Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị.
ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô khoảng 100 tỷ USD, giá trị xuất khẩu trên 90 tỷ USD và xuất siêu trên 25 tỷ USD, với xấp xỉ 1 triệu lao động.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành nước phát triển vào năm 2045, khi chúng ta tròn 100 năm tuyên bố độc lập. Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp số, doanh nghiệp ICT.
ICT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, của chuyển đổi số, của kinh tế số và xã hội số. Chúng ta cần xây dựng một nền công nghiệp ICT vững mạnh, đi tiên phong trong việc áp dụng và phát triển các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G,..., phấn đấu để Việt Nam trở thành một cường quốc về ICT, về công nghiệp CNTT, về điện tử viễn thông, về an ninh mạng, làm chủ về công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.
Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại.
Truyền thống đào tạo của chúng ta là học trước rồi làm sau, không biết thì hỏi thầy, học sách giáo khoa là chính, thầy dạy trò nghe, nghe theo là quan trọng, học thuộc là quan trọng, học cách giải quyết vấn đề là chính, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, đào tạo dài hạn là chính.
Thế giới bây giờ đã nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau, learning by doing, tự học để biết đến 70 – 80% rồi mới học thầy, học nhiều hơn những cái mới của tháng trước, quý trước, năm trước là cái không có trong sách giáo khoa. Nhà trường cần mời doanh nhân, mời chuyên gia vào giảng nhiều hơn. Tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới.
Người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề giờ đây lại quan trọng hơn. Các phòng lab (phòng thí nghiệm) sẽ trở thành cơ sở chính của nhà trường. Sinh viên nghiên cứu trong môi trường ảo, môi trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực. Tiếng Anh, IT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc. Cần đào tạo thiên về thực hành nhiều hơn, tăng cường đào tạo lại (re-skill) và đào tạo nâng cao (up-skill), ...
Hôm nay chúng ta sẽ bàn về những đổi mới đào tạo đại học và nhân lực để Việt Nam đáp ứng tốt nhất cuộc cách mạng số, cuộc CMCN 40.
Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp, nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình, doanh nghiệp đã tham gia cùng với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay chưa? Hay 2 đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1 chưa? Và hôm nay, chúng ta cũng sẽ bàn về những vấn đề này.
Công nghệ không ngừng thay đổi, và cách tốt nhất để đáp ứng là học cả đời. Bởi vậy, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này.
Doanh nghiệp Việt Nam đã coi đây là một khoản đầu tư như đầu tư cho máy móc, thiết bị chưa?
Chi cho đào tạo từ 5% - 10% chi phí lương là con số ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. 5% - 10% như một doanh nghiệp lớn như Viettel tương đương 500 tỷ đến 1.000 tỷ mỗi năm chi cho đào tạo. Đào tạo tại doanh nghiệp bởi chuyên gia, cán bộ của doanh nghiệp, hoặc gửi vào nhà trường để đào tạo, hoặc thiết kế chương trình để nhà trường đào tạo. Với một nguồn chi phí lớn như vậy, sẽ tạo ra thị trường cho nhà trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Chúng ta cũng cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là một động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Hôm nay những vấn đề trên và nhiều vấn đề khác nữa sẽ được thảo luận để tìm ra các giải pháp khác biệt, rất Việt Nam để nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam.
Toạ đàm này là diễn đàn để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, tọa đàm cũng góp phần nâng cao nhận thức của các bên để gắn kết cung cầu trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, hiệp hội ICT và cơ sở giáo dục đại học.
Tôi mong muốn rằng, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học gắn kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường.
Xin chúc toạ đàm thành công tốt đẹp, chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu
Xin trân trọng cảm ơn.