Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong kế hoạch hình dung ban đầu là nơi tập hợp được những bộ não có khả năng kinh doanh, điều hành doanh nghiệp (DN). Đến nay, khi mô hinh siêu ủy ban được “chốt” là một cơ quan hành chính nhà nước, với mức lương thưởng như mọi cơ quan khác. Vậy để điều hành, quản lý khối tài sản lên đến 1,5 triệu tỷ, cần cơ chế nào để tuyển được người tài vào làm việc hiệu quả.
Lo nhân sự cho “siêu ủy ban”
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận là một cơ quan nhà nước nên ủy ban quản lý vốn cũng phải tuân thủ quy định về cơ chế hoạt động, quản lý tài chính, lao động, tiền lương, cán bộ như một cơ quan nhà nước. Trong khi đó, với vai trò là cơ quan nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả, nên Ủy ban phải có một đội ngũ chuyên gia, cán bộ phù hợp để quản lý các tập đoàn, tổng công ty.
“Cơ quan soạn thảo luôn mong muốn thu hút được các chuyên gia đầu ngành về siêu ủy ban để quản lý Tập đoàn, Tổng công ty nhưng do sự ràng buộc về cơ chế hoạt động của một cơ quan nhà nước, nên cán bộ dự kiến của siêu ủy ban vẫn là điều chuyển từ cơ quan khác về, ít nhất trong giai đoạn đầu chưa có thay đổi gì lớn. Đến nay ngoài Chủ tịch mới điều động, hơn chục cán bộ quản lý từ các bộ, ngành biệt phái về siêu ủy ban vẫn ăn lương tại SCIC”, ông Hiếu cho biết.
Là một trong những người “chắp bút” cho Đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá nhân sự là một nút thắt của cơ quan này.
Ông Trung cho rằng, việc thành lập Ủy ban chính là lập ra một cơ quan quản lý hoàn toàn mới với mục tiêu có bộ máy quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả, vì vậy cần có đội ngũ chuyên gia, cán bộ phù hợp.
Tuy nhiên, Ủy ban này tới thời điểm hiện nay vẫn được xác định là một bộ máy cơ quan nhà nước, vẫn phải tuân thủ toàn bộ các quy định, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, quản lý lao động, tiền lương và cơ chế nhân viên như cơ quan nhà nước.
Khi vẫn duy trì bộ máy hoạt động như cơ quan nhà nước thì rõ ràng động lực để nâng cao hiệu quả quản lý chỉ ở mức độ vừa phải. Thực tế này chưa thực sự đáp ứng mục tiêu mà cơ quan soạn thảo mong muốn là xây dựng một bộ máy gồm các chuyên gia, thu hút được những nhân sự đầu ngành về quản lý vốn.
Điều này, theo đại diện CIEM, trước mắt, chưa có vấn đề gì lớn, song xét về kỳ vọng và mục tiêu mà cơ quan này hướng tới thì rất cần có sự thay đổi nào đó để thu hút được chuyên gia giỏi theo cơ chế thị trường.
“Đó là một thách thức lớn đang đặt ra đối với công tác hoàn thiện bộ máy nhân sự Ủy ban”, ông Trung nhận định.
Thành hay bại là ở con người
Theo các chuyên gia, nếu với cách thức điều chuyển cán bộ từ cơ quan khác sang như hiện nay thì rõ ràng những quan điểm e ngại về việc nâng hiệu quả và chất lượng quản lý vốn nhà nước là hoàn toàn có cơ sở.
Theo ông Phan Đức Hiếu, tinh thần đề án xây dựng dự thảo nghị định là hình thành cơ quan chuyên môn cao, chuyên nghiệp và có cái nhìn của nhà đầu tư – một nhà đầu tư chuyên nghiệp, chuyên môn cao chứ không phải mong muốn thuần túy là cơ quan hành chính nhà nước.
“Nếu đáp ứng được yêu cầu này, việc điều phối hoạt động siêu ủy ban cũng giống như một tập đoàn đa quốc gia trong khu vực. Thách thức lớn nhất không phải là kinh doanh nguồn vốn, mà là thu hút được nhân sự có trình độ chuyên môn, có được cơ chế để tuyển chuyên gia giỏi về quản lý vốn”, lãnh đạo CIEM chia sẻ.
Theo các chuyên gia, ngoài việc đưa ra chính sách đúng thì thành hay bại của chính sách phụ thuộc vào người thực thi. Người thực hiện vô cùng quan trọng. Nếu có người đủ tài năng, phẩm chất thì sẽ thúc đẩy chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Nếu người thực hiện không toàn tâm toàn ý, khi kết quả không đạt như ý muốn, rất có thể nảy sinh tâm lý “đổ lỗi cho chính sách”.
Chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ cấu, nhiệm vụ của Uỷ ban này hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhấn mạnh: “Uỷ ban là cơ quan trực tiếp thực thi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên nhân sự phải đảm đương nhiệm vụ được ngay là rất quan trọng, để công việc không bị đình trệ”.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành “gạn đục khơi trong” để tìm người vì thành hay bại đều từ công tác cán bộ mà ra. Danh sách cán bộ phải cụ thể, chi tiết về tên tuổi, nghiệp vụ, năng lực. Làm minh bạch ngay từ đầu càng tốt cho Uỷ ban về sau.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Ủy ban ra đời càng sớm càng tốt, đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Nếu đi vào hoạt động đúng như Đề án đặt ra, Nghị quyết Trung ương đặt ra thì nó sẽ góp phần đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN. Nhà nước cũng không phải bận tâm làm những việc không thuộc trách nhiệm nhà nước, tập trung vào quản lý các DNNN phải nắm giữ. Ông Đông cũng khuyến nghị cần tham khảo quy chế quản trị DNNN do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra.
|
Lương Bằng
Doanh nghiệp nhà nước gánh khối nợ 1,6 triệu tỷ đồng
Có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ DN bị tê liệt, không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân.
Cần 1,5 triệu tỷ, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang xin ưu đãi
Nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới cả triệu tỷ đồng. Đáng nói, cả 3 địa phương đều xin nhiều ưu đãi để làm đặc khu.
Nguyên Bí thư tỉnh ủy quản 5 triệu tỷ, vụ trưởng khoa học làm chủ tịch tập đoàn
Loạt lãnh đạo mới được bổ nhiệm, biến động túi tiền nhà đại gia sát Tết và xét xử Huyền Như, cùng tranh chấp vợ chồng cà phê Trung Nguyên là những thông tin ấn tượng tuần qua.
Chân dung Chủ tịch 'siêu uỷ ban' quản 5 triệu tỷ đồng
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng là người có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Thành lập siêu ủy ban 5 triệu tỷ đồng: Gom 130 tỷ USD về một mối
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguyên Bí thư Cao Bằng làm chủ tịch ủy ban quản lý 5 triệu tỷ
Ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
'Ông lớn' nhà nước ôm khối nợ 1,5 triệu tỷ đồng
Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ tổng tài sản phải là hơn 3 triệu tỷ đồng, nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 nghìn tỷ đồng.