M’Drắk là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk (cùng với huyện Ea Súp). Đây là huyện thuần nông, khó khăn, hơn 47% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến cuối năm 2023, huyện còn 5.408 hộ nghèo, 2.926 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 43% số hộ.

Với mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, huyện M’Drắk huy động mọi nguồn lực, triển khai giải pháp nâng cao thu nhập và đảm bảo các chiều dịch vụ xã hội được người dân tiếp cận đầy đủ, trong đó có chỉ số việc làm.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nghèo theo nhu cầu thực tế

Công tác đào tạo nghề được coi là yếu tố then chốt để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Huyện chủ động trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm gắn với với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, tập quán của người dân địa phương.

Khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người lao động là hoạt động được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M'Drắk thực hiện hằng năm để lựa chọn, tổ chức các nghề đào tạo sát với nguyện vọng, nhu cầu lao động. Từ đó, các lớp sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, may dân dụng, xây dựng dân dụng... được tổ chức.

Đặc biệt, các lớp đào tạo nghề thực hiện linh hoạt về thời gian, chủ yếu là vào các buổi chiều, tối trong tuần. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên theo học, địa điểm tổ chức các lớp cũng được tổ chức tại các thôn, buôn.

Từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện M'Drắk phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tổ chức 37 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với hơn 1.800 người lao động tham gia. 25 lớp đào tạo nghề chăn nuôi trâu, bò, gà, heo, may dân dụng, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp được tổ chức, thu hút hơn 820 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp theo học.

Cuối tháng 9, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Drắk tổ chức khai giảng 4 lớp đào tạo nghề cho 140 lao động nông thôn. Tại xã Ea Trang, lớp may dân dụng mở tại buôn M'o; lớp chăn nuôi gà mở tại buôn M’Bơn. Tại xã Cư M’ta, lớp chăn nuôi heo mở tại buôn Hí - Đức; lớp chăn nuôi gà mở tại buôn Đắk.

Mỗi lớp có 35 học viên thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động có thu nhập thấp… Thời gian đào tạo lớp may dân dụng là 4 tháng, còn các lớp chăn nuôi là 2 tháng.

nong thon moi ng hue 26.jpg
Là huyện thuần nông, vì thế phần lớn người lao động trong huyện M'Drắk phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Trước đó, giữa tháng 8, 32 học viên của buôn Pa, buôn Hoang, buôn Năng (xã Cư Prao) cũng kết thúc khoá học 4 tháng khoá học may dân dụng. Các học viên được học tập lý thuyết và thực hành theo phương pháp tích hợp, nhờ đó, khi tốt nghiệp, hầu hết họ đã cơ bản thành thạo các khâu, như: vắt sổ, gấp vải, cách may các loại áo quần thông thường… 

9 tháng đầu năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Drắk tổ chức được 10 lớp đào tạo nghề (may dân dụng; chăn nuôi; xây dựng dân dụng; sửa chữa máy nông nghiệp) cho lao động nông thôn. Các lớp học được tổ chức từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đào tạo nghề nhóm nông nghiệp giúp người dân nghèo tự tin hơn

Là huyện thuần nông, vì thế phần lớn người lao động trong huyện M'Drắk phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề nhóm nông nghiệp được đánh giá đã giúp người dân tự tin hơn trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Võ Thanh Hương, cán bộ phụ trách công tác đào tạo nghề Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện M’Drắk, cho biết số học viên đã qua đào tạo nghề, nhất là nghề chăn nuôi, đã thay đổi phương thức chăn nuôi.

Ví dụ, trong chăn nuôi bò, học viên sau học nghề không còn chăn nuôi bầy đàn, với số lượng nhiều nhưng không đạt chất lượng, thay vào đó nuôi theo hướng lấy thịt và nâng cao chất lượng con giống giúp tăng năng suất.

Không ít người nhờ đó đã vươn lên, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, trong đó có anh Vũ Trung Thông (34 tuổi, ở thôn 9, xã Ea Riêng). Anh Thông từng theo học lớp đào tạo nghề chăn nuôi lợn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức. 

Anh cho hay lớp học nghề giúp anh nắm được kiến thức cơ bản về chăn nuôi từ chọn con giống, chăm sóc lợn nái, lợn con đến phòng ngừa bệnh tật hay khử trùng chuồng trại sau khi tái đàn.

Chăm chỉ, lại biết quan sát, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, anh hiểu người dân ưa chuộng thực phẩm sạch nên tận dụng đất vườn còn trống, nuôi heo thả vườn. Anh lại trồng thêm chuối, rau lang, ngô làm thức ăn vừa giảm chi phí đầu tư vừa đảm bảo chất lượng thịt, đầu ra thuận lợi, giá bán lại cao.