Đắk Lắk - “Thủ phủ cà phê Việt Nam”

Từ năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đắk Lắk chủ trương phát triển mạnh cây cà phê. Thời kỳ cao điểm vào năm 2011, diện tích cà phê toàn tỉnh Đắk Lắk trên 260.000 ha, sản lượng 452.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng cà phê cả nước, thu hút 200 ngàn lao động trực tiếp sản xuất, chế biến cà phê với hơn 100 ngàn hộ và hơn nửa triệu người sống và hoạt động liên quan đến cây cà phê.

Sau ngày chia tách tỉnh (đầu năm 2004), Đắk Lắk có 266.000ha, sản lượng 300.000 tấn/năm - vẫn là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cà phê.

Từ năm 2005, thực hiện Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt, quy hoạch chuyển đối cơ cấu về sản xuất nông - lâm - thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thì ngành cà phê sẽ “tiếp tục giảm diện tích ở những địa bàn không thích hợp, không có tưới, năng suất thấp, ổn định diến tích từ 450 đến 500 ngàn ha, xác định cơ cấu cà phê chè phù hợp ở những vùng có điều kiện thích hợp, bố trí diện tích chủ yếu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Bắc Trung bộ.

Trên tinh thần đó, tỉnh Đắk Lắk đã có những điều chỉnh thích hợp về quy hoạch vùng và cơ cấu cây trồng. Tuy vậy, đến nay Đắk Lắk vẫn là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 204.000 ha, chiếm 34,35% diện tích cà phê cả nước và 38% diện tích cà phê của 5 tỉnh  Tây nguyên.

Trong đó, diện tích cà phê cho thu hoạch hơn 191.000 ha, sản lượng niên vụ 2018 -2019 đạt 464.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cà phê cả nước  và 41,9% sản lượng cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm toàn tỉnh đạt từ 500- 700 triệu USD, đóng góp trên 40% GDP của tỉnh và đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng 120.000 lao động gián tiếp.

Như vậy, sau nhiều biến đổi về quy hoạch, sự chia tách đơn vị hành chính, tại thời điểm hiện nay Đắc Lắk  vẫn giữ được ngôi vị đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, xứng đáng là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”.

{keywords}
Ông Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk và Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank chủ trì Hội nghị về giải pháp tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổ chức vào tháng 6/2013

Tín dụng Agribank Đắk Lắk, từ vai trò ‘bà đỡ’…

Nhận thức sâu sắc, cà phê là đối tượng đầu tư chủ yếu của tín dụng, trong những năm qua, Agribank Đắk Lắk luôn đồng hành với những bước thăng trầm của cây cà phê. Trong suốt chặng đường 31 năm - kể từ ngày thành lập, Agribank Đăk Lăk luôn tự hào đã góp phần quan trọng và sự phát triển kinh tế của địa phương nói chung, đặc biệt là trong vai trò “bà đỡ” của cây cà phê từ thuở khai hoang mở đất cho đến khi thu hoạch, thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Tính đến cuối tháng 2/2019, tại Agribank Đắk Lắk dư nợ cho vay nền kinh tế đạt con số 10.908 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 9.709 tỷ đồng, chiếm gần 90% trên tổng dư nợ. Chỉ tính riêng vốn đầu tư cho trồng, chăm sóc cây cà phê,… lên tới con gần 4.000 tỷ đồng.  Là ngân hàng thương mại có vốn đầu tư vào cây cà phê lớn nhất trong các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Agribank Đắk Lắk đối với phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, năm 2007, Agribank Đắk Lắk vinh dự được Đảng, Nhà và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Đến ‘trẻ hóa’ vườn cây

{keywords}
Cán bộ Agribank trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra vườn cây tái canh sắp cho thu hoạch vụ đầu tiên tại Cty cà phê 719 thuộc Tổng Cty cà phê Việt Nam.

Việc thực hiện tái canh cây cà phê nhằm“trẻ hóa” vườn cây là hết sức cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành cà phê tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của ngành cà phê Việt Nam nói chung.

Với tinh thần đó, vào hạ tuần tháng 6/2013, tại Tp. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk và Agribank đã phối hợp tổ chức “Hội nghị về giải pháp tái canh cây Cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” với sự tham gia của đại diện các Bộ/Ngành TW và địa phương. Tại hội nghị này đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký với 163,55 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7 ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê.

Với vai trò và trách nhiệm là Ngân hàng tài trợ vốn, ngay sau hội nghị, Agribank Đắk Lắk đã tích cực triển khai thực hiện cho vay tái canh cây cà phê với tinh thần “vốn tái canh đã sẵn sàng”. 

Sau hơn 5 năm triển khai dư nợ cho vay tái canh cà phê tại 2 ngân hàng chủ lực là Agribank Đắk Lắk và Agribank Bắc Đắk Lắk đạt trên 117,6 tỷ đồng, với 221 khách hàng (196 khách hàng cá nhân, 25 khách hàng doanh nghiệp). Nhiều doanh nghiệp đã có những thành công bước đầu trong tái canh cà phê. Điển hình như, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 720 (Công ty 720), Công ty 52, Công ty 719, Công ty cà phê Phước An, Công ty cà phê Việt Đức;…

Với sự nỗ lực của Ngân hàng, kết hợp với sự vào cuộc tích cực của Hộ, Doanh nghiệp trồng cà phê và chính quyền địa phương, chương trình tái canh cà phê trên địa bàn Tỉnh Đắk Lắk sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là ở khu vực hộ gia đình, cá nhân - nơi chiếm gần 70% diện tích cà phê toàn tỉnh. 

Phan Quốc Lương