Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, 

Kính thưa Quốc hội, 

Trước hết, tôi đồng thuận với Tờ trình số 164 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 767 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tôi xin có một số ý kiến như sau: 

Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội. Các yếu tố chính quyết định đến sức khỏe như môi trường kinh tế, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và đặc điểm ứng xử của các cá nhân trong xã hội. Các yếu tố này ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần. Theo Phật giáo, con người gồm tập hợp của 5 yếu tố sắc, thọ. tưởng, hành, thức. Yếu tố sắc thuộc về vật chất, còn 4 yếu tố còn lại thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm, tâm thức, tinh thần, tâm thần. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe tâm, sức khỏe tâm thức, sức khỏe tâm thần cần được cả xã hội hết sức chú ý quan tâm. Khám và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm thần rất cần được hệ thống y tế hiện nay quan tâm hơn nữa. 

Thượng tọa Thích Đức Thiện

Thời gian gần đây, báo chí đã liên tiếp đưa tin xảy ra những vụ việc rất đau lòng về các vụ tự tử ở một số địa phương trên cả nước. Điển hình gần đây là vụ việc người cha ôm con nhảy cầu tự tử ở Cửa Đại, Quảng Nam và cách đây 2 hôm cũng tại Cửa Đại, một cô gái 22 tuổi đã nhảy cầu tự tử. Có thể nói, áp lực cuộc sống, thu nhập, công ăn việc làm, nhu cầu xã hội ngày càng cao và luôn luôn không được thỏa mãn, xung đột gia đình, dịch bệnh như dịch bệnh COVID-19 vừa qua, v.v. theo phân tích chuyên môn của các chuyên gia làm gia tăng tỷ lệ người bị lo âu, trầm cảm, có ý tưởng tự sát và toan tự sát. Dựa vào các khảo sát xã hội học, UNICEF đưa ra mối quan ngại lớn đến sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên trong thời gian gần đây. Đối với Việt Nam thì chăm sóc sức khỏe tâm thần là một vấn đề khá nghiêm trọng. Hiện nay theo khảo sát trong hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế còn rất thiếu thốn cả về nguồn nhân lực, chuyên gia, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong xã hội còn tồn tại quan niệm sai lệch, sự kỳ thị, coi đó là bệnh điên hoặc nhiều người cho đó là ma ám, ma làm, quỷ ám v.v.. Đồng thời có nhiều cách thức ứng xử không phù hợp, thậm chí là rất mê tín dị đoan. Do đó, xin kiến nghị với Chính phủ cần tập trung phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở tất cả các tuyến bệnh viện đến cả tuyến cơ sở nhằm kịp thời dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc người bệnh có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần mà không chỉ đơn thuần quy định hình thức bắt buộc chữa bệnh như tại Điều 67 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 

Đồng thời tôi đề nghị xem xét bổ sung chức danh chuyên gia trị liệu tâm lý vào nhóm chức danh nghề nghiệp tại Điều 18 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Họ là những người hành nghề tham vấn trị liệu tâm lý qua các liệu pháp trò chuyện giảng dạy, giải tỏa tâm lý, chuyên môn về khoa học tâm lý, giải phóng áp lực bằng những năng lượng tích cực. 

Tôi tán thành cao việc quy định cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh nghề nghiệp và thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm. Tuy nhiêni cũng như các đại biểu, tôi còn băn khoăn với việc giao cho Hội đồng Y khoa cấp quốc gia về việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề. Tôi đề nghị chọn phương án 2 Hội đồng Y khoa cấp quốc gia là cơ quan đánh giá về chuyên môn, năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Còn việc cấp giấy phép hành nghề giao cho các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Y tế và Sở Y tế tại các địa phương. 

Về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, tôi đồng tình với phương án 2, giữa quy định hiện hành. Các bác sĩ, chuyên gia giỏi có thể sử dụng ngoại ngữ để tập hợp, mời gọi và sử dụng các nguồn lực bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn cao, người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Cần quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý, quy định về trình độ chuyên môn y khoa, chất lượng cao của phiên dịch cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo kết quả chuyên môn cao nhất. 

Về Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đề nghị Ban soạn thảo và Chính phủ xây dựng luật cũng như là các nghị định tiếp theo cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia thành lập Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát huy các nguồn lực tham gia vào xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh mở ra sự hợp tác với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng cần sự giúp đỡ. 

Trên đây là một số ý kiến của tôi góp ý cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.