Bối cảnh thế giới

Từ sự trỗi dậy của Anh trong thế kỷ 19, đến sự trỗi dậy của Mỹ, Đức, Nhật vào giữa thế kỷ 20, đến các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan vào cuối thể kỷ 20, và gần đây là Trung Quốc. Sự thành công của các quốc gia này trong quá trình công nghiệp hoá, trở thành nước có thu nhập cao là bằng chứng cho thấy sản xuất chế biến chế tạo là con đường phát triển, là chìa khoá để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Sản xuất cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc học hỏi và phát triển kỹ năng, đổi mới sáng tạo gắn liền với hoạt động nghiên cứu phát triển. Các nước công nghiệp phát triển cũng chính là nơi sản sinh ra những ý tưởng và phát minh mới, những ngành công nghiệp quan trọng đối với tương lai kinh tế của đất nước, bao gồm các vật liệu tiên tiến và đặc biệt, sinh học, công nghệ nano và các thiết bị cơ khí chính xác.

{keywords}
Sản xuất công nghiệp đóng góp lớn vào GDP (ảnh: Khánh Vy)

Theo các chuyên gia, ở các nước công nghiệp, dù là nước đã phát triển từ lâu hay mới nổi, ngành sản xuất chế biến chế tạo luôn đóng góp trên 20% trong GDP. Năm 2018, khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Trung Quốc chiếm 29,4% GDP, Đức 20,4%, Nhật Bản 20,7%, Hàn Quốc 27,2%, Malaysia 21,5%, Thái Lan 26,9%, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 16%. Tuy nhiên ở đây cần lưu ý các cơ sở sản xuất khu vực chế biến chế tạo của các nước phát triển được dịch chuyển, hoạt động ở nước ngoài vì vậy trên thực tế khu vực chế biến chế tạo các quốc gia này lớn hơn rất nhiều.

Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất. Trước đây, nhờ phục hồi các ngành công nghiệp chế biến chế tạo mà nước Mỹ trong những năm 1920, 1930 có thể cung cấp hàng chục triệu việc làm mới, vượt qua cuộc Đại suy thoái và nhanh chóng trở thành cường quốc thế giới.

Năm 2019, tại Trung Quốc, 28,2% việc làm được tạo ra từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tại Đức là 26,8%, Nhật 24,3%, Hàn Quốc 24,8%, Malaysia 27,2%, Thái Lan 23,4%. Gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của các ngành sản xuất, chế biến chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, chính phủ Hoa Kỳ đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để đưa hoạt động sản xuất quay trở lại đất nước.

Công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn nhất vào ngân sách

Ở Việt Nam, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bình quân giai đoạn 2011-2019, công nghiệp chiếm hơn 32% trong GDP của cả nước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 16,5% trong GDP. Xét về mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2010 đến nay cho thấy cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp hoá, với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ.

{keywords}
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn vào ngân sách (ảnh: Khánh Vy)

Bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế gồm chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn bán lẻ, và khoáng sản. Các ngành còn lại đều có mức đóng góp dưới 5%. Như vậy có thể thấy công nghiệp chế biến chế tạo đã đóng vai trò động lực cho phát triển của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, cũng là ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (từ 12,9% năm 2010 lên 13,7% năm 2015 và 16,48% năm 2019 và ước đạt 16,5% vào năm 2020), trong khi tỷ trọng ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 9,6% năm 2015 và 6,72% năm 2019 và ước đạt 6,1% năm 2020).

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giầy, công nghiệp xây dựng… Tỷ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và công nghệ trung bình ngày càng tăng. Đã bước đầu hình thành được một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế, và bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm.

Xét về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2010 đến 2019 cho thấy thay đổi về cơ cấu kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động, với sự giảm sút đáng kể của lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, từ 49,5% năm 2010 xuống còn 34,5% năm 2019, và sự gia tăng của lao động làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã cho thấy vai trò chủ đạo của mình trong việc hấp thụ lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp, với tỉ trọng lao động tăng từ 13,5% lên 20,7%, tiếp theo là ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ với tỉ trọng lao động tăng từ 11,3% lên 13,3% trong cùng giai đoạn.

Các ngành còn lại đều có tỉ trọng lao động chưa đến 10%. Với xu hướng giảm dần lao động trong ngành nông nghiệp, trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ bán buôn bán lẻ sẽ phải tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.

May mặc, da giày, và chế biến thực phẩm vẫn là các ngành tạo việc làm chính cho nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng về lao động bình quân giai đoạn 2011-2019 đạt trên 6%. Điện tử thời gian gần đây nổi lên như một ngành thâm dụng lao động, tạo việc làm chủ yếu, với tốc độ tăng trưởng việc làm trong cùng giai đoạn đạt khoảng 21%. Các ngành khác, như cao su-nhựa, cơ khí, ô tô cũng có xu hướng tăng nhu cầu lao động, phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8%.

Khánh Vy