Cuộc gặp để bàn về vấn đề thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về cuộc trao đổi này vẫn đang trong vòng bí mật.
Trước đó, ngày 27/5, ông Lưu Hạc và bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ, cũng đã tiến hành trao đổi.
Kể từ khi ký kết Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Mỹ, căng thẳng thương mại đã lắng dịu trong một thời gian. Hai cuộc tiếp xúc nói trên đánh dấu việc nối lại đối thoại giữa hai bên kể từ khi chính quyền ông Joe Biden lên nắm quyền.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: caixinglobal |
Tuy nhiên, xét tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, vấn đề thương mại sẽ khó tạo ra đột phá lớn trong thời gian ngắn và tương lai có thể tiếp tục diễn ra những cuộc thảo luận giới hạn, xoay quanh việc phối hợp triển khai trong giai đoạn đầu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Phó thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã tham gia "các cuộc trao đổi mang tính xây dựng với thái độ bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau". Còn theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), bà Katherine Tai đã thảo luận về các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm của chính quyền Biden và việc xem xét lại mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Tuyên bố của USTR nhấn mạnh: “Katherine Tai lưu ý rằng bà mong đợi các cuộc thảo luận trong tương lai với Phó thủ tướng Lưu Hạc”.
Thách thức tổng thể
Tuy nhiên, bà khẳng định, Mỹ vẫn phải đối mặt với “những thách thức rất lớn” trong mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc vốn đòi hỏi sự quan tâm bao trùm của chính quyền Biden.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/5, Katherine Tai cho hay, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là quan trọng nhưng chỉ là một phần của mối quan hệ đầy thách thức và phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà nói: “Những thách thức tổng thể mà chúng tôi gặp phải với Trung Quốc vẫn còn đó và chúng rất lớn”.
Theo phân tích mới nhất về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), Trung Quốc nhập khẩu 47,1 tỷ USD các sản phẩm từ Mỹ vào cuối tháng 4/2021, so với mục tiêu cả năm là 64,5 tỷ USD. Cùng kỳ, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là 34,5 tỷ USD, so với mục tiêu đề ra cho cả năm là 57,4 tỷ USD.
Báo cáo dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, việc mua hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt 73% so với mục tiêu hàng năm tính đến tháng 4/2021. Trong khi đó, dựa theo dữ liệu của Mỹ, mức độ đạt được chỉ là 60%.
Nếu xét theo danh mục, nông nghiệp là lĩnh vực đang tiến gần nhất tới mục tiêu, ở mức 79% dựa trên dữ liệu của Mỹ và 87% dựa trên dữ liệu của Trung Quốc. Thỏa thuận 2 năm sẽ kết thúc vào tháng 12/2021.
Cũng theo Viện nghiên cứu trên, trong năm 2020, tiến độ nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc cũng thấp hơn mục tiêu đến hơn 40%.
Bà Katherine Tai: Mỹ vẫn phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Hồi tháng 3, bà Katherine Tai phát biểu, một cuộc họp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ diễn ra “vào thời điểm thích hợp”, và thuế quan của Mỹ nhằm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được duy trì.
Những ngày tháng căng thẳng
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, những phát biểu của Mỹ về Trung Quốc đã trở nên cứng rắn. Vào tháng 12/2017, chiến lược an ninh mới của Mỹ cho thấy Trung Quốc, giống như Nga, là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Báo cáo của Nhà Trắng vào đầu năm 2018 khẳng định, sự xâm lược về kinh tế của Trung Quốc đe dọa không chỉ nền kinh tế Mỹ mà còn cả nền kinh tế thế giới. Kể từ đó, Mỹ không ngừng đưa ra những chỉ trích công khai, đặc biệt là bài phát biểu gay gắt của Phó tổng thống Pence vào tháng 10/2018 chỉ trích ảnh hưởng của Trung Quốc trong nước, và bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo vào tháng 7/2020 kêu gọi hối thúc Trung Quốc thay đổi.
Những tháng cầm quyền cuối cùng của chính quyền Trump cũng được đánh dấu bằng việc tăng cường các biện pháp chống Trung Quốc, nhất là trừng phạt các công ty đại lục, trong đó có 3 công ty bị hủy niêm yết chứng khoán trên thị trường New York.
Ngoài những căng thẳng song phương trong nhiều lĩnh vực và luận điệu cứng rắn của mỗi bên, điều đáng chú ý nhất là hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ xấu đi chưa từng thấy. Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew vào mùa hè năm ngoái, 73% người Mỹ có nhận xét tiêu cực về Trung Quốc, một con số kỷ lục, so với 60% vào năm 2019 và 47% vào năm 2018.
Thậm chí, vào tháng 2/2021, 45% người Mỹ coi Trung Quốc là "kẻ thù lớn nhất của Mỹ", trong khi đó chỉ 26% người Mỹ có quan điểm như vậy về Nga, và 4% có quan điểm như vậy về Iran.
Cùng tồn tại
Ngoại trưởng Blinken thừa nhận, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ quan trọng nhất mà hai nước có trên thế giới. Do vậy, hai nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc cùng tồn tại. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để vạch ra ranh giới giữa hợp tác, cạnh tranh và đối đầu.
Về vấn đề này, Nhà Trắng thể hiện quan điểm rất rõ ràng qua phát biểu của ông Blinken: "Hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết và đối đầu khi bắt buộc”. Đó là lập trường cứng rắn và không lay chuyển của Mỹ về một số lợi ích cơ bản. Trên thực tế, đó cũng chính là quan điểm của Trung Quốc từ nhiều năm qua. Mỹ không thể chấp nhận mất ưu thế quốc tế của mình, và Trung Quốc cũng cố tìm cách vượt qua Mỹ mà không gây ra xung đột.
Ngày 18/3, quan chức cấp cao hai nước đã gặp nhau tại Alaska. Ngoài những cuộc trao đổi lạnh nhạt, trước ống kính, cuộc gặp này là cơ hội để Mỹ xây dựng một sự điều phối các vấn đề đối nội và đối ngoại chưa từng có, và để mỗi bên trình bày rõ ràng những điểm gây căng thẳng.
Cuộc trò chuyện của Lưu Hạc với Janet Yellen và Katherine Tai là các cuộc tiếp xúc đáng chú ý nhất giữa các bên dưới chính quyền mới của Mỹ sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao của hai quốc gia và cuộc gặp của những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao ở Anchorage, Alaska. Đây có thể trở thành một bước tiến mới trong việc thiết lập lại quan hệ song phương giữa hai siêu cường.
Theo Viện trưởng Viện Viễn Đông (Nga) Alexei Maslov, khả năng thiết lập đối thoại thương mại thường xuyên giữa Trung Quốc và Mỹ là điều khả thi.
Ông nói: “Giờ đây, Mỹ sẽ chuyển hướng một phần các áp lực thương mại đối với Trung Quốc. Trước hết, đây là những hàng hoá công nghệ cao, những hàng hoá gắn liền với sự phát triển điện tử, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc phát huy hết tiềm lực khoa học kỹ thuật, phá vỡ kế hoạch của Trung Quốc đưa các sản phẩm công nghệ cao ra thế giới bên ngoài. Còn đối với các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm cả thực phẩm, sản phẩm dầu, hai bên hoàn toàn có thể thiết lập quan hệ”.
Việt Hoàng
Châu Á trong cuộc chiến quyền lực Trung Quốc - phương Tây
Bằng hành xử của mình, Trung Quốc khó có thể khắc họa sự trỗi dậy mà họ luôn tuyên bố là hoà bình. Mỹ bảo vệ trật tự toàn cầu dựa trên các luật lệ, tập trung vào các giá trị chung...