hiện tại, làng chỉ còn khoảng vài chục nhà cổ. Chẳng ai chắc chắn rồi đây những ngôi nhà ít ỏi còn lại đó sẽ không biến mất tiếp. Mà nếu giữ lại được dăm bảy ngôi nhà cổ điển hình thì với tốc độ xây mới nhà cao tầng như hiện nay, kiến trúc cảnh quan làng cổ cũng không còn nguyên vẹn.

Một ví dụ điển hình khác là làng múa rối Đào Thục (xã Thụy Lâm), ngôi làng cổ có tuổi đời khoảng 300 năm, nhưng dấu tích về kiến trúc xưa gần như đã biến mất. Chỉ còn chiếc ao phía đầu làng gắn bó với đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa của người dân như “chứng tích” cho một thời thuần nông. Trước kia làng có 4 cổng làng ở bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc. Các nhà được làm bằng gỗ đúng kiểu nhà Bắc Bộ ba gian, hai chái. Không gian sống đơn giản giúp các gia đình dễ dàng giao lưu, nhà nào có chuyện gì cả xóm đều biết....

Giờ nhà cổ ở Đào Thục có từ 100 năm chỉ còn 3 nhà. Theo thời gian và nhiều nguyên nhân khách quan, cổng làng không còn. Cây đa trước cửa đình cũng mới được trồng vài năm trở lại đây, cách để người dân giữ lại nét làng.

Rồi những lúa, làng hoa, làng quất của Hà Nội cũng đã bị thu hẹp dần rồi bị xóa sổ. Làng hoa Ngọc Hà đã biến mất hoàn toàn, hoa vùng Quảng Bá giờ chỉ còn lưa thưa, lác đác.

Chục năm trước, nguy cơ làng đào Nhật Tân sẽ bị biến mất do tốc độ đô thị hóa chóng mặt, năm 2004, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc lập quy hoạch chi tiết bảo tồn khu vực trồng đào tại quận Tây Hồ. Nhờ đó, làng nghề hoa cây cảnh Nhật Tân, Phú Thượng được phát triển hài hoà giữa khu vực đang được đô thị hoá. 

Làm sao giữ được không gian làng xã, nơi hình thành và nuôi dưỡng những vùng văn hóa Hà Nội, là điều cấp thiết và mang tính cấp bách là nỗi trăn trở của các cấp ngành quản lý đã lâu.

Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV