Đây là đánh giá tại Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam do BambuUP xây dựng với sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại các tỉnh, địa phương cũng đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển đổi mới sáng tạo”, báo cáo nêu rõ. Theo các con số thống kê, hiện nay các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại tỉnh, địa phương chiếm 35% tổng số 197 tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo đang hoạt động tại Việt Nam.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, các tổ chức này đang có các chương trình thiết thực tạo nền tảng cơ bản và đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp. Cụ thể là thực hiện các chương trình đào tạo; tư vấn; kết nối; đo lường kiểm chuẩn; chuyển giao công nghệ; các hoạt động sở hữu trí tuệ; chia sẻ hạ tầng hay hỗ trợ đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở địa phương đã thực hiện vai trò là đầu mối liên kết các hoạt động ở quy mô vùng, quốc gia, kết nối quốc tế. Đồng thời là đầu mối triển khai các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, dịch vụ kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Quản lý dữ liệu về năng lực đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương, liên kết với hệ thống dữ liệu quốc gia về đổi mới sáng tạo.
Đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các thành phần trong hệ sinh thái. Tổ chức các chương trình ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, các sáng kiến kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, vùng và cả nước.
Tổ chức hoạt động tư vấn viên, các sự kiện truyền thông về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, liên kết với Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về cơ sở hạ tầng, các tổ chức này góp phần hỗ trợ hạ tầng và cơ sở vật chất dùng chung phục vụ hoạt động phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Không chỉ thực hiện vai trò kết nối, các tổ chức đổi mới sáng tạo địa phương cũng thực hiện vai trò trong hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Đồng thời, các tổ chức này cung cấp gói tư vấn, thông tin về trang thiết bị nghiên cứu, kiểm chuẩn trong toàn bộ hệ thống các phòng thí nghiệm công và tư, sử dụng hiệu quả các thiết bị phòng thí nghiệm hiện có thông qua mô hình kết nối chia sẻ thông tin dùng chung, kết hợp giữa khối tư nhân và khối công lập.
Phát triển và thiết lập các dịch vụ nền cần thiết để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tại địa phương xây dựng, đề xuất được các giải pháp đổi mới sáng tạo hiệu quả, các dự án khởi nghiệp có tiềm năng, phát triển các sản phẩm công nghệ đủ sức gia nhập vào cthị trường thương mại.
Theo ông Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học Công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thuộc bộ KH&CN, việc hình thành các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo là hạt nhân cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương. Để làm được điều này trước hết cần đặt trong bối cảnh chung của địa phương hoặc của vùng, đánh giá, phân tích và giải quyết được những nhu cầu và thách thức của hệ sinh thái địa phương và tổng thể hệ sinh thái toàn quốc.
Các địa phương cần xác định rõ về đặc điểm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại địa bàn của mình. Tăng cường liên kết và chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hành động thống nhất; hướng đến mục tiêu chung - mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.