Cát biển - cứu cánh cho các dự án hạ tầng giao thông ĐBSCL
Chiều 25/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 phục vụ san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL cho tỉnh Sóc Trăng và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, khu B1 nằm trên vùng biển tỉnh Sóc Trăng đã khoanh định được một thân khoáng cát biển khoảng 160km2, có hàm lượng tổng cát trung bình hơn 82%. Qua đánh giá, cát biển khu B1 có hàng trăm triệu m3, đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị, nền móng công trình xây dựng, san lấp nền đường ô tô…
"Trong thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn ĐBSCL chậm tiến độ, nguyên nhân do thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng", ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết và bày tỏ ĐBSCL nói chung, Sóc Trăng nói riêng rất vui trước kết quả đánh giá việc khai thác cát biển để làm vật liệu san lấp của các Bộ, ngành liên quan.
Theo Chủ tịch Sóc Trăng, tỉnh có nhiều mỏ cát biển, trong đó qua thăm dò tổng khu B1 có trữ lượng 680 triệu m3 để đảm bảo san lấp các dự án ở ĐBSCL. "Mặc dù khu mỏ nằm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhưng tài nguyên này là của quốc gia chứ không phải của Sóc Trăng. Tỉnh sẵn sàng chia sẻ tài nguyên cho các dự án trọng điểm quốc gia chứ không riêng khu vực ĐBSCL. Tỉnh sẽ tạo mọi điều thuận lợi nhất khi đầy đủ cơ sở pháp lý để khai thác và cung cấp cho các dự án", ông Lâu khẳng định.
Theo Chủ tịch Trần Văn Lâu, đối với việc khai thác cát biển, xưa nay Sóc Trăng chưa có tiền lệ nên quy trình, hồ sơ, thủ tục còn rất lúng túng. Sau khi bàn giao kết quả, tỉnh vẫn mong các Bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn lập các quy trình thủ tục làm sao khai thác nguồn cát biển sớm nhất. "Đây là mong mỏi và mong muốn của ĐSBCL và tỉnh Sóc Trăng để làm sao khai thác cát biển phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển của địa phương", ông Lâu bày tỏ.
Cảm ơn sự góp sức của Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, chỉ với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã cần hơn 18 triệu m3 cát nhưng hiện nay mới có hơn 2 triệu m3. Theo kế hoạch, đến hết 2025 dự án phải hoàn thành, do đó yêu cầu cát rất cấp bách. Do đó, khi có những mỏ cát biển của Sóc Trăng thì các dự án trọng điểm về giao thông của khu vực ĐBSCL đã có lời giải. Nói không quá, cát biển đang trở thành cứu cánh cho các dự án hạ tầng giao thông cho các tỉnh miền Tây.
Khai thác kết hợp với bảo vệ môi trường
Về bản chất, khai thác cát biển, sử dụng tro xỉ nhiệt điện, làm cầu cạn ở những khu vực phù hợp là 3 giải pháp giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền cao tốc cho các tỉnh ĐBSCL nói riêng, các khu vực khó khăn do thiếu vật liệu san lấp làm cốt nền đường nói chung.
Trước đó tại Hội thảo khoa học giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông, do Bộ Xây dựng tổ chức hồi tháng 9/2023, ông Nguyễn Quang Hiệp, Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, các tỉnh ĐBSCL đang triển khai 8 dự án đường cao tốc, với tổng cộng 463km chạy qua 10 tỉnh. Các dự án này có nhu cầu về cát san lấp rất lớn, riêng lượng cát san lấp nền đã cần khoảng 53,7 triệu m3 . Riêng trong năm 2023 theo kế hoạch, nhu cầu cát san lấp nền của các dự án đã là 16,78 triệu m3, năm 2024 khoảng 23,63 triệu m3.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm cát đắp nền cao tốc ở ĐBSCL, tính đến tháng 11/2023 các bộ, ngành và địa phương đã cấp phép 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, nhưng trữ lượng cát san lấp nền đường chỉ khoảng 37 triệu m3, mới đáp ứng 70% nhu cầu của 8 dự án cao tốc trong vùng. Điều đáng lo ngại hơn, do lũ về ĐBSCL ngày một ít nên lượng cát đổ về 2 nhánh chính của sông Tiền, sông Hậu hiện nay chỉ đáp ứng 10% nhu cầu khai thác và nguồn cát tự nhiên của vùng ĐBSCL ngày càng cạn kiệt. Một số khu vực khai thác quá mức gây ra sạt lỡ hai bên bờ rất nghiêm trọng.
Chính vì vậy, là cơ quan quản lý tài nguyên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn 6 vùng biển Sóc Trăng để khai thác cát biển phục vụ đắp nền cao tốc. Phạm vi khai thác cát biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phải cách bờ 10-25km, độ sâu 10-30m để đảm bảo môi trường sinh thái. Do đó, Bộ này xác định với tổng trữ lượng khai thác khoảng 14 tỉ m3 cát biển. tập trung chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng là có thể khai thác mà không ảnh hưởng tới môi trường biển và hệ sinh thái khu vực nói chung.
Về bản chất, khai thác cát biển sẽ dần thay thế cát sông, và nên thay đắp nền đường bằng cầu cạn nhất là tại khu vực ĐBSCL bởi 4 yếu tố: Một, khai thác cát sông quá mức sẽ hạ thấp lòng sông làm giảm lượng phù sa của ĐBSCL, ảnh hưởng tới vựa lúa của cả nước. Hai, việc đắp nền cao tốc cao sẽ cản trở thoát lũ của ĐBSCL. Ba là nếu chỉ thực hiện giải pháp đắp nền cao tốc bằng cát sông sẽ làm cho tình trạng khan hiếm vật liệu trong vùng nghiêm trọng hơn. Và cuối cùng nếu tiếp tục theo lối mòn hút cát sông đắp nền cao tốc sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án cao tốc, quốc lộ. Do đó, cát biển sẽ là giải pháp thay thế (trước mắt) khi chúng ta thiếu kinh phí làm cầu cạn, nhưng việc khai thác cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường.