Sáng 9/7, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất các mục tiêu, giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới.

Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) có vị trí chiến lược quan trọng. Đây là đầu tàu kinh tế, chiếm hơn 35% GRDP cả nước và đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách.

Đầu tàu kinh tế có nguy cơ trở thành gánh nặng 

Mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng trong khoảng 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông của khu vực Đông Nam Bộ rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Điều này, kéo theo tốc độ tăng trưởng khu vực ngày càng chậm lại. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị sáng 9/7 tại TP.HCM (ảnh: Trần Chung)

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ngay tại TP.HCM - đô thị lớn nhất nước nhưng chưa có những đường cao tốc kết nối trung tâm TP với các địa phương. Bản thân nội đô thành phố đang ùn tắc nghiêm trọng. Tất cả các cửa ngõ, thiếu các đường Bắc-Nam, Đông-Tây mang tính chất đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải. Nếu tình hình không cải thiện thì TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam và có thể là cả khu vực Đông Nam Á. 

Thêm vào đó, khu vực tuy có hệ thống cảng biển rất tốt nhưng đường kết nối tới các cảng không đảm bảo. Đơn cử, Cát Lái là một cảng container lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ nhưng đường xuống cảng luôn tắc nghẽn trong giờ cao điểm. Cảng Cái Mép-Thị Vải cũng chỉ khai thác ở mức độ hạn chế do hạ tầng giao thông hỗ trợ không đảm bảo; các đường cao tốc liên vùng kết nối TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương như tuyến TP.HCM – Cần Thơ đang ùn tắc; cao tốc TP.HCM–Dầu Giây mới đưa vào khai thác đã quá tải… 

Giao thông liên vùng, nhất là đường bộ hết sức bất cập. Trong khi, sân bay Tân Sơn Nhất cũng quá tải ghê, đường sắt lạc hậu, đường thủy nội địa chưa đảm bảo vận chuyển được container. 

Ông Thể cho rằng, khi Nghị quyết 53 được tổng kết, sẽ cần ban hành Nghị quyết mới thay thế, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển kết nối giao thông khu vực. “Nếu không làm được việc này, tôi tin chắc đầu tàu kinh tế sẽ chậm dần và có thể trở thành gánh nặng. Bởi, khi các vùng khác phát triển mà mình không tăng trưởng thì sẽ trở thành gánh nặng của nền kinh tế”, tư lệnh ngành giao thông nói.

Hạ tầng giao thông đang kìm hãm sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (ảnh: Tuấn Kiệt)

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi chung nhận định, hệ thống giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của vùng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước. Hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước…

Theo ông Mãi, định hướng chính của Nghị quyết mới về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ cần chú trọng liên kết, phát triển giao thông vùng. Bên cạnh đó, liên kết, phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế-xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng.

Chuyển đổi số, lời giải thúc đẩy tăng trưởng vùng

Đề cập về phát triển hạ tầng số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, vùng Đông Nam Bộ muốn tiếp tục đi đầu thì phải đi đầu về cái mới. Muốn đi đầu về cái mới thì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại.

Một trong những hạ tầng quan trọng nhất cho cái mới chính là hạ tầng số, là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và các nền tảng số. Vùng Đông Nam Bộ phải xây dựng hạ tầng số hiện đại, thuộc nhóm đầu các nước trong khu vực, coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất thì bên cạnh nó phải là dòng chảy dữ liệu tương ứng. 

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giúp nền kinh tế hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh (ảnh: Trần Chung)

Theo Bộ trưởng Hùng, vùng Đông Nam Bộ nếu tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước 10-20% về những mặt truyền thống thì sẽ khó vì đã dần đạt mức tới hạn. Trái lại, nếu tăng trưởng những mặt mới, như kinh tế số, mức cao hơn trung bình cả nước từ 30-50% lại không khó. Trong khi, tăng trưởng những yếu tố truyền thống là cạnh tranh với các vùng khác, còn tăng trưởng yếu tố mới sẽ góp phần thúc đẩy các vùng kinh tế khác. 

Phát triển nhanh sẽ cần không gian mới, chuyển đổi số tạo ra không gian mới là không gian số. Phát triển nhanh cần tài nguyên mới, chuyển đổi số tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu. Phát triển bền vững cần hiệu quả cao, chuyển đổi số cũng tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Đây đều là các xu thế làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT tin rằng, vùng Đông Nam Bộ nên đi đầu cả nước về chuyển đổi số, vừa tạo động lực mới cho phát triển của vùng, vừa dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chính chuyển đổi số quốc gia sẽ là thị trường lớn, là cơ hội lớn cho sự phát triển của vùng. 

Thủ tướng: Cần nâng cao tính tự lực của mỗi địa phương

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tới đây cần có Nghị quyết mới xứng tầm hơn, phù hợp hơn cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu vực này dư địa phát triển còn lớn, khả năng còn nhiều, nhưng chưa phát triển được. 

Muốn đột phá, phát triển, Thủ tướng lưu ý ngay trong xử lý công việc, cần nâng cao tính tự lực của mỗi địa phương. Thêm vào đó, các bộ, ngành cũng cần chủ động cùng các tỉnh, thành giải quyết những vấn đề vướng mắc. Không để địa phương phải chạy lên chạy xuống, đi lòng vòng tập hợp đủ loại giấy tờ… mãi không giải quyết xong việc.

Thủ tướng dẫn chứng, công việc cụ thể nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, sẽ có tổ công tác để xử lý nhanh. Ví dụ, khi Tập đoàn LEGO đầu tư vào Bình Dương, Chính phủ biết được vướng mắc, mong muốn của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của địa phương. Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp xử lý, giải quyết nhanh vấn đề. Cách làm này giống như phân cấp, phân quyền rõ, làm nhanh. Nếu làm theo phương pháp cũ thì lòng vòng mấy năm, có khi hết nhiệm kỳ cũng không xong được.

“Các nhà đầu tư đang chuyển dịch, nếu chúng ta không tranh thủ trong thời gian ngắn thì họ sẽ tìm cơ hội khác, không thể đợi mình mãi được. Nếu chậm, ta sẽ nhỡ chuyến tàu”, người đứng đầu Chính phủ nói.

>>>Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị 

Thủ tướng: Xác định điểm nghẽn tại vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía NamThủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.