Nhiều ý kiến về mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp được các diễn giả trao đổi sáng nay (31/5) tại diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức.

"Mở đường" cho chính sách

Nói về vai trò của báo chí với việc tuyên truyền chính sách, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - dẫn ví dụ về câu chuyện của thị trường vàng hơn một thập kỷ trước.

Ông Kiên kể, tháng 11/2011, Chính phủ chủ trương chống vàng hoá, chống đô la hoá trong nền kinh tế song một số cơ quan báo chí đã đặt nghi ngờ về nhóm lợi ích “cài cắm” khi xây dựng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nhưng theo ông, "thực tế đã chứng minh không phải vậy".

mac quoc anh 1587.jpg
TS. Mạc Quốc Anh (đứng) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: KT&ĐT.

“Quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, còn nếu mỗi người một góc nhìn thì không thể nói ai đúng hơn ai. Nếu có một thước đo là mục tiêu chung thì sẽ dễ ngồi lại với nhau hơn. Vấn đề là cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách phải thông tin kịp thời, liên tục, đưa mục tiêu tổng quát”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Nhắc lại kỷ niệm khi còn công tác giai đoạn 2014-2015, ông Kiên dí dỏm: “Tôi bị ném đá thừa xây cái villa 2 tầng, khi có những phát biểu ủng hộ thu phí BOT Cai Lậy. Nhưng với trách nhiệm và thấy lợi cho đất nước thì tôi vẫn nói".

Theo ông Kiên, nhìn lại nghị quyết của Đại hội 13 về xây dựng kết cấu hạ tầng, có mở ra hướng phát triển BOT. Bản chất của chính sách là rất tốt nhưng báo chí lại phản ánh những vấn đề không phải bản chất của sự việc khi lại bàn về “thu phí” hay “thu giá”. 

“Những người trao đổi như thế đọc chưa hết luật nên cứ gọi chung là phí, còn về bản chất lại không đúng. Các cơ quan quản lý không thông tin kịp thời cho báo chí dẫn đến có những tranh luận không đáng có,” ông Nguyễn Đức Kiên cho hay

ts nguyen duc kien 1588.jpg
TS. Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: KT&ĐT

Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi.

Ông nhấn mạnh, không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu”, thậm chí bị khai tử ngay trước giờ ban hành, dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng.

Mối quan hệ cộng sinh

Theo Th.s Lê Dung, Tổng Giám đốc CTCP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup, báo chí cần tăng cường tính tương tác và phản hồi, tạo điều kiện để doanh nghiệp và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý.

"Điều này không chỉ giúp báo chí hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến", vị này nói.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - bày tỏ, báo chí cần tạo quan hệ gắn kết đồng hành hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp.

"Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng lòng tin, luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hoạt động phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Hơn nữa, báo chí cần tăng cường xây dựng quy tắc chuẩn mực đạo đức văn hoá nghề báo", ông Quốc Anh chia sẻ.

Theo đại diện hiệp hội doanh nghiệp, báo chí phải hạn chế tối đa những thông tin lệch lạc, không đúng thực tế bởi thực trạng cho thấy chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm, phóng viên "bẻ cong ngòi bút" đưa ra những thông tin chưa chuẩn xác hoặc lái theo chiều hướng không tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nhân, doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bên bờ phá sản...

PGS-TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị - nhìn nhận, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành. 

“Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm... mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Lợi nhấn mạnh.