Vài ngày gần đây, đọc những tâm sự vì sao phải rời bỏ nghề giáo của thầy cô, bạn bè đồng nghiệp trên VietNamNet, tôi rất chia sẻ và đồng cảm. Là một người đứng lớp, tôi hiểu việc phải đưa ra quyết định từ bỏ bục giảng là điều khó khăn như thế nào với mỗi người.
Có lẽ, hành trình cá nhân và cảm xúc gắn kết với nghề của mỗi giáo viên đều khác nhau. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Dù phải đối diện với vô số khó khăn, áp lực về tiền bạc, mỏi mệt vì công việc nhưng suốt 15 làm nghề, tôi vẫn kiên trì ở lại vì tình yêu thương và hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho các em.
Hơn bất kỳ điều gì, tôi đánh giá cao những giá trị mình đã mang đến cho người học, giúp các em chuyển hướng và thay đổi. Đó là những tài sản vô giá mà bất kỳ giáo viên nào cũng cảm thấy tự hào.
Suốt nhiều năm nay, ngoài việc giảng dạy tại trường công, bản thân tôi còn nhận lời mời cộng tác với các trường trung cấp và cao đẳng nghề. Việc thường xuyên phải tiếp xúc với những em học sinh tương đối nghịch ngợm, không có kiến thức nền tốt như đối tượng trước nay mình hay tiếp xúc khiến bản thân thay đổi rất nhiều suy nghĩ về nghề.
Tôi nhận ra không có khái niệm tuyệt đối nào trong việc giáo dục học sinh. Dù xuất phát điểm ra sao, kiến thức nền thiếu hụt hay đủ đầy, các em vẫn có quyền được học và được giáo dục với tất cả niềm say mê và cảm hứng tích cực nhất. Mỗi em là một cá thể riêng biệt, mỗi lớp học là một môi trường khác nhau đòi hỏi sự cố gắng, lòng kiên trì và cả khả năng thấu hiểu học sinh.
Dù trước nay, bản thân vốn không phải là người giỏi lắng nghe và chia sẻ, nhưng đặc trưng công việc khiến tôi tập quen dần và hứng thú với điều này. Kỳ thực, trong hành trình giáo dục học sinh, bản thân giáo viên chính là người được trau dồi và hoàn thiện nhiều nhất.
Tôi nghĩ bản chất của giáo dục vẫn luôn nên bắt đầu từ khả năng khai phóng và tự do hoá suy nghĩ của mỗi cá nhân người học. Khi tham gia giảng dạy, người đứng lớp như tôi vẫn quyết tâm duy trì triết lí này trong mỗi bài học, ở mỗi tình huống ứng xử trên lớp và cả những trò chuyện ngoài giờ học với các em học sinh.
Bản thân tôi luôn vẫn kỳ vọng sau những ngày tháng đến lớp, khi tốt nghiệp ra trường, học sinh sẽ được sống tự do và khai phóng như cách mà các em mong muốn. Ấy là hạnh phúc cũng là động lực để người đứng bục giảng như tôi đến lớp hằng ngày, dù đôi khi vẫn rất mỏi mệt vì công việc.
Năm học này, nhờ một cơ duyên lạ lùng, tôi đã có dịp đến dạy các em ở trung tâm bảo trợ. Các em đa phần là trẻ em khuyết tật và khiếm thính. Việc đứng lớp giảng dạy các em càng phức tạp hơn gấp bội. Mỗi tiết học của tôi luôn cần thêm giáo viên trợ giảng để chuyển những điều giáo viên nói thành thủ ngữ cho các em hiểu.
Ban đầu, cứ ngỡ việc giảng dạy sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi rất bất ngờ vì sự chăm học của các em. Mỗi giờ đến lớp, được nhìn thấy cảnh các em đứng lên vui vẻ chào mình, ra dấu bằng những thủ ngữ đầy yêu thương, khiến tôi vô cùng xúc động. Nhiều ngày trôi qua, tôi càng quý mến các em nhiều hơn. Dù số lượng học sinh tôi tiếp xúc và giảng dạy trong học kỳ này không hề ít nhưng mỗi lúc được gặp gỡ các em, tôi đều cảm thấy rất ấm áp.
Thi thoảng, nhìn những đôi mắt ngây thơ trong sáng, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi lo của phụ huynh có con bị khiếm khuyết khiến tôi không khỏi day dứt. Khát khao được nắm tay các em đi qua chặng đường thiếu niên đầy bỡ ngỡ đã tiếp cho tôi thêm nhiều niềm tin và kiên định đứng trên bục giảng.
Tôi đã tự mình học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp dù là đơn giản nhất với các em học sinh. Suốt một thời gian dài, sau những ngày lên lớp, tôi thường tranh thủ về nhà tự học cách sử dụng ngôn ngữ cho người khuyết tật. Dẫu vất vả nhưng niềm an ủi lớn nhất của tôi là được giảng dạy trực tiếp bằng thủ ngữ giúp nhiều học sinh khiếm thính tiếp thu bài nhanh hơn.
Với tôi, hành trình gắn bó với các em khuyết tật được xem là một lựa chọn thú vị. Cũng bởi, từ những lớp học đơn sơ như thế, tôi tìm được niềm hạnh phúc của riêng mình trong những tiết dạy. Mặc dù một số em học sinh khuyết tật do nhận thức còn hạn chế nên thường chạy nhảy, la hét, không hiểu hết yêu cầu của giáo viên khiến công việc dạy học thêm phần vất vả.
Thế nhưng, bằng tình yêu thương và sự sẻ chia, bản thân đã dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để đồng hành cho những đứa trẻ không may bị khuyết tật từ khi chào đời.
Chợt nghĩ bản thân không phải là người duy nhất giúp các em, mà chính các em đã dạy cho mình rất nhiều bài học. Bài học lớn nhất mỗi sáng khi đến trường nhìn thấy những đứa trẻ bền bỉ vào lớp bằng xe lăn hoặc nặng nề hai bên tay, vẫn mỉm cười là: “Không quan trọng việc người khác nhìn bạn thế nào, quan trọng bạn đã làm được gì cho chính mình”.
Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn những "quanh co" trong đời làm một nhà giáo đã giúp mình được nhìn và trải nghiệm vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nghề giáo, đôi khi là một gánh nặng nhưng thi thoảng cũng chứa đựng nhiều niềm vui kì lạ. Làm nghề, âu cũng là cách để mỗi nhà giáo rèn giũa chính mình mỗi ngày.
Trần Huỳnh Tuyết Như (Giáo viên THCS ở Quận 5, TP.HCM)