Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá của TKV được ghi nhận với những bước tiến mới về hạ tầng công nghệ và trình độ khai thác, về trách nhiệm với địa phương trong tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, và mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Sản lượng liên tục tăng, doanh thu tăng gấp 6 lần
Với nhiệm vụ là 1 trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhờ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án điện nên đến năm 2017, tổng công suất của các nhà máy điện TKV đã đi vào hoạt động là 1,73 ngàn MW.
Theo đó, sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ của TKV đã tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên trên 10 tỷ kWh năm 2023 (tăng 13,9 lần), doanh thu tăng từ 432 tỷ đồng lên 14 ngàn tỷ đồng (tăng 32 lần).
Sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng và trở thành một trong những ngành có doanh thu tương đối lớn và hiệu quả cao. Từ năm 2006 đến 2023 sản lượng sản xuất tăng từ 46 lên 65,6 ngàn tấn (tăng gần 1,5 lần) và sản lượng cung ứng tăng từ gần 76 lên 102 ngàn tấn (tăng 1,3 lần), tương ứng doanh thu tăng từ 1,2 lên hơn 7,4 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 6 lần).
Đối với lĩnh vực cơ khí, tập đoàn đã chế tạo giá chống thuỷ lực và các thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất than, khoáng sản, điện lực, sửa chữa và phục hồi các thiết bị phục vụ cho khai thác mỏ và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác với tổng doanh thu tăng từ hơn 1 ngàn tỷ đồng năm 2006 lên 3,3 ngàn tỷ đồng năm 2023 (tăng hơn 3 lần)…
Giá trị tổng tài sản của toàn Tập đoàn TKV tại thời điểm năm 2023 đã tăng hơn 112 nghìn tỷ đồng lên mức 114 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 67 lần so với năm 1994, điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc quy mô của TKV về cả chiều rộng và chiều sâu trong sản xuất kinh doanh.
Nếu như năm 1994 - năm đầu thành lập, doanh thu toàn tập đoàn (với tên gọi là Tổng công ty Than Việt Nam) chỉ là con số khiêm tốn 1,845 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2023 đã đạt mức 168,10 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 91 lần và tăng 166,25 nghìn tỷ đồng so với năm 1994. Tổng doanh thu của TKV trong giai đoạn từ năm 1994 - 2023 đạt 1,9 triệu tỷ đồng, bình quân đạt 65,7 nghìn tỷ đồng/năm.
Trong đó, hoạt động xuất khẩu than, alumina… với kỷ lục cao nhất vào hai năm (2010-2011) đạt trên 1,5 tỷ USD/năm, đã đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn giúp TKV chủ động thanh toán các khoản nợ ngoại tệ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân với. Tuy nhiên, từ năm 2014, sản lượng xuất khẩu than giảm đi do quy định về cấp phép của Bộ Công Thương, nhưng sản lượng xuất khẩu alumina lại tăng mạnh. Từ năm 2014-2023, TKV đã xuất khẩu bình quân đạt 634 triệu USD/năm và năm 2022 là năm đạt cao nhất với con số hơn 1 tỷ USD.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh vượt trội, lợi nhuận đạt 10,6 nghìn tỷ đồng
Về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mặc dù gặp nhiều thách thức như: khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997), cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (năm 2008) và đại dịch Covid-19, TKV vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Đặc biệt, năm 2022 là năm TKV đạt kết quả sản xuất, kinh doanh cao nhất từ khi thành lập với lợi nhuận trước thuế đạt 10,6 nghìn tỷ đồng.
Là một tập đoàn kinh tế đa ngành gồm: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất cơ khí và kinh doanh dịch vụ khác, nhưng TKV tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất chính, mang tính cốt lõi là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nhiều năm qua, tất cả các lĩnh vực hoạt động của TKV đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong đó, sản xuất than luôn là lĩnh vực có tỷ trọng lợi nhuận cao nhất.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ trọng lợi nhuận của TKV ở một số ngành (khoáng sản, vật liệu nổ…) có xu hướng tăng lên, cho thấy TKV đang hướng tới chiến lược phát triển bền vững, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào sản xuất than, kinh doanh than.
Mặt khác, TKV đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất khác thân thiện với môi trường theo đúng cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về vấn đề giảm thiểu khí thải nhà kính và tiến tới ngừng sử dụng than “không suy giảm”.
Lĩnh vực khoáng sản đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là 2 dự án alumina. Kể từ khi đi vào vận hành thương mại, dự án Tân Rai (tháng 10/2013), dự án Nhân Cơ (tháng 7/2017) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển cho một ngành công nghiệp hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Năm 2023, tập đoàn đã đạt số nộp ngân sách nhà nước cao kỷ lục kể từ khi thành lập với giá trị 29.216 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD). Trong đó, số nộp ngân sách nhà nước của TKV tại Quảng Ninh chiếm 41% thu ngân sách của tỉnh.
Cùng với đó, vốn nhà nước tại TKV cũng tăng từ 778 tỷ đồng vào năm đầu thành lập lên 48,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Hiện nay, vốn điều lệ của công ty mẹ đạt 35.000 tỷ đồng.
Về quản trị tài chính, TKV đang từng bước chuyển đổi và hoàn thiện công tác quản trị tài chính thông qua việc thanh toán trực tiếp cho các công ty khai thác và tập trung thu xếp vốn tại công ty mẹ; áp dụng công nghệ số trong kế toán tài chính.
Những kết quả đã đạt được nêu trên là minh chứng rõ nét khẳng định sự phát triển không ngừng lớn mạnh của TKV trong chặng đường 30 năm qua.
(Nguồn: TKV)