Giải thách thức của báo chí Việt Nam trong thời đại số

Các tòa soạn báo trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là những thách thức về việc đổi mới mô hình kinh doanh, theo kịp những tiến bộ về công nghệ, hay làm sao để tiếp cận và giữ chân độc giả trước sức ép của các nền tảng truyền thông xã hội. 

Để giải những thách thức trên, tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” tổ chức sáng 17/8, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân cho rằng: “Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí”. 

Theo ông Lê Quốc Minh, sự ra đời của các tòa soạn số sẽ giúp báo chí đổi mới mạnh mẽ, bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Tòa soạn số cũng là tiền đề để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin.

“Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay, nổi bật là trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain). Các công nghệ này có thể được ứng dụng trong quản lý tòa soạn số, tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông”, ông Lê Quốc Minh nói.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân. Ảnh: Trọng Đạt

Theo TS Trần Quang Diệu – Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong bối cảnh báo chí số hiện tại, thông tin đang tìm đến độc giả nhiều hơn độc giả tìm đến thông tin. Khác với trước kia, giờ đây người dùng yêu cầu cao hơn về việc tiếp cận thông tin đa nền tảng, từ tablet, smartphone, TV cho tới nghe podcast trên xe hơi, điều này đòi hỏi sự hội tụ về mặt công nghệ của các cơ quan báo chí.

TS Trần Quang Diệu nhận định, trong mô hình tòa soạn số, tòa soạn hội tụ, phóng viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. 

Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Ban biên tập và thư ký tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát thông tin trước khi xuất bản đến báo in hoặc báo mạng tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần xác định rõ, hội tụ trong trường hợp này là hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ và hội tụ phương tiện trong truyền thông, khác với việc đưa tất cả các đơn vị, phòng ban, phóng viên về cùng một tòa nhà hay cùng một địa điểm. Trên cơ sở tòa soạn số, cần phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện.

Từ tòa soạn hội tụ tới tòa soạn số

Chia sẻ về thực tế báo chí Việt Nam, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho hay, để sản xuất được các loại hình báo chí mới, nhiều tòa soạn đã tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hội tụ nguồn lực đến hội tụ quy trình để có thể kiểm soát nội dung từ đầu vào đến đầu ra một cách thông suốt, nhất quán.

Mô hình này có ưu điểm là đáp ứng được yêu cầu sản xuất đa phương tiện, đặc biệt là loại hình báo điện tử nhưng đồng thời cũng làm cho khối lượng công việc tăng lên trong khi bộ máy nhân sự không thể nở nồi tương ứng vì sẽ làm tăng chi phí. Mọi người trong tòa soạn cảm thấy áp lực tăng lên, bị cuốn theo dòng thời sự quá nhanh, quá nhiều. 

Để đảm bảo năng suất mà không gia tăng áp lực, giải pháp khả thi nhất là tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm. Nghĩa là tòa soạn phải chuyển đổi số sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó, tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn.

Tòa soạn truyền thống chỉ có một loại hình báo chí, ít tương tác với bạn đọc. Tòa soạn hội tụ có nhiều loại hình báo chí, tương tác với bạn đọc nhanh hơn. Thế nhưng ở tòa soạn số, sẽ có nhiều loại hình báo chí trên đa nền tảng, mạng xã hội. Các tòa soạn số có khả năng tương tác nhiều chiều, trên nhiều nền tảng với độc giả của mình.  

Việt Nam có thể học tập mô hình tòa soạn số của nhiều tờ báo lớn trên thế giới. Ảnh: Trọng Đạt

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, tòa soạn số sẽ cần có trung tâm phát triển nội dung số, module dữ liệu nội dung số và module dữ liệu người dùng. Trong đó, trung tâm phát triển nội dung số là đầu mối tổ chức sản xuất nội dung số như text, ảnh, đồ họa, audio, video… 

Module dữ liệu số là nơi ứng dụng công nghệ để tự động lưu trữ, phân loại, trích xuất, khai thác, sử dụng dữ liệu và sản phẩm số. Nguồn dữ liệu này là tài nguyên số của một cơ quan báo chí cần được tổ chức lưu trữ, xử lý, khai thác, sử dụng, kinh doanh có hiệu quả nhất.

Với module dữ liệu người dùng, đây là bộ phận thu thập, lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu người dùng thường xuyên của một cơ quan báo chí. Nguồn dữ liệu này cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với các cơ quan báo chí trong thời đại số.

Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho rằng, các tòa soạn ở Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số để hình thành tòa soạn số thông qua việc phát triển và kết nối một cách có hiệu quả giữa các module nội dung với module dữ liệu và module người dùng.

Đó là mô hình hoàn chỉnh từ khâu đầu vào đến đầu ra trong một hệ thống quản trị nội dung được ứng dụng công nghệ tương thích với quy mô, tính chất và mục tiêu của một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng