GDP của Việt Nam sẽ được tính toán lại, bao gồm cả nền kinh tế ngầm, kinh tế không chính thức. Dự kiến với cách tính này, GDP sẽ tăng kha khá.
Có nhiều ý kiến liên hệ vấn đề này với trần nợ công. Theo đó, do trần nợ công của Việt Nam là 65% nên nếu GDP được tính toán lại và tăng lên sẽ kéo theo việc được vay nợ nhiều hơn. Mà phần kinh tế ngầm này lại không thể bị đánh thuế nên sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn ngân sách.
Đúng là chúng ta có trần nợ 65% GDP. Nhưng đó không phải là trần nợ duy nhất. Ngoài trần này, Quốc hội còn đặt ra một mức trần khác: nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách.
Trước khi đi vào phân tích, cần hiểu hơn về trần nợ công. Quốc hội đặt ra trần nợ công là để bảo đảm an toàn, bảo đảm khả năng trả nợ của ngân sách.
Tính lại GDP không giúp mở rộng nợ công. |
Để dễ hiểu chúng ta hãy lấy ví dụ ngân sách của một gia đình. Hai vợ chồng vừa làm vừa chơi, tức là làm chưa hết công suất, vẫn còn thời gian rảnh để hưởng thụ, thì có thu nhập là 600 triệu đồng/năm. Nhưng nếu trong hoàn cảnh nợ nần nhiều, cả hai vợ chồng có thể kéo cày trả nợ, làm tăng ca, ít chơi hơn, thì thu nhập có thể lên đến 800 triệu đồng/năm.
Bây giờ để bảo đảm an toàn tài chính gia đình, hai vợ chồng thống nhất là không được vay nợ quá một tỷ lệ thu nhập. Nhưng nên lấy mẫu số là thu nhập khi vừa làm vừa chơi hay thu nhập khi làm hết công suất? Cách tốt nhất là nên lấy chỉ tiêu an toàn nợ gia đình theo cả hai con số trên. Ví dụ, tổng vay nợ không quá 33% thu nhập bình thường và đồng thời không quá 25% thu nhập khi làm hết công suất.
Chỉ tiêu an toàn nợ công của Việt Nam cũng tương tự như vậy. Chúng ta có chỉ tiêu là nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách. Đây là so sánh nợ trực tiếp nợ của ngân sách với dòng tiền vào ngân sách. Chỉ tiêu này là trực tiếp, nhưng không đủ, vì ai cũng biết, Chính phủ có thể tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế.
Nhưng tăng thuế quá mức thì sẽ vượt quá sức nộp thuế của nền kinh tế, rồi lại bị dân phản đối, gây bất ổn. Chính vì thế người ta buộc phải thiết kế thêm một trần nữa là tổng nợ trên tổng GDP. Như vậy, đồng thời chúng ta có 2 trần nợ công, một trần tính theo tổng thu ngân sách, một trần tính theo GDP. Giống hệt như trần nợ của một gia đình tính theo tổng thu nhập bình thường và tổng thu nhập khi làm hết công suất.
Quay trở lại việc thay đổi cách tính GDP. Điều này sẽ giúp GDP tăng do cộng thêm phần kinh tế ngầm. Nhưng rõ ràng là phần kinh tế ngầm này không thể thu thuế (bởi không kiểm soát được, hoặc chi phí hành thu lớn hơn số tiền thu được). Do đó, nhiều người lo ngại là việc nới GDP sẽ dẫn đến nới nợ công trong khi dòng tiền vào ngân sách lại không tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng ta vẫn có một trần nợ công khác được tính theo tổng thu ngân sách.
Lưu ý rằng hiện tỷ lệ tổng nợ trên tổng GDP đã đang giảm sau khi đã chớm vượt ngưỡng 65% năm 2015. Còn tỷ lệ chi trả nợ năm 2014 là 28,2%, năm 2015 là 29,2%, vượt xa ngưỡng 25%. Lẽ ra, Quốc hội cần tuýt còi thật to khi Chính phủ để vượt các mốc này, nhưng rất may là tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 18% tổng thu ngân sách năm 2018.
Vì vậy, vấn đề nợ công nằm ở việc Quốc hội giám sát thường xuyên và chế tài đối với Chính phủ khi để nợ công vượt trần. Còn việc thay đổi cách tính GDP không quá ảnh hưởng đến trần nợ công như nhiều người lo ngại.
Vấn đề là ở chỗ, Quốc hội và các đại biểu cần giữ quan điểm nhất quán với những chỉ tiêu đã được ghi vào trong nghị quyết do chính Quốc hội ban hành.
Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI