Thực lòng, chỉ vì những chuệch choạc ngày đầu tình nguyện mà lòng người dễ chia rẽ đến thế. Trong đại dịch, càng phải đoàn kết, yêu thương nhau thì mới thắng được.

Cũng cần lắm cả sự thấu hiểu để biết bỏ qua những sai sót do thiếu tinh tế, thiếu sự nhạy cảm của một vài cá nhân, thậm chí của cả một tổ chức, một doanh nghiệp. Biết bỏ qua để nhìn thấy bản chất của câu chuyện mà trân trọng, mà yêu thương.

Đó là nghĩa tình tương thân tương ái giữa người với người chung dòng máu Việt trên khắp dải đất hình chữ S, không phân biệt vùng miền, không ngần ngại hiểm nguy đi thẳng vào tâm dịch để làm việc.

Đó là tấm lòng thiện nguyện của các doanh nghiệp, thương cho TP.HCM đã làm mọi cách mà dịch vẫn không giảm, xắn tay vào tìm cách hỗ trợ.

Trong quá trình đó, có chuyện này chuyện kia xảy ra, do không hiểu văn hoá địa phương, lỡ nói một câu, hay lỡ viết gì đó “quá lên”, thì cũng không nên vì thế tự ái rùm beng, kỳ thị rồi phủ nhận cái tâm của đoàn tình nguyện, của doanh nghiệp chứ.

Chuyện lẽ ra chẳng nên “phóng to” thế.

Tóm lược là thế này:

TP.HCM gồng mình chống dịch với những con số ca nhiễm mới vẫn liên tục tăng mạnh qua các ngày. Kể từ khi có ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ngày 18/5, thành phố này đã có tổng cộng hơn 6.000 ca nhiễm Covid-19. Mỗi ngày lại có khoảng 200 ca mắc mới, có hôm tăng thêm hơn 500 ca, đưa thành phố rơi vào tình trạng nặng nhất trong 3 kịch bản ứng phó với đại dịch được dự báo.

Lực lượng y tế của thành phố hoạt động hết công suất. Thách thức lớn nhất là phải truy vết được các ổ dịch trong cộng đồng, điều tra dịch tễ F0 trong 1 giờ, phải làm sao trong thời gian ngắn nhất, xét nghiệm toàn thành phố với 10 triệu mẫu, tiêm vắc xin sớm nhất có thể.

Do đó, TP.HCM cần tình nguyện viên là tất yếu. Hàng nghìn người tình nguyện từ khắp mọi miền, trong đó đương nhiên có các sinh viên trường y đã xung phong lên đường. Những công việc đơn giản như lấy mẫu… cần một lực lượng lớn để triển khai nhanh chóng.

Thế nhưng, chỉ vì những lỗi sơ đẳng trong truyền thông và công tác phối hợp giữa các bên, các em sinh viên tình nguyện lãnh đủ hậu quả.

Tập đoàn Vingroup huy động 4000 nhân viên trong hệ thống, gồm chủ yếu là nhân sự của Vinpearl, Vinhomes, Vinmec, những người quen làm dịch vụ chăm sóc, để đưa vào TP.HCM hỗ trợ đợt lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng lần này.

300 sinh viên Hải Dương vào TP.HCM tình nguyện là do Bộ Y tế huy động vào hỗ trợ. Đây là những người có chuyên môn, rất nhiều trong số đó từng tham gia hỗ trợ chống dịch tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang từ đầu năm đến nay.

Hai đoàn này vào TP.HCM cùng thời điểm. Trong đó, đoàn của Vingroup đa phần không có chuyên môn về y tế, nên để hỗ trợ huấn luyện, đào tạo các kỹ năng cơ bản, ngoài các nhân viên y tế của Vinmec, tập đoàn này có đặt vấn đề ghép chung với đoàn Hải Dương, để đoàn Hải Dương tham gia huấn luyện luôn cho các tình nguyện viên của Vingroup rồi cùng tham gia hỗ trợ dịch cho thành phố.

Cùng lúc đó, Vietnam Airlines và Saigon Tourist là 2 đơn vị cũng hỗ trợ đoàn 300 sinh viên tình nguyện Hải Dương trong đợt này. Nơi cho chuyến bay, nơi cho chỗ nghỉ.

{keywords}
Hình ảnh đẹp đưa đoàn tình nguyện vào TP.HCM nhưng được truyền thông thái quá

Thế nhưng, chuyện đi lại, ăn ở đó lại được 2 doanh nghiệp gửi đi những thông điệp truyền thông hoành tráng quá, long lanh quá nên thành ra… phản cảm.

Đó là những hình ảnh đưa đón ở sân bay, giơ tay thề quyết tâm trên máy bay với hình ảnh ví von “mở đường Hồ Chí Minh trên không để chi viện cho chiến trường miền Nam”. Đó là thông tin đoàn sinh viên được ở khách sạn 4 sao, 5 sao như thể được chăm sóc đãi ngộ “đến tận chân răng”.

Một nick name (sau này được xác minh không phải của đoàn sinh viên tình nguyện Hải Dương) cũng đăng lên mạng xã hội  hô hào “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Những hình ảnh truyền thông quá đà này đã vô tình đặt ra sự so sánh đối trọng với thực trạng đầy vất vả, cực nhọc của đội ngũ các y bác sĩ và hàng nghìn tình nguyện viên khác đã ngày đêm chống chọi dịch bệnh suốt cả tháng qua ở TP.HCM. Chắc chắn, họ không hề “được ở” khách sạn 5 sao.

Một chuyến bay, một nơi nghỉ lẽ ra là chuyện bình thường nhưng cuối cùng trở thành không bình thường, thậm chí là lố bịch.

Cộng hưởng với điều đó, công tác phối hợp giữa chỉ huy của đoàn tình nguyện, của doanh nghiệp và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sở Y tế, ban ngành thành phố lại có độ “vênh nhau”.

Người dân được hẹn 13h để lấy mẫu, nhưng phải chờ đến tận 19h mới bắt đầu làm. Đã đến muộn, các sinh viên lại nói, đồ bảo hộ không đạt cấp 4 như ở Bắc Giang, sợ không an toàn nên không làm mà đi về. Với diễn biến đó, các em sinh viên lập tức bị gọi là chảnh chọe.

Thực tế là, các em sinh viên này đến TP.HCM lúc 9h. Phải lang thang lòng vòng đội nắng mãi rồi đến 12h mới được ăn trưa. Hẹn dân 13h lấy mẫu thì 14h, mới có xe của ban tổ chức đến đón đoàn. 15h đến địa điểm, cả đoàn chờ đợi đến tận 19h mới có vật tư lấy mẫu.

Tới lúc đó, khi thấy bộ đồ bảo hộ không đảm bảo an toàn theo cấp 4, chỉ huy đoàn yêu cầu không làm, các em sinh viên phải tuân thủ theo. Trước khi đi, các em đã được tập huấn rất rõ về việc phải bảo vệ bản thân không bị lây nhiễm trước khi giúp người khác. Việc cẩn trọng là hiển nhiên.

Hậu quả, cơn giận dữ của nhiều người nhân danh người Sài Gòn bùng lên. Trên mạng xã hội, người ta viết những dòng hờn dỗi, mỉa mai, chửi bới đầy kỳ thị vùng miền, thậm chí, còn quy chụp sinh viên vào đây chỉ du lịch…

Lúc bấy giờ, chuyến bay và câu chuyện ở khách sạn 5 sao lập tức được “đào bới”. Mùa dịch giãn cách xã hội, những khách sạn 4 sao, 5 sao để trống, được huy động cho tình nguyện viên là lẽ bình thường, bỗng bị “soi xét”.

Cuối cùng, các em sinh viên tình nguyện bỗng trở thành tâm điểm “kỳ thị”, bỗng như “tội đồ” của chiến dịch truyền thông quá lố và sự lệnh pha trong công tác phối hợp của các nhà tổ chức.

Thế mà đến nay, mới chỉ có Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lên tiếng! Giữa những ồn ào này, người ta vẫn chưa thấy tiếng nói của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM, hay Sở Y tế lên tiếng tường minh!

{keywords}
Lực lượng tình nguyện làm việc tới khuya (ảnh: Theo VOV)

Qua câu chuyện này mới thấy, làm tình nguyện cũng như làm từ thiện, luôn đứng trước nhiều rủi ro, nhạy cảm. Bản chất, những hoạt động tình nguyên luôn mang ý nghĩa đẹp và nhân văn, là làm lan tỏa những yêu thương, là đáng được chào đón ở mọi nơi.

Nhưng chỉ sơ sẩy chút xíu trong lời nói, trong hành xử, không chuyên nghiệp trong phối hợp tổ chức, là méo mó hết ý nghĩa của việc tình nguyện. Sai 1 ly, đi 1 dặm.

Trong đại dịch, các doanh nghiệp muốn làm công tác xã hội là đáng trân quý. Nhưng cũng không nên tranh thủ quá những việc thiện nguyện ấy để làm truyền thông thương hiệu, khoe thành tích lúc này. Làm truyền thông trên đau thương, dịch bệnh là thứ truyền thông vô cảm. Để những bài viết khoa trương, đại ngôn, thiếu sự nhạy cảm về lịch sử, văn hóa được đăng lên chỉ khiến lòng dân thêm “bất bình”.

Buồn thêm một việc nữa, tâm lý kỳ thị vùng miền vẫn tiềm ẩn đâu đó. Chỉ chờ có cơ hội hé ra là lại bùng lên như vô thức. Thứ tâm lý ấy đã làm xấu đi hình ảnh người Sài Gòn hào sảng bao lâu nay.

Chỉ cách đây 1 tháng thôi, chúng ta hạnh phúc thấy khắp mạng xã hội những dòng chữ “Bắc Giang cảm ơn Quảng Ninh, Bắc Giang cảm ơn Hải Dương”, “Bắc Giang cố lên” Hải Dương cố lên… Sao bây giờ lại là: “Mời các em về?!”, “Vào đây chỉ tốn tiền”?

Lại nhớ cách đây 20 năm, thuở tôi cũng đi tình nguyện, làm thanh niên xung kích. Chẳng biết gì, ngây thơ lắm. Đội trưởng bảo tham gia đâu thì tham gia đó, cứ ào ào nhiệt huyết vậy. Cũng chẳng nghĩ gì đến những ý nghĩa cao siêu của các đợt đi tình nguyện vùng sâu.

Sinh viên bây giờ chắc “già đời” hơn tôi ngày xưa. Giữa lúc này, đi vào tâm dịch, mặc đồ bảo hộ kín bưng, nóng nực để làm việc xuyên trưa, thâu đêm đến 16 giờ mỗi ngày cũng đã là một sự dũng cảm đáng trân quý lắm rồi.

Phạm Huyền

Đưa sinh viên đi tình nguyện, khi em bị mắng, sao các anh không cất lời

Đưa sinh viên đi tình nguyện, khi em bị mắng, sao các anh không cất lời

Thông tin sinh viên y tế Hải Dương tình nguyện đi chống dịch Covid-19 ở TP.HCM nhưng “chảnh chọe” làm nóng dư luận những ngày này.