Hàng loạt sản phẩm thời trang, mỹ phẩm của các thương hiệu lớn bị làm giả, làm nhái đang được bán tràn lan trên trị trường trong dịp cuối năm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính.
Cuối năm với liên tiếp các dịp lễ lớn như: Back Friday, Giáng sinh, Tết… là dịp để các thương hiệu lớn "tung" ra nhiều chương trình ưu đãi khủng thu hút người tiêu dùng mua sắm. Đây cũng là kẽ hở để nhiều mặt hàng giả, nhái theo các sản phẩm có tên tuổi trà trộn, bán cho người tiêu dùng.
Chị Trần Minh Hòa (Hà Nội) chia sẻ: Chị rất thích quần áo, giày dép của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, The North Face, Adidas, Gucci…, nhưng giá các mặt hàng này khá đắt, trung bình từ 2 triệu đồng đến cả chục triệu đồng. Dịp lễ cuối năm, các loại hàng hiệu này thường có các chiến dịch giảm giá lớn, là cơ hội để người tiêu dùng như chị "săn hàng hiệu" với mức giá ưu đãi.
Vậy nên, trong ngày mua sắm Black Friday vừa qua, chị Hòa đã tìm kiếm những mặt hàng của các thương hiệu này và thấy trên mạng xã hội, nhiều người đăng bán mức giá chỉ 200.000 đồng. 500.000 đồng/sản phẩm. Tin tưởng đây là những sản phẩm được giảm giá cuối năm, nên chị đã dành một khoản tiền không nhỏ để mua sắm cho mình và gia đình. Nhưng, niềm vui bị dập tắt ngay khi chị Hòa mở hàng vì những mẫu "hàng hiệu" chị ao ước chỉ là hàng nhái, với đường kim mũi chỉ cẩu thả, chất lượng kém.
Không chỉ có mặt hàng thời trang, mà nhiều sản phẩm khác của đủ các thương hiệu mỹ phẩm, đồ dùng trong nước và quốc tế đều bị làm giả, làm nhái. Các sản phẩm giả nhái từ các thương hiệu đắt đỏ như Dior, Chanel, LV, Hermes… Thậm chí, đến những thương hiệu hóa mỹ phẩm khá bình dân như: Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder cũng bị làm giả.
Những sản phẩm hàng giả, hàng nhái này được bán tràn lan tại nhiều cửa hàng tạp hóa, các khu chợ đêm và đặc biệt trên các nền tảng bán hàng online. Việc tiêu thụ, buôn bán hàng giả, kém chất lượng không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà phân phối và quyền lợi người tiêu dùng.
Nhiều cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái bị phát hiện
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, cuối năm thường là khoảng thời gian cao điểm của hàng giả, hàng nhái do nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao. Từ nay tới Tết dương lịch và âm lịch, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường ra quân kiểm soát hàng giả hàng nhái bảo vệ người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường cũng liên tục kiểm tra và phát hiện hàng ngàn sản phẩm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở trên toàn quốc.
Tiêu biểu như: lực lượng quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra tổng kho hàng tại thôn Tân Thành, xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và phát hiện, thu giữ số lượng "khủng" các sản phẩm mang các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, nước hoa Chanel, Dior, Gucci, giày dép, quần áo Hermes, Adidas hay các loại sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tỏi đen, sữa nghệ nano Curcumin, thực phẩm chức năng, sữa bột dành cho trẻ em…
Vào cuối tháng 11 vừa qua, trong quá trình kiểm tra tại một số địa điểm kinh doanh trên phố Hàng Đào (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm quần áo, balo, giày thể thao mang nhãn hiệu nổi tiếng và được bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam như Nike, The North Face, Adidas… được bày bán công khai tại cửa hàng và chợ đêm. Thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng chỉ xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, còn số "hàng hiệu" này hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Mỗi món "hàng hiệu" dởm này được bán với giá chưa tới 200.000 đồng trong khi giá chính hãng niêm yết dao động từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng.
Chiều ngày 2/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng vừa tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trên phố Trần Vỹ (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) và phát hiện, thu giữ gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang bày bán tại cơ sở và trên các trang mạng xã hội.
Tại TP.HCM, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng đã đột xuất kiểm tra và bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất nằm trên địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Cơ sở này pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu quen thuộc trên thị trường. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện phần lớn hàng hóa đều là các loại dầu gội mang các nhãn hiệu như: X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder… Tất cả mang bao bì nhãn mác do Thái Lan và một số nước khác sản xuất.
Tại thời điểm kiểm tra, bà H. (chủ cơ sở) cho biết cơ sở của bà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng tại TP.HCM và các tỉnh, bỏ mối tại các chợ, và bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook, zalo…
Bảo vệ quyền lợi của chính mình
Với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, mạng xã hội, các sản phẩm làm giả, làm nhái đang được bán rộng rãi trên các nền tảng online kèm theo nhiều ưu đãi, giảm giá để thu hút người mua.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đang tăng cường bám sát các địa bàn trọng điểm và đã có Kế hoạch triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu, để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về công tác phòng chống hàng giả và biết cách phòng tránh.
Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng thì người dân cũng cần ý thức rõ khi mua sắm các loại hàng hóa, lựa chọn các sản phẩm chính hãng, uy tín, không tiếp tay cho mua sắm, tiêu dùng hàng nhái, hàng giả. Đó là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình khi mua sắm.
Theo Phụ nữ Việt Nam