- Trước đề xuất thu phí giao thông, có câu hỏi đặt ra: “Bạn đã sẵn sàng rút ví trả phí giao thông?". Là công dân Hà Nội, tôi sẵn sàng! KTS Trần Huy Ánh đã gửi bài viết tham gia diễn đàn thu phí giao thông trên VietNamNet.

Bạn đã sẵn sàng rút ví trả phí giao thông?
Bạn là người tham gia giao thông và đề xuất thu phí giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn. VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về vấn đề thu phí phương tiện giao thông...
 
Băn khoăn chuyện 'rút ví trả phí giao thông'
Có những ý kiến đồng tình về chủ trương trên, tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng thời điểm này chưa hợp lý và hơn nữa sẽ tạo thêm sức ép lên người dân, tạo cảnh phí chồng phí...


Với số tiền thu phí giao thông, mỗi năm Hà Nội sẽ làm được gì?

Là cư dân Hà Nội, trong nhà sử dụng 2 xe máy và chúng tôi đã sẵn sàng trả phí giao thông với mức 2 triệu / 2 xe một năm.

Với mức thu này, nếu Hà Nội có 4 triệu xe máy và gần 0,4 triệu ô tô, mỗi  năm thu được khoảng 8.000 tỷ đồng (200 triệu USD).

Với số tiền này, TP làm mới được 10 cầu vượt hay 100 km đường (không kể đền bù GPMB), số tiền này cũng có thể mua được 4.000 xe buýt mới .

Với mức thu trên, chỉ trong 5 năm tới Hà Nội có cơ may thoát khỏi cảnh tắc đường triền miên mà các giải pháp tình thế và kém hiệu quả như phân làn/đổi giờ/chặn bịt lối rẽ/cấm taxi giờ cao điểm... sẽ tự biến mất .

Việc thu phí giao thông sẽ tạo nguồn lực cho hạ tầng giao thông phát triển một cách chủ động và người tham gia giao thông sẽ từng bước được tôn trọng – họ là những người trực tiếp đóng góp vào sự hoàn thiện của mạng lưới giao thông đô thị và chính họ sẽ là người  có quyền năng giám sát tốt nhất/đòi hỏi Thành phố cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị xứng đáng với với sự đóng góp của họ.

Làm thế nào để thu phí giao thông chính xác?


Sáng kiến thu phí có cách đây 3 năm, có đề xuất là nhờ UBND phường xã thu – sáng kiến vô vị này sớm bị bỏ qua vì không thực tiễn.

Rất may là phương án thu phí ra đời vào thời điểm hầu hết các đô thị quanh ta đã áp dụng (Thailand/Singapore/Malaysia/TQ...).

Các hệ thống thu phí tự động ngày càng gọn nhẹ, tiện dụng và giá thành ngày càng rẻ. Việc thu phí tự động có thể thu phí trở nên chính xác/công bằng và hệ thống giám sát giao thông tự động còn thúc đẩy hàng loạt ngành kinh tế công nghệ cao phát triển, cơ hội biến Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố thông minh của cả nước.

Một lợi thế nữa là các thiết bị giám sát/thu phí giao thông tự động hiện nay truyền dẫn không dây, do vậy có thể thực hiện ngay và không làm tăng mạng nhện đường phố hay nạn đào bới bừa bãi.

Người tham gia giao thông dùng ví tiền điện tử để trả phí giao thông đồng thời trả tiền phạt do phạm lỗi giao thông sẽ tạo nên một nền tảng văn hóa giao thông vững chắc: tự giác chấp hành luật giao thông lại hạn chế đáng các tiêu cực trong thu phí / thu phạt.

Các mắt điện tử treo trên các cổng phố tự động tính tiền khi xe cộ gắn thiết bị nộp phí giao thông  chạy qua. (Ảnh: Hanoidata)
 
Thiết bị tính phí giao thông trên xe máy. Mức phí thay đổi tùy khu vực và từng thời gian khác nhau trong ngày. (Ảnh: Hanoidata)
 

Phí giao thông nên ưu tiên đầu tư  vào đâu?

Ưu tiên số một là hệ thống giám sát giao thông/ thu phí tự động. Có  hệ thống này thì chưa cần thêm một mét đường nào, một cây cầu hay tuyến xe công cộng nào trật tự an toàn giao thông Hà nội đã thay đổi đáng kể .

Bangkok (Thailad) có 6,5 triệu dân và diện tích bằng 1/2 Hà Nội, nhưng mật độ xây dựng rất cao, trong khi diện tích đô thị giành cho Giao thông xấp xỉ Hà Nội (5%), số ô tô của Hà Nội mới chỉ bằng 1/10 Bangkok.

Tuy vẫn còn kẹt xe nhưng thực trạng giao thông của Bangkok được vận hành rất hiệu quả. Có rất nhiều giải pháp, nhưng hệ thống giám sát tự động đóng vai trò rất quan trọng. Đã có nhiều phân tích nguyên nhân ùn tắc giao thông Hà Nội, nhưng chỉ bằng mắt thường cũng cho thấy: sự thiếu trật tự do vận hành / điều khiển/ giám sát thủ công đã không ứng phó được và ngày càng bất lực với sự tùy tiện thiếu ý thức của cả hai bên.

Ưu tiên số hai là giám sát chi phí dành cho các dự án cải thiện giao thông: trong khi kinh phí đầu tư còn hạn chế, nhiều chi phí cho các dự án tốn kém không hiệu quả đã làm vấn đề giao thông đô thị trở nên nan giải hơn: phân làn/ chặn bị xe / các đợt ra quân nặng  hình thức hay các tuyến giao thông đầu tư kém chất lượng làm cho hiệu qủa sử dụng diện tích mặt đường / tốc độ di chuyển hạn chế, hoặc có những con đường chi phí lớn nhưng mật độ giao thông chưa thực sự cấp thiết: đại lộ Thăng Long / đường trên cao vành đai 3...).

Hy vọng là khi nguồn thu minh bạch bởi các thiết bị tự động thì việc công khai hóa các khoản đầu tư cũng thông qua hệ thống này mà tự động công bố để công dân đóng phí cùng phối hợp với các cơ quan quản lý giám sát công bằng.

Nhân viên thanh tra GT dùng máy in vé phạt tự động truyền về trung tâm: Xe dừng đỗ sai quy định. (Ảnh: Hanoidata)
 

Ưu tiên thứ ba là tuyến đường nào / khu vực trung tâm đô thị nào mật độ lưu thông càng cao thì ưu tiên giám sát / tăng cường thu phí để nơi đó được đầu tư hoàn thiện trước không chỉ lưu thông mà thời gian dừng đỗ lưu trú của các phương tiện.

Không chỉ đánh đồng một giá mà cần phân cấp phân loại mức thu cao hơn, các chủ phương tiện sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn/ người thu nhập thấp sẽ cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng hạ tầng công cộng giá cao.

Thu phí giao thông là việc làm cần thiết, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và cư dân. Đã lâu ta quen với việc tiêu dùng không trả phí nên có ý kiến cảm tính gây xúc động. Việc thu phí cần sự đóng góp rất nhiều sáng kiến của cư dân thành phố để hệ thống này xuất hiện sớm, nhanh tiến bộ nhằm đẩy lùi vấn nạn ùn tắc giao thông đô thị, thay vì than vãn mà không có lối thoát .

Trần Huy Ánh (Hội viên hội KTS Việt Nam)