- Sau thông tin con bị cô giáo phạt nghỉ học được nhà trường giải thích do hiểu nhầm, chị N.T.Thủy chia sẻ rất buồn khi bị cư dân mạng hướng sự chỉ trích về mình.
Trong tuần này, chị N.T.Thủy, có con đang học tại Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn lớn câu chuyện con trai mình thông báo bị cô giáo chủ nhiệm cho nghỉ học chỉ vì các lỗi nghịch ngợm mà không trao đổi với phụ huynh.
Những lỗi con chị mắc phải gồm: Bị phạt phải viết bản kiểm điểm vì nói chuyện riêng với bạn bàn trên khi bạn quay xuống. Ngoài ra, vì mỏi người nên 3 lần cháu đứng dậy cho đỡ mỏi, nhưng vẫn bị cô phạt bằng cách bắt đứng yên tại chỗ làm bài.
Cháu bé về nhà nhận lỗi nhưng không nói về việc cô cho nghỉ học nên sáng 24/10, chị Thủy vẫn cho con đi học bình thường. Tuy nhiên, khi đến đón con thì thấy con khóc lóc, các bạn trong lớp xúm lại nói vì cô phạt nghỉ học nhưng bạn không nghỉ học nên cô nói bạn trước lớp.
Vị phụ huynh bất bình vì cô giáo cho học sinh nghỉ học nhưng lại chỉ yêu cầu về nói với bố mẹ, chứ không có một tin nhắn hay cuộc điện thoại trao đổi với phụ huynh.
Tại cuộc họp giữa ban giám hiệu Trường Tiểu học Nam Thành Công và chị Thủy chiều 26/10, bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay bản chất vấn đề được làm rõ sau cuộc họp giữa các bên.
Đó là do hiểu nhầm việc cô giáo chỉ dọa chứ không hề làm thật. Cô giáo chủ nhiệm Lan Anh cũng đã xin lỗi khi khiến phụ huynh bất bình và cả 2 bên đều đã thống nhất khi tìm được tiếng nói chung.
Cuộc họp có mặt cả ban giám hiệu Trường Tiểu học Nam Thành Công và chị Thủy, phụ huynh học sinh. Ảnh: Thanh Hùng. |
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó. Chia sẻ với VietNamNet, chị Thủy bày tỏ sự buồn bực trước phản ứng khó hiểu của cư dân mạng cho rằng chị quá chiều con.
“Sau sự việc trên tôi nhận được nhiều quan điểm từ cư dân mạng chỉ trích theo kiểu tôi quá bênh con, tôi làm quá chuyện, làm như thế thì giáo viên không dám xử phạt học sinh nữa. Họ nói cô chỉ dọa thôi mà phụ huynh làm to chuyện như thế. Thậm chí có những quan điểm nặng nề nói rằng nếu chị bênh như vậy thì con sau này lớn lên chỉ thành những đứa vào tù ra tội. Nghe những điều đó tôi cực kỳ sốc và buồn”, chị Thủy tâm sự.
Chị Thủy cho rằng có thể chưa hiểu rõ câu chuyện nên mọi người chưa có sự cảm thông:
“Khi phải tổ chức cuộc họp giữa phụ huynh, nhà trường với giáo viên thì cô chủ nhiệm mới nói rằng đó chỉ là dọa, chứ trong cuộc điện thoại nói chuyện với tôi kéo dài hơn 1 giờ trước đó thì cô giáo cũng không hề nói đến việc đó. Và thử hỏi, rằng nếu tôi không làm như thế thì liệu nhà trường có rút được bài học kinh nghiệm cho toàn bộ giáo viên khác không?
Không hề bênh và dung túng cho con, chị Thủy khẳng định mình là người nghiêm khắc và mong mọi người nhìn nhận lại vấn đề khi chị phải đưa chuyện này lên mạng.
“Ban đầu, cô giáo không trao đổi kịp thời với phụ huynh khi con phạm lỗi, rồi dồn tội cho học sinh. Thứ hai, cô dùng từ “hư” để đánh giá một học sinh có học lực tốt, chưa từng đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, ăn trộm đồ của bạn hay đi học muộn, mặc sai quy định đồng phục,... Chỉ vì cái lỗi nói chuyện trong lớp mà bị mang tiếng “hư”, bị phạt đứng cả tiết viết bài, bị bêu rếu trước toàn lớp”.
Ngoài ra, theo chị Thủy, cách phạt đứng suốt cả tiết học để làm bài, hay cách phạt dù có là “doạ” đuổi học thì cũng là quá nặng nề với trẻ lớp 2 vì các con sẽ nghĩ đó là sự thật. Thậm chí, khi người lớn giải quyết xong, ngày hôm qua (27/10) đi học, các bạn vẫn trêu con việc bị đuổi học. “Con đi học về kể khóc cả buổi trên lớp vì bị bạn bè trên lớp nói bị đuổi học, có bạn còn viết ra giấy chuyền xuống bàn con ngồi để trêu. Với các con, việc bị đuổi học là cái gì đó rất lớn và ám ảnh”, chị Thủy nói.
“Tôi chỉ nghĩ đưa lên mạng là chia sẻ nỗi niềm, để trưng cầu ý kiến của mọi người, chứ không hề có mục đích bêu rếu hay hạ uy tín cá nhân, nhà trường. Tôi muốn đưa câu chuyện lên để nhìn nhận lại vấn đề, tìm cách hiểu được tâm lý của lứa tuổi học sinh để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp. Những vấn đề này tôi không muốn là những cuộc họp kín. Tôi muốn đưa lên để mọi người cùng biết, không đưa ra thì sẽ chẳng ai biết. Sai ở đâu thì sửa ở đó, người lớn thì rút được bài học và không chỉ riêng cho cô giáo viên, hay Trường Tiểu học Nam Thành Công mà cho cả các ông bố bà mẹ khác. Để rồi chúng ta biết lỗi nào cần mạnh tay, roi vọt, những lỗi nào cần nhắc nhở nhẹ nhàng, khiển trách”.
Chị Thủy chia sẻ tại cuộc họp với ban giám hiệu Trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Thanh Hùng. |
Chị Thủy cho hay, mấy ngày qua theo dõi báo chí và mạng xã hội, cũng rất nhiều người cũng cho rằng kể cả việc dọa cũng là sai đối với trẻ ở lứa tuổi lớp 2 như con chị.
“Tôi không thể ngồi yên đồng tình với cách giáo dục nặng nề cho con trẻ. Khi con còn quá bé như thế sẽ ảnh hưởng đến tuổi thơ và khi lớn lên con sẽ trở thành một người khác”, chị Thủy nghẹn giọng.
Chị Thủy cho biết về phía bản thân chị sẽ cố gắng để bình thường hóa quan hệ với cô giáo bởi tâm ý mục đích cũng chỉ giáo dục tốt nhất cho con. “Cũng phải có những lời nói thật, không thể lúc nào cũng nịnh nhau mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề. Sai thì sửa và cô giáo đã nhận sai. Đây cũng là bài học cho chính bản thân tôi về việc phải sát sao với con hơn nữa”.
Chị Thủy nhắc lại lời mình chia sẻ tại cuộc họp với nhà trường cách đây 2 ngày: “Tôi vẫn nói với cô rằng không phải vì sự việc hôm nay mà sau này cô sợ không dám phạt con. Tôi đồng ý cô phạt nhưng phải có những cách phối hợp để khi con mắc lỗi thì có một tin nhắn ở sổ liên lạc điện tử dù có thể rất ngắn để phụ huynh cũng nắm được tình hình. Tôi cũng không muốn bênh con để dung túng mọi lỗi lầm”.
Tuy nhiên, chị Thủy cho rằng với những lỗi quá nhỏ nhặt thì trách nhiệm của giáo viên trước hết là rèn giũa các con ngay trên lớp.
Bản thân cũng là giáo viên, chị Thủy cho rằng khi đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật, cũng phải hiểu tâm lý từng lứa tuổi và có phương pháp giáo dục phù hợp.
“Với lỗi nói chuyện của học sinh, tôi nghĩ thay vì hôm nào cũng có tin nhắn gửi về phụ huynh, trước tiên giáo viên nên nhìn lại mình, liệu bài giảng của mình đã hay, đã thu hút được sự chú ý của học sinh chưa. Nếu con nói chuyện suốt trong cả giờ thì đó là lỗi đáng để nói nhưng thi thoảng các con ngọ nguậy thì cũng không quá nhất thiết phải báo phụ huynh. Có thể phương pháp đối với những học sinh thường nói chuyện trong giờ là phải thường xuyên gọi học sinh phát biểu bài để thu hút sự chú ý. Học sinh trả lời đúng thì cần tuyên dương để con có động lực, tạo cảm hứng học để con giảm đi tính hiếu động và nói chuyện”, chị Thủy nói.
Nói vậy bởi bản thân chị cũng trăn trở thực tế có nhiều phụ huynh khi thấy cô giáo báo lỗi thì ngay lập tức lôi con ra đánh và rồi hậu quả nặng nề.
“Có một người bạn tôi, chỉ vì giáo viên nhắn rằng cô con gái học lớp 10 trên lớp nói chuyện, về đánh con và khiến cháu quá xấu hổ mà nhảy sông tự tử. Chỉ vì xuất phát từ việc nhỏ nhưng chị ấy đã mất đi đứa con của mình. Do vậy tôi nghĩ các giáo viên cũng cần xem xét các lỗi của học sinh đã đáng phải báo hay giáo viên có thể giúp các con vượt lỗi”, vị phụ huynh nói.
Thanh Hùng