- Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Kính thưa các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng;

- Thưa toàn thể Hội nghị!

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 6 tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam Bộ là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và 2 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Long An và Tiền Giang với dân số gần 22 triệu người, chiếm 9,2% diện tích, 35% GRDP, 46,1% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là đầu mối giao thương, kết nối trong nước và quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, đặc biệt là tuyến đường bộ xuyên Á và tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài chính, ngân hàng, logistics, văn hóa, y tế, giáo dục của cả nước... với hạt nhân là đô thị đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000 và 15 năm đổi mới, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được một số thành tự đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vùng vẫn còn một số yếu kém: kinh tế của Vùng còn những yếu tố thiếu vững chắc; phát triển còn mang tính tự phát, chất lượng quy hoạch thấp; sự liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng chưa tốt; công nghiệp về cơ bản vẫn là gia công, giá trị gia tăng thấp; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao; ô nhiễm môi trường gia tăng; một số vấn đề xã hội còn nhiều phức tạp.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thúc đẩy vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 53 ngày 29/8/2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu “Huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục – đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Kết quả đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 53 cho thấy, Vùng đã đạt được những bước phát triển quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, quá trình phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 27 ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53 để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo chuyển biến rõ rệt về chất, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả các ngành kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của cả nước. Chủ động khai thác cơ hội, phát huy tối đa lợi thế và hạn chế các mặt bất lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh, như:

(1) Các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW đã được các Bộ ngành và cơ quan trong Vùng triển khai thực hiện tích cực, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước.

(2) Tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước.

(3) Đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách nhà nước. Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.

(4) Đang dần trở thành “bệ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.

(5) Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng. Hệ thống đô thị đã được phát triển và phân bố hợp lý tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng.

(6) Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển khá và đạt trình độ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; Thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Lĩnh vực y tế được cải thiện, nhất là y tế chuyên sâu đã có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới.

(7) Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Thành phố Hồ Chí Minh dần trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của vùng và cả nước.

(8) Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

(9) Công tác xây dựng Đảng được quan tâm. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Thưa hội nghị,

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua như:

(1) Nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước,...

(2) Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

(3) Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có,... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

(4) Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thiếu nhà ở và các tiện nghi, tiện ích cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.

(5) Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng.

(6) Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng.

(7) An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Tội phạm băng nhóm có tổ chức, sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng. Tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước còn bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như: bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều yếu tố bất lợi; một số địa phương có xuất phát điểm thấp; tỷ lệ tăng dân số cơ học nhanh thì tồn tại hạn chế trong phát triển của Vùng thời gian qua còn đến chủ yếu từ các nguyên nhân chủ quan như sau:

(1) Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng còn chưa cao. Công tác chỉ đạo điều hành giữa các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ để xử lý các vấn đề của vùng.

(2) Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết khá cao trong khi nguồn lực còn hạn chế và trong quá trình thực hiện chưa dự báo chính xác được những tác động của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài để có các giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả.

(3) Cơ chế, chính sách liên kết vùng chưa được hình thành đồng bộ, đầy đủ nhất là trong huy động nguồn lực cho các dự án quy mô vùng. Các quy định về hợp tác, liên kết vùng chưa rõ ràng, chưa có chính sách khuyến khích sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện hợp tác liên kết vùng.

(4) Một số quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn bất cập, chưa đồng bộ. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

(5) Quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thiếu sự liên kết, thống nhất. Tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế và bất cập.

(6) Thiếu cơ chế chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của Vùng. Hầu hết các địa phương trong Vùng tự cân đối được ngân sách nhà nước nên đầu tư từ ngân sách trung ương cho các công trình quan trọng, quy mô lớn còn thấp do đó chưa tạo động lực đột phá cho phát triển vùng.

(7) Đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thích đáng; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới còn hạn chế.

Thưa hội nghị,

Mục đích của Hội nghị ngày hôm nay là để thảo luận, lắng nghe ý kiến tham luận của các Bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học về các kết quả đạt được; các tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của các tồn tại hạn chế khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27 để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án tham khảo và có các đánh giá toàn diện hơn nhằm tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những vấn đề đặt ra tại Hội nghị liên quan đến nhiều Bộ, ngành và trực tiếp liên quan đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để kết quả Hội nghị có chất lượng, bảo đảm thời gian, Tôi xin gợi mở một số vấn đề cần tập trung đánh giá và thảo luận:

Thứ nhất, đánh giá sâu sắc hơn các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả; những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của các địa phương trong Vùng.

Thứ hai, thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực bên ngoài và khơi thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các khuyến nghị chính sách cho Vùng.

Thứ ba, làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Vùng trong mối quan hệ tổng thể quốc gia; đánh giá các cơ hội, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng trong thời gian tới.

Thứ tư, định hình lại, làm sâu sắc hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng Đông Nam Bộ. Trên cơ sở đó, đề xuất được các quan điểm cần được xem xét, các cơ chế chính sách cần phải thay đổi; các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư; các trục phát triển kết nối Vùng với khu vực Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, tuyến đường xuyên Á,... để phát triển kinh tế xã hội Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm, đề xuất được các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Vùng, trong đó làm rõ việc giải quyết các vấn đề nổi lên của Vùng như quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường; liên kết vùng; giải pháp phát triển đô thị, mạng lưới giao thông vùng, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; cơ chế, chính sách và nguồn lực nhằm phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Vùng.

Kính thưa Hội nghị!

Thời gian dành cho Hội nghị không nhiều. Tôi đề nghị các phát biểu tham luận cần hết sức tâm huyết nhằm hướng tới sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, giúp Ban Chỉ đạo tiếp tục chắt lọc đưa vào Báo cáo trình Bộ Chính trị.

Sau đây để minh họa thêm về những kết quả, thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém và vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ, xin mời quý vị đại biểu xem phim ngắn “Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ - Thành tự và sứ mệnh mới”.

Xin trân trọng cảm ơn Hội nghị !

Thủ tướng: Đừng xử lý công việc kiểu lòng vòng, mãi không xong việcThủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần chủ động cùng các tỉnh, thành giải quyết những vấn đề vướng mắc. Không để địa phương phải chạy lên chạy xuống, đi lòng vòng tập hợp đủ loại giấy tờ… mãi không giải quyết xong việc.