- Góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có nhiều góp kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục. PGS TS. Nguyễn Đức Vũ (Trường ĐH Sư phạm Huế) cho rằng, trong dạy học theo định hướng năng lực, câu hỏi cần trả lời là "HS biết làm gì từ kiến thức đã học?" và "HS biết cách làm như thế nào?".

Theo ông Vũ, nội dung dự thảo CT tổng thể đã quán triệt tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. CT mới được xây dựng theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; đã cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hoà đức, trí, thể, mỹ thành mục tiêu của từng cấp học và nêu được những biểu hiện chủ yếu về phẩm chất và năng lực cần có ở học sinh từng cấp học.

Giáo viên phải trở thành người tổ chức

Để có sự chuyển đổi nêu trên theo ông Vũ, phương pháp dạy học (PPDH) phải chuyển từ nặng về cung cấp tri thức sang đề cao hoạt động chủ động, tích cực, sáng tạo của HS, gắn kiến thức với thực tiễn cuộc sống, với các tình huống vấn đề. Tổ chức dạy học trong hoạt động, bằng hoạt động, thông qua hoạt động. Đồng thời, đánh giá kết quả học tập cũng chú trọng đến kết quả hoạt động của HS.

Dạy học theo phương pháp như vậy đòi hỏi giáo viên phải trở thành người tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động nhận thức của HS; xây dựng môi trường học tập tạo cơ hội và điều kiện để HS tự chủ trong học tập, phát huy khả năng và kinh nghiệm có sẵn của mình để nhận thức, từ đó hình thành các phẩm chất và năng lực cần thiết.

Ông Vũ phân tích thêm, dạy học như vậy cũng đòi hỏi (và tạo điều kiện) HS chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập; tăng cường giao tiếp với bạn, với thầy. Tuy nhiên, HS cũng cần phải được rèn luyện các kĩ năng tự học, tự làm việc với các tài liệu học tập và kĩ năng trao đổi, thảo luận nhóm.

Cách đánh giá trong dạy học theo định hướng năng lực cũng khác trước đây. Cách đánh giá phải quan tâm đến đánh giá hoạt động của HS, toàn diện cả kiến thức, kĩ năng và thuộc tính cá nhân.... Mục đích đánh giá là vì sự tiến bộ của HS, giúp cho HS học tốt hơn, hoàn thiện hơn các phẩm chất và năng lực cần thiết cho tất cả HS.

Phụ huynh cũng tham gia vào quá trình giáo dục

Việc chuyển dạy học từ định hướng nội dung sang dạy học theo định hướng năng lực được Bộ hướng đến theo ông Vũ "Bộ đã chọn đúng khâu cốt lõi trong đổi mới".


{keywords}
Ảnh Văn Chung

Bởi, dạy học theo định hướng năng lực đòi hỏi cán bộ quản lí giáo dục cũng thay đổi cách quản lí theo hướng tạo điều kiện tốt hơn để việc dạy học trong hoạt động, bằng hoạt động, thông qua hoạt động được thực hiện có hiệu quả.

Qua đó, phụ huynh học sinh cũng tham gia vào quá trình giáo dục HS một cách tích cực bằng sự quan tâm, bằng hiểu biết và kinh nghiệm trong cuộc sống thực tế của mình.

Nói dạy học theo định hướng năng lực đề cao việc tổ chức, hướng dẫn HS vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống học tập/thực tế không có nghĩa là coi nhẹ việc nắm tri thức, kĩ năng. Không hiểu sâu, nắm vững kiến thức và kĩ năng thì không thể vận dụng được tri thức. Tuy nhiên, đây là những kiến thức cơ bản, tinh giản, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh, liên quan và có vai trò trong việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho người học.

Dạy học theo định hướng năng lực đòi hỏi một môi trường học tập thân thiện, vừa có tác dụng phát triển cá nhân, vừa đề cao sự hợp tác giữa HS với nhau, giữa thầy giáo và học sinh. Trong môi trường đó, các phương tiện học tập và điều kiện về cơ sở vật chất cũng cần có sự đáp ứng hợp lí.

Chương trình mới có tính kế thừa

Vẫn theo ông Vũ, việc dạy học tích hợp giữa các môn học ở tiểu học (Lịch sử và Địa lí; Tìm hiểu tự nhiên và xã hội...), tích hợp các vấn đề xã hội (dân số, môi trường, an toàn giao thông, di sản...) vào các môn học gần gũi đã triển khai nhiều năm nay. Tuy nhiên, chương trình mới thực hiện tích hợp sâu rộng hơn và ở mức cao hơn, ghi vào chương trình, nhất là giai đoạn cơ bản (lớp 1 - 9).

Dạy học tích hợp ngoài tiết kiệm thời gian, tránh chồng chéo giữa các môn học..., còn giúp cho HS vận dụng tổng hợp kiến thức của nhiều môn học trong giải quyết các tình huống học tập/cuộc sống. Đồng thời, tăng cường cho HS khả năng giải quyết vấn đề bằng kiến thức tổng hợp. "Đây là con đường hiệu quả để thực hiện dạy học theo định hướng năng lực và làm cho giáo dục đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực" - ông Vũ nói.

Dạy học phân hoá sâu rộng hơn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp với việc xuất hiện nhiều môn tự chọn với các quy định đủ để cho HS vừa chọn lựa theo khả năng nhưng vừa đảm bảo được mục đích giáo dục toàn diện. Tuy có một số môn học mới xuất hiện như KHTN, KHXH, Công dân với Tổ quốc, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo... nhưng nền tảng của chúng lâu nay đã có.

Ví dụ như môn KHXH được cấu thành chủ yếu từ kiến thức của môn Lịch sử, Địa lí; môn Công dân với Tổ quốc được cấu thành từ kiến thức của các môn GDCD, Lịch sử, ANQP.

Với những nền tảng có sẵn và tính kế thừa, ông Vũ nhìn nhận sẽ không gặp nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Cụ thể, môn KHXH có phần riêng của Lịch sử, phần riêng của Địa lí do GV hai môn này đảm nhận dạy lâu nay; phần chung là các chuyên đề có cả Lịch sử và Địa lí như: Môi trường, Năng lượng, Các nền văn minh thế giới, Di sản thế giới... GV của cả hai môn này đều dạy tích hợp.

"Tích hợp gắn liền với phân hoá vừa đảm bảo trang bị cho người học các năng lực giải quyết vấn đề chung trong cuộc sống, vừa giúp cho người học đi sâu vào lĩnh vực mình có khả năng hơn" - ông Vũ chia sẻ.


Giáo dục phổ thông đổi mới đã cuốn theo sự đổi mới của các trường sư phạm. Nhằm đáp ứng đổi mới đào tạo đội ngũ GV thực hiện chương trình và SGK mới, các trường sư phạm hiện nay, nhất là 7 trường trọng điểm trong Đổi mới cũng đang có nhiều thay đổi về chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực.

Nhiều trường đã phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học bàn về phát triển chương trình, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT; xây dựng chương trình đào tạo đại học và sau đại học mới đáp ứng việc thực hiện đổi mới; chuyển mạnh đào tạo theo hướng năng lực, đẩy mạnh đổi mới PPDH theo hướng đề cao vai trò chủ động, tích cực, sáng tao của người học; thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng năng lực của người học; xây dựng Đề án đào tạo và đào tạo lại giáo viên, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

H.Nguyễn (ghi)