Thị trường chứng khoán không ít lần chao đảo, bốc hơi tỷ USD khi có những tin đồn/suy diễn thất thiệt. Nhà đầu tư nhạy cảm với tin đồn quá mức cần thiết. Có người đặt lệnh bán cổ phiếu ngay lập tức khi nghe những tin đồn nhảm nhí không thể tin nổi
Sóng gió vì tin đồn
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến đi xuống nhiều hơn khi dòng tiền nội yếu, tâm lý lo ngại xuất hiện trên diện rộng. Một số cổ phiếu bị bán tháo, giảm sâu khi giới đầu tư đón nhận những thông tin không tích cực.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, ngày 3/3, chỉ số VN-Index giảm 12,84 điểm xuống 1.024,77 điểm, gần sát mức thấp nhất trong tuần và ở quanh mức đáy kể từ đầu năm tới nay. Thanh khoản ở vùng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Nhiều cổ phiếu bất động sản và ngân hàng tiếp tục giảm giá theo những câu chuyện truyền tai liên quan tới những khó khăn và triển vọng xấu của nhiều doanh nghiệp. Cổ phiếu DIC Corp. (DIG) giảm sàn phiên thứ 2 trong tuần, xuống 11.750 đồng/cp…, trở về gần mức đáy kể từ đầu năm 2020.
Cổ phiếu DIG của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp bị bán tháo sau khi có thông tin doanh nghiệp này bị thanh tra về việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong quá khứ. Thanh tra Chính phủ hôm 28/2 công bố quyết định thanh tra toàn diện DIG trong vòng 30 ngày.
DIG giảm mạnh cho dù trước đó đã có đợt giảm sâu gần 90% theo đà giảm chung của các cổ phiếu bất động sản và thị trường nói chung từ tháng 4/2022 và xuống mức thấp nhất - dưới 10.000 đồng/cp hồi giữa tháng 11/2022.
DIG sau đó hồi phục có lúc lên trên 20.000 đồng/cp trước khi giảm trở lại.
Chủ tịch HĐQT DIG Nguyễn Thiện Tuấn phải gửi thư trấn an cổ đông, trong đó khẳng định đây là "hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay". Theo đó, Nhà nước có chủ trương rà soát lại toàn bộ hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nên không chỉ riêng DIG mà rất nhiều doanh nghiệp cũng thuộc đối tượng được kiểm tra.
Tuy nhiên, dư bán sàn cổ phiếu DIG trong phiên ngày 3/3 vẫn lên tới vài triệu đơn vị.
Hiện tượng cổ phiếu bị bán tháo theo những tin đồn, suy diễn liên quan tới doanh nghiệp trong kế hoạch thanh tra hay tin đồn thất thiệt doanh nhân, lãnh đạo bị bắt giữ… gần đây không còn là chuyện hiếm.
Hồi giữa tháng 7/2022, câu chuyện nhóm người tung tin đồn trên mạng xã hội về Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cổ phiếu “họ Vin” giảm sàn.
Cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn GELEX (GEX) gần đây cũng bị bán mạnh do một số tin đồn thất thiệt.
GELEX hôm 25/2 có thông cáo cho biết, những thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của Tập đoàn; đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng cũng như xâm phạm quyền lợi của cổ đông CTCP Tập đoàn GELEX (GEX).
Cũng hồi đầu năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dính tin đồn về bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo. Tập đoàn Hoà Phát phải lên tiếng tin đồn Vietcombank giải chấp 100 triệu cổ phiếu của ông Trần Đình Long.
Lãnh đạo Hoà Phát cho biết hợp đồng vay trung dài hạn giữa Hoà Phát và Vietcombank đã có tài sản đảm bảo. Việc thế chấp 100 triệu cổ phiếu của ông Trần Đình Long chỉ là bổ sung thêm làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, không có việc Vietcombank bán số cổ phiếu này khi giá cổ phiếu đi xuống.
Tập đoàn Hòa Phát cũng từng bác bỏ thông tin lan truyền trên hệ thống quảng cáo của Google cho rằng Chủ tịch HPG Trần Đình Long đầu tư Bitcoin. Thông tin này sai sự thật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân tỷ phú Trần Đình Long.
Chị Nguyễn Hiền, một nhà đầu tư tại Ba Đình (Hà Nội) cho biết, TTCK thường rất nhạy cảm với tin đồn. Nhiều người thường rất lo sợ khi nghe tin đồn xấu về doanh nhân, doanh nghiệp và bấm lệnh bán bằng mọi giá để tránh giá cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên nếu tin đồn trở thành hiện thực. Hiệu ứng bán dây truyền khiến cổ phiếu của doanh nghiệp giảm rất nhanh, thậm chí ảnh hưởng tới nhiều mã cổ phiếu khác cũng như TTCK chung. Rất nhiều người mất tiền vì tin đồn thất thiệt.
Ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán có 20 năm kinh nghiệm tại Hà Nội cho rằng, tin đồn và những suy đoán thất thiệt trước các sự việc nghiêm túc (như hoạt động thanh tra gần đây) đã kéo theo những tác động xấu đến TTCK. Nhà đầu tư này cho rằng, cần có những chế tài mạnh hơn để vào vệ các nhà đầu tư trên thị trường và doanh nghiệp trên TTCK. Những người tung tin đồn thường sau đó bị xử lý hành chính hay hình sự nhưng chưa có trường hợp bị buộc phải đền cho nhà đầu tư. TTCK có những đợt bốc hơi một vài tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với rất nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại lớn vì những tin đồn thất thiệt.
Chia sẻ về những vụ việc gần đây, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund cho rằng, trước tiên, phải thừa nhận rằng đó là tin đồn.
“Và bởi nó là tin đồn cho nên đương nhiên là nó không được kiểm chứng. Việc tin đồn đưa ra thường đều có mục đích nhất định. Tuy nhiên, tin đồn tốt thì đi ngắn, tin đồn xấu thường đi rất xa và rất nhanh. Điều này làm cho tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang và bán tháo (cổ phiếu). Khi bán tháo, thì tất cả mọi thứ đều rớt, dù là cổ phiếu của các doanh nghiệp không hề liên quan”, ông Vicente Nguyen nói.
Theo CIO của AFC Vietnam Fund, một thực tế là, nhiều tin đồn trong quá khứ sau đó trở thành sự thật, điều này làm cho nhà đầu tư (NĐT) gia tăng niềm tin rằng, tin đồn sẽ thành sự thật, và khi thành sự thật thì nó sẽ càng tệ hại hơn. Chính vì vậy, NĐT thường phản ứng nhanh và bán tháo.
Tác hại và hệ quả tồi tệ thế nào thì ai trong thị trường chứng khoán (TTCK) cũng đều thấy. Nhiều người thua lỗ nặng nề. Đó là với TTCK, còn bản thân doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khách hàng có thể ngưng mua, ngưng trả tiền, nhà cung cấp thì đòi nợ, ngân hàng từ chối cấp tín dụng…. Tất cả những điều này đều gây thiệt hại không thể đong đếm đối với doanh nghiệp. Nói chung, ảnh hưởng là cực kỳ tồi tệ.
TTCK Việt Nam còn non trẻ, nên nhiều tin đồn có tác động tiêu cực lớn. Nhưng chính sức đề kháng yếu và chất lượng thông tin, độ minh bạch, công khai hóa ở mức thấp và tâm lý bầy đàn trên thị trường khiến tin đồn có nhiều đất sống.
NĐT ở Việt Nam nhạy cảm với tin đồn quá mức cần thiết
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund chia sẻ nhận định với VietNamNet về vấn đề tin đồn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn gây ra những làn sóng bán tháo và vốn hóa bốc hơi nhiều tỷ USD.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có quá nhạy cảm với tin đồn… hay không?
Với một thị trường non trẻ như Việt Nam, hầu hết NĐT cá nhân đều không có kinh nghiệm và kiến thức nhất định thì họ phản ứng theo tin đồn là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng, NĐT ở Việt Nam lại nhạy cảm với tin đồn quá mức cần thiết.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều NĐT đặt lệnh bán cổ phiếu ngay lập tức khi nghe những tin đồn nhảm nhí không thể tin nổi trên TTCK. Họ thường phản ứng nhanh hơn bộ não.
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund.
- Việc các nhà đầu tư nhanh tay bán cổ phiếu khi có tin đồn/suy diễn… phải chăng là quyết định thiếu cân nhắc hay không?
Tin đồn là một phần không thể thiếu và không thể tránh trên TTCK, mọi nơi trên thế giới. Có tin đồn thành sự thật, có tin đồn hết sức vô lý và nhảm nhí.
Việc chúng ta cần làm đầu tiên không phải bán hay mua cổ phiếu mà là phân tích. Phân tích sự đúng sai, hợp lý của tin đồn. Liệu nó có hợp lý không, có khả năng xảy ra không, hay hết sức vô lý không thể tin nổi.
Sau khi phân tích sự đúng sai, hợp lý thì bước tiếp theo là phân tích ảnh hưởng của tin đồn đó đến doanh nghiệp mà chúng ta đang đầu tư nếu nó thành sự thật. Liệu nó có gây giảm sút lợi nhuận hay tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp hay không? Nếu nó hoàn toàn không ảnh hưởng thì việc bán tháo đúng là quyết định thiếu đúng đắn. Thậm chí nếu tỉnh táo hơn, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng sự suy giảm nhất thời của thị trường để mua vào cổ phiếu tốt và kiếm lãi trong dài hạn.
- Theo ông các cơ quan quản lý có cần những chế tài mạnh hơn để vào vệ các nhà đầu tư trên thị trường và doanh nghiệp trên TTCK?
Dưới góc độ là một nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ, tôi cho rằng, tin đồn là phần không thể thiếu và không thể chặn. Bởi chúng ta chẳng thể bắt ai đó im miệng được cả. Ngoài ra NĐT cũng có tỷ cách để lan truyền tin đồn theo kiểu một câu hỏi mà không phải một sự khẳng định.
Do đó, chế tài bản chất sẽ khó ngăn chặn nó, nên chăng thì các cơ quan quản lý cần nhất quán trong việc đưa ra thông tin trước công luận, trước sau thống nhất, không gây mâu thuẫn bởi đó là những lần làm sứt mẻ niềm tin và làm NĐT càng nghĩ rằng, tin đồn sẽ thành sự thật. Hơn nữa, cần tuyên truyền việc tỉnh táo với tin đồn.
Dù vậy cũng khó ngăn chặn 100%, cách tốt nhất bảo vệ NĐT là chính bản thân họ phải tự bảo vệ mình, phải tỉnh táo.
- Những người tung tin đồn thường sau đó bị xử lý hành chính hay hình sự nhưng chưa có trường hợp nào bị buộc phải đền cho nhà đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không phải là một luật sư, hay một nhà làm luật nên tôi không thể kết luận điều đó là hợp lý hay không. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các trường hợp cố ý tung tin đồn để trục lợi hoặc gây mất trật tự kinh tế, xã hội thì cần phải xử lý nghiêm, thậm chí hết sức nghiêm khắc để cảnh tỉnh.
Bởi hậu quả của các tin đồn đôi khi là không thể tưởng tượng nổi. Đối với các doanh nghiệp mà nói, để không bị ảnh hưởng hoặc hạn chế ảnh hưởng bởi tin đồn thì bản thân doanh nghiệp phải xây dựng một uy tín vững bền, chắc chắn theo thời gian, ít nhất là 10 năm.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng phải tạo ra một hệ thống kiểm soát công ty, quản trị rủi ro một cách chắc chắn, đặc biệt là vấn đề quản trị. Không thiếu những doanh nghiệp khi người đứng đầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngay lập tức rơi vào khủng hoảng và diệt vong. Đó là những doanh nghiệp không được quản trị tốt. Quản trị tốt là có thể đối đầu với khó khăn, khi xảy ra những rủi ro này họ vẫn hoạt động được, duy trì và từ từ vượt qua khủng hoảng.
- TTCK Việt Nam còn non trẻ, nên nhiều tin đồn có tác động tiêu cực lớn. Nhưng chính sức đề kháng yếu và chất lượng thông tin, độ minh bạch, công khai hóa ở mức thấp và tâm lý bầy đàn trên thị trường khiến tin đồn có nhiều đất sống?
Hoàn toàn chính xác. Như tôi chia sẻ phía trên, bản thân doanh nghiệp phải minh bạch, phải uy tín và xây dựng hệ thống quản trị vững chắc (corporate governance). Giữ vững những yếu tố này theo thời gian dài nó sẽ tạo ra một bức tường thành đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp. Nó chính là pháo đài (fortress) bền vững trước tin đồn của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cũng phản ứng rất nhanh với tin đồn, rằng tin đồn là vô căn cứ, rằng tin đồn không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, nó không đủ tạo ra niềm tin cho NĐT bởi một quá khứ không mấy huy hoàng của những doanh nghiệp này. Khi đó, càng nói càng sai, càng tạo ra phản ứng ngược. Còn doanh nghiệp có “pháo đài” bảo vệ vững chắc, thậm chí họ chẳng cần nói, chỉ cần làm vài động tác nhỏ thì ngay lập tức NĐT xóa tan hoài nghi.