Theo các cơ quan chức năng, nhái nhãn hiệu những thương hiệu vàng uy tín, trong đó có SJC, là chiêu thức mới để hợp thức hóa vàng lậu của các ông trùm kinh doanh vàng lậu.

TIN BÀI KHÁC


Sau hơn một năm vắng bóng, thời gian gần đây giới kinh doanh tiếp tục phát hiện các miếng vàng loại 1 lượng nhái nhãn hiệu của các thương hiệu vàng có uy tín, trong đó có SJC, với hình thức tinh vi hơn, nếu nhìn bằng mắt thường khó nhận biết được. Các cơ quan chức năng cho rằng đây là chiêu thức mới mà các đối tượng sử dụng để hợp thức hóa vàng lậu.

Khó phân biệt

Thông tin về việc xuất hiện miếng vàng nhái thương hiệu của các công ty vàng có uy tín, trong đó có SJC, được đưa ra tại cuộc họp bàn công tác phối hợp quản lý ngoại hối trên địa bàn TP.HCM giữa Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cơ quan công an, quản lý thị trường và Sở Công thương diễn ra sáng 16/11.
Hồi tháng 10/2011, Công ty SJC giới thiệu mẫu bao bì mới đối với vàng miếng SJC loại 1 lượng. Đây là loại đang bị nhái vừa được phát hiện
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, các miếng vàng này được phát hiện trong quá trình giao dịch tại một số công ty vàng. Miếng vàng được nhái khá tinh vi, do vậy nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt giữa miếng vàng thật và miếng vàng nhái do mẫu mã, trọng lượng gần như nhau. Khi nấu chảy để kiểm tra cũng cho ra kết quả là vàng bốn số 9. Chỉ khi so sánh với khuôn đúc mới phát hiện một số điểm khác biệt.

Theo đại diện Công ty SJC, vàng nhái được phát hiện khi tiệm vàng mang các miếng vàng SJC loại 1 lượng đến đổi thành các miếng vàng SJC lẻ. Ngay khi phát hiện sự việc, Công ty SJC đã phối hợp với cơ quan công an điều tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa truy ra được nguồn gốc của các miếng vàng này.

Đi đường vòng


Cơ quan chức năng đang “để ý” trường hợp một số thương hiệu vàng không phổ biến đang tìm cách tiêu thụ số vàng nguyên liệu trôi nổi bằng cách dập thành vàng miếng mang thương hiệu của mình, sau đó bán “đại hạ giá”. Tuy nhiên, khi khách hàng đem bán thì họ không mua.

Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua giải pháp siết chỉ tiêu sản xuất vàng miếng của SJC đã phát huy tác dụng. Nhiều thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 1,8 triệu đồng/lượng nhưng vàng lậu vẫn không thể về VN. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ ổn định được tỉ giá. Tuy nhiên, thủ đoạn của giới kinh doanh vàng lậu ngày càng tinh vi hơn. Không loại trừ họ sẽ đi theo đường vòng, nghĩa là biến vàng lậu thành vàng của các thương hiệu ít phổ biến, sau đó chờ thời cơ sẽ chuyển đổi từ vàng miếng của các thương hiệu này sang vàng SJC.

Đường đi của vàng lậu


“Có nhiều giả thiết được đặt ra. Ban đầu chúng tôi phán đoán có thể đây là các miếng vàng được làm nhái từ năm 2010 còn trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, chúng tôi cho rằng có khả năng các đối tượng kinh doanh vàng đã tìm cách biến vàng lậu thành vàng miếng nhái thương hiệu SJC để đưa đi tiêu thụ” - đại diện Công ty SJC cho biết.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là chiêu thức đối phó mới của giới kinh doanh vàng lậu. Trước đây, khi Ngân hàng Nhà nước chưa quản lý chặt việc gia công vàng miếng tại Công ty SJC, giới kinh doanh vàng vẫn hợp thức hóa được vàng lậu thành vàng trong nước thông qua hợp thức hóa đơn, sau đó đem đến Công ty SJC gia công.

Còn hiện nay chỉ tiêu sản xuất vàng miếng của Công ty SJC bị quản lý rất chặt, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép Công ty SJC nhận gia công ra vàng miếng SJC cho các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu vàng và theo hạn ngạch do Ngân hàng Nhà nước cấp. Thời điểm cuối tháng 9/2011, chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu so với giá vàng miếng SJC lên đến 3-4 triệu đồng/lượng. Nhiều người đầu cơ đã nghĩ ra cách mua vàng nguyên liệu rồi tìm cách dập thành vàng SJC kiếm lời.

Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt việc gia công vàng SJC nên những người ôm vàng lậu bị chôn vốn. Cơ quan chức năng phán đoán hiện nay giới kinh doanh đã nghĩ ra cách dập thành các miếng vàng nhái thương hiệu vàng có uy tín tại Campuchia, sau đó tuồn vào VN thông qua đường biên mậu thay vì đưa trực tiếp vàng nguyên liệu vào VN như trước. Với cách này, chỉ cần đưa vàng qua biên giới, vàng lậu lập tức được hợp thức hóa, có phát hiện cơ quan chức năng cũng bó tay.


Mua vàng phải đòi hóa đơn

Đại diện Công ty SJC cho rằng bằng kinh nghiệm của mình, hàng ngàn cửa hàng vàng tư nhân kinh doanh vàng miếng SJC trên toàn quốc sẽ là những người đầu tiên sàng lọc các miếng vàng nhái thương hiệu SJC. Từ ngày 24-10, Công ty SJC đã đổi mới mẫu mã bao bì cho các miếng vàng SJC loại 1 lượng nhằm tăng tính bảo mật, tránh giả mạo. Đồng thời SJC thay thế dần bao bì mới trên các miếng vàng loại 1 lượng cũ khi được bán lại cho công ty.

Song song với các biện pháp bảo mật trên, Công ty SJC lưu ý các đại lý, cửa hàng vàng trên toàn quốc kiểm tra kỹ hơn. Trường hợp phát hiện miếng vàng có dấu hiệu bất thường thì yêu cầu thông tin đến Công ty SJC.


Về phía người tiêu dùng, nên mua ở những cửa hàng có uy tín. Để chắc ăn, người mua nên yêu cầu các đơn vị bán vàng xuất hóa đơn, trong đó ghi rõ số xêri của miếng vàng để phòng trường hợp sau này có thể khiếu nại. Trường hợp cửa hàng vàng từ chối xuất hóa đơn, người dân có quyền đặt nghi vấn hoặc từ chối mua.

Lúng túng xử phạt vi phạm kinh doanh ngoại tệ

Tại buổi họp sáng 16/11, các cơ quan chức năng tỏ ra băn khoăn về phương thức áp dụng quy định xử phạt mới theo nghị định 95. Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, đưa ra trường hợp Công an Hà Nội vừa qua bắt được trường hợp bán trái phép 1.000 USD, biện pháp xử phạt được đưa ra là phạt 75 triệu đồng và buộc phải bán số ngoại tệ này lại cho ngân hàng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức xử phạt này chưa nghiêm, cần tịch thu tang vật để tăng tính răn đe. Ông Trần Quý Thủy, đội phó đội 5 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.HCM), cho rằng quy định tại nghị định 95 sửa đổi bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính quy định hai mức phạt khác nhau.

Cụ thể, trường hợp mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định mức phạt từ 50 triệu - 100 triệu đồng nhưng áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật. Trong khi đó, với trường hợp kinh doanh ngoại tệ trái phép áp dụng mức phạt cao hơn, từ 300-500 triệu đồng nhưng không tịch thu tang vật. “Hai hành vi này khá giống nhau nhưng nghị định không nêu căn cứ để phân biệt, do vậy cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý” - ông Thủy nói.

(Theo Tuổi trẻ)