1. Tỉnh duy nhất nào ở miền Trung không có thị xã?
- Lâm Đồng
- Phú Yên
- Khánh Hòa
- Ninh Thuận
Ninh Thuận là tỉnh miền Trung duy nhất không có thị xã. Tỉnh này có diện tích hơn 3.300km2 với dân số khoảng 600.000 người. Tỉnh Ninh Thuận có tỉnh lỵ là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cùng 6 huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc và Thuận Nam.
Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với ba dạng chính gồm núi, đồi gò bán sơn địa, đồng bằng ven biển.
2. Tên gọi của tỉnh lần đầu xuất hiện dưới thời vua Nguyễn nào?
- Gia Long
- Minh Mạng
- Thiệu Trị
- Tự Đức
Minh Mạng (1791 – 1841) là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, trị vì hơn 20 năm. Các cải cách hành chính được ông thực hiện giai đoạn 1831 – 1832 được đánh giá có quy mô lớn và đạt hiệu quả cao trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Trước đó, vùng đất Panduranga của Vương quốc Chăm Pa cổ được chúa Nguyễn đặt làm trấn Thuận Thành, gồm bốn đạo Phan Lang, Long Hương, Phan Lý, Phố Hài và duy trì chế độ tự trị. Đến 1832, việc tự trị chấm dứt, vua Minh Mạng chia lại khu vực này thành 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận. Cái tên Ninh Thuận được dùng cho tới ngày nay.
3. Làng Bàu Trúc của tỉnh này được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Làng này có nghề gì?
- Nghề gốm
- Nghề dệt
- Nghề sơn son thếp vàng
- Nghề đúc đồng
Làng Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về hướng nam. Nghề làm gốm của đồng bào Chăm tại Bàu Trúc có từ hàng ngàn năm trước, được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Năm 2017, nghệ thuật làm gốm của làng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
4. Công trình tháp Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận có tên là gì?
- Tháp Bà Ponagar
- Cụm đền tháp Po Klong Garai
- Tháp Nhạn
- Cụm đền Thánh địa Mỹ Sơn
Cụm đền tháp Po Klong Garai được xem là biểu tượng văn hóa, du lịch của tỉnh Ninh Thuận. Công trình này được xây dựng từ cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV bởi vua Shihavaman hay Chế Mân.
Hiện cụm đền tọa lạc trên đồi Trâu, phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 9km về phía tây bắc. Theo giới nghiên cứu, đền tháp Po Klong Garai trở nên đặc biệt vì được xây dựng trong thời kỳ nghệ thuật điêu khắc, kỹ năng xây dựng của người Chăm đạt đến đỉnh cao hoàn mỹ.
5. Ngoài Ninh Thuận, hiện đồng bào Chăm có mặt ở bao nhiêu tỉnh, thành tại Việt Nam?
- 30
- 40
- 50
- 60
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019, ngoài Ninh Thuận, đồng bào người Chăm còn có mặt ở 60 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 179.000 người.
Người Chăm sinh sống nhiều nhất ở 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Phú Yên với khoảng 130.000 người. Chỉ duy nhất 2 tỉnh không có người Chăm định cư là Lạng Sơn và Hà Nam.