- 13 tuổi phải ra tòa làm chứng trong vụ xét xử cha ruột bạo hành gây ra cái chết của mẹ. Đã 4 năm trôi qua, nhưng câu chuyện buồn ấy cô bé không thể nào nguôi quên. Hơn thế nữa, những phiên tòa đã lấy đi của em tất cả sự hồn nhiên, ngây thơ vốn có.

Vượt lên nước mắt

Khi tai họa ập xuống đầu, em Nguyễn Thu Hằng mới chỉ 13 tuổi. Buộc phải ra tòa làm chứng, những ngày tháng hồn nhiên, vô tư của em đã bị bao phủ trong nước mắt và những ám ảnh của tội ác và luật pháp.

Sau đó, em đã phải chiến đấu với chứng trầm cảm, với những sự suy kiệt về sức khỏe và bệnh tật kéo theo ròng rã mới có thể trở lại cuộc sống đời thường.

“Em từng có ý định tự tử, không thiết sống. Từng nghĩ, nếu mình chết đi, thì mọi người dù đau khổ, nhưng cũng sẽ nguôi ngoai. Cuộc sống thiếu mình vẫn cứ tươi đẹp như vậy, chẳng có gì thay đổi…” – Hằng tâm sự.

Hằng bên những cây xương rồng mà em yêu quý. Ảnh: Quỳnh Anh

Thật may mắn, em còn có họ hàng bên ngoại luôn ân cần chăm sóc, yêu thương, bao bọc. Chính những người bác ruột, và ông bà ngoại hết lòng động viên, yên ủi đã giúp em từ bỏ những ý nghĩ dại dột ấy.

Hằng nói: “Em nghĩ đến các bác đau khổ thế nào khi mất đi mẹ em, rồi nghĩ đến em trai em. Thế là em lại bảo, thôi thì tiếp tục sống vì các bác…”.

Nỗ lực và nỗ lực hết sức để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống, cuối cùng, Hằng cũng vượt lên được. Em chia sẻ: “Em không muốn lúc nào cũng ủ rũ, buồn bã, khóc lóc nữa. Em thấy mình hèn nhát khi cứ mãi khóc lóc, yếu đuối… Em tự nhủ, phải đối mặt với sự thật, phải mạnh mẽ thì mới khá lên được”.

Trong ngôi nhà nhỏ của em bây giờ, những ám ảnh buồn đã được xua đi, thay vào đó là sự lạc quan, yêu đời. Căn phòng của em sáng lên với góc học tập xinh xinh, với gấu bông và những bức tranh ảnh.

Trong vườn nhà, Hằng còn chăm sóc ba cây xương rồng – món quà của bác ruột và bạn thân, cũng là loài cây mà em yêu thích vì “nó có thể sống mạnh mẽ, thích nghi trong mọi hoàn cảnh”.

Em đọc sách, những cuốn sách tâm lý cuộc sống để bình tâm trở lại và tìm thêm động lực. Em chăm chỉ học hành, nuôi mơ ước trở thành một luật sư để sau này được bảo vệ cho công lý, lẽ phải

“Cứ buồn bã mãi thì không thể sống được. Đối với một số điều mình phải chấp nhận sự thật và tìm cách vượt qua” – Hằng nói.

Thế nhưng, Hằng cũng trầm buồn khi nói rằng, những gì đã xảy ra khiến em già dặn trước tuổi.

“Ai cũng bảo em là người đa nghĩ, hiểu biết, chín chắn. Nhưng sau lời khen ấy, ai cũng phải bảo nhưng mà tuổi này đừng nghĩ nhiều quá, nghĩ già quá... như thế làm gì”.

“Em nghĩ đến các bác đau khổ thế nào khi mất đi mẹ em, rồi nghĩ đến em trai em. Thế là em lại bảo, thôi thì tiếp tục sống vì các bác, vì em trai, hai chị em phải nương tựa vào nhau vì đâu còn mẹ ở trên đời"…”.

Biết là sẽ tốt hơn khi được hồn nhiên, vô tư. Nhưng cuộc sống đã không cho em lựa chọn…

Nếu cho em lựa chọn...

Trở lại câu chuyện tòa án, Hằng vẫn ao ước, giá như em được đối xử khác hơn, được quan tâm thực sự, đúng cách, được hỗ trợ kịp thời trong mỗi phiên xét xử.

“Nếu được lựa chọn, em mong mình không phải ra tòa làm chứng. Thật sự em không muốn ra tòa một chút nào!

Nhưng nếu vẫn bắt buộc phải ra, em mong ít nhất mình phải được hỗ trợ từ nhiều phía, vừa của người thân, vừa của người làm công tác xã hội hoặc chuyên gia tâm lý. Chỉ mong bên cạnh em lúc ấy có một người thân để làm chỗ dựa, có một bàn tay nắm lấy tay em cho em thêm động lực. Em mong được tòa xét hỏi nhẹ nhàng hơn, tâm lý hơn, đừng quát hỏi hay thẩm vấn em như thể em là người có tội".

Góc học tập của Hằng. Ảnh: Quỳnh Anh

Khi nhắc đến hoàn cảnh cháu Trịnh Thị Ngọc Bích và khả năng cô bé 8 tuổi này sẽ tham gia phiên xét xử Lê Văn Luyện ngày 30/3 tới, Hằng chia sẻ nỗi lo lắng cho cô bé: “Không biết liệu em Bích có đủ mạnh mẽ hay không. Thực sự em rất lo cho em ấy. Vết thương trên tay em ấy đã đủ ám ảnh về vụ án khủng khiếp đã đành, lại còn phải đối mặt với tên sát nhân và nghe tòa tái hiện toàn bộ vụ việc thì không biết em ấy có vững vàng được hay không?

Cho dù em ấy mạnh mẽ, thì ám ảnh cũng sẽ rất lâu dài, còn nếu em ấy yếu đuối, thì không thể lường được phản ứng của em ấy sẽ hoảng loạn đến mức nào, hậu quả sẽ rất đáng tiếc, có khi hậu quả ảnh hưởng đến cuộc sống của em ấy còn gấp mấy lần những gì em từng chịu”.

Những người cầm cán cân công lý, không biết có lắng nghe những tâm sự này của em?

Quỳnh Anh

Bạn nghĩ gì về số phận của em bé sau phiên toà ám ảnh này? Mỗi người lớn phải làm gì để bảo vệ quyền của trẻ em khi ra tòa với cương vị người làm chứng hay người bị hại. Mọi ý kiến xin gửi về hòm thư doisong@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi. Trân trọng cảm ơn!