Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong nghiên cứu chuyên đề “Kỹ năng tổ chức diễn đàn, đối thoại lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Các diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp là nơi trao đổi ý kiến và thảo luận giữa các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và/hoặc tổ chức thi hành chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và khối doanh nghiệp (gồm các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia/luật sư bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp) và một số tổ chức, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn có liên quan tới vấn đề đưa ra thảo luận, nhằm hoàn thiện chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững.
“Tổ chức diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp là một trong những cách thức hiệu quả để các dự thảo chính sách, quy định pháp luật được hoàn thiện trên cơ sở cân nhắc cẩn trọng lợi ích của các bên có liên quan, vì lợi ích chung của xã hội. Các doanh nghiệp hiểu được mục tiêu, hàm ý chính sách, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được nguyện vọng, vấn đề từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, có thể dự liệu được những tác động tích cực và tiêu cực của một chính sách, pháp luật, là tiền đề cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật một cách thống nhất, minh bạch, hợp lý, khả thi, tạo lập được môi trường kinh doanh minh bạch lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng... đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, nghiên cứu của VCCI phân tích.
Các diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp có thể được thực hiện theo sáng kiến của cơ quan lập pháp, cơ quan của Chính phủ, cơ quan nhà nước khác, từ các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp như hội, hiệp hội và chính những doanh nghiệp chịu tác động của một chính sách, quy định pháp luật cụ thể.
Việc tham gia các diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp có nhiều lợi ích đối với cả cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể: Góp phần nhận diện tốt hơn những nút thắt, những vấn đề của môi trường kinh doanh hiện tại cũng như việc thiết kế các biện pháp cải cách đáp ứng sự phát triển của kinh tế - xã hội; Tăng cường tính minh bạch, quản trị tốt và nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bằng việc ủng hộ các sáng kiến cải cách, tạo động lực cũng như thúc đẩy tiến trình cải cách; Xây dựng lòng tin và nhận thức chung giữa khu vực công và khu vực tư – hai đối tác chính của quá trình phát triển.
Đặc biệt, các diễn đàn, hoạt động đối thoại doanh nghiệp sẽ nâng cao tính khả thi của các chính sách, pháp luật được ban hành. Chỉ khi doanh nghiệp hiểu rõ chính quyền muốn đạt được mục đích gì từ các kế hoạch, biện pháp cải cách, thì họ mới dễ dàng chấp nhận và tuân thủ tốt hơn trên thực tế.
Từ năm 2014, VCCI đã tiến hành khảo sát đối với 1.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì có đến 20% doanh nghiệp “sẵn sàng góp ý tất cả các dự thảo, kể cả nội dung ít liên quan”, 45% doanh nghiệp “sẽ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh”, 32% doanh nghiệp chỉ tham gia nếu các quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho mình, và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ 4% doanh nghiệp là “không có nhu cầu tham gia ý kiến”.