Ông Trần Quang Cường, CEO của Nextfarm cho rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đó chính là chọn bài toàn khó. |
Các công ty thường hay lựa chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực có thể phát triển nhanh, hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi đó nông nghiệp công nghệ cao là bài toán khó ít có doanh nghiệp nhảy vào. Tại sao Nextfarm lại chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này?
- Tôi xuất phát từ một gia đình nông dân nên mong muốn làm gì đó cho nông nghiệp và giúp cho mỗi người nông dân đỡ cơ cực trên mảnh đất của mình. Việt Nam là đất nước nông nghiệp và đang có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề đó là áp dụng công nghệ. Tất nhiên, nông nghiệp là bài toán khó mà ít công ty muốn nhảy vào.
Thậm chí đến thời điểm này, thị trường nông nghiệp Việt Nam gần như chỉ có đối tác phân phối cho các công ty Israel, gần như chưa có bóng dáng các công ty của Trung Quốc hay Hàn Quốc bởi quy mô chưa đủ hấp dẫn công ty nước ngoài. Nextfarm hiểu rằng, khi vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp nhiều rào cản và thách thức, nhưng nếu thành công sẽ có thị trường rất lớn đó là hàng chục triệu hộ nông dân.
Đã lúc nào các ông thấy khó khăn quá và có ý định rời bỏ lĩnh vực này không?
- Trong thời gian đầu chúng tôi bắt tay xây dựng giải pháp nông nghiệp công nghệ cao có rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua. Tôi đã 2 lần phải "đập" đi để lập lại đội xây dựng giải pháp mới cho công ty. Lần thứ nhất là giữa năm 2017, Nextfarm có được hợp đồng với một công ty viễn thông để giới thiệu giải pháp nông nghiệp thông minh.
Thời gian triển khai hợp đồng gần đến nơi mà giải pháp bị trục trặc không chạy được. Nếu cố triển khai, đối tác sẽ không ký tiếp hợp đồng. Trước tình huống đó tôi phải “đập” đi toàn bộ, rồi tìm những bạn bè đang làm trong lĩnh vực này nhờ trợ giúp. Đây là tình huống không được phép thất bại bởi nếu thất bại công ty sẽ phá sản, rồi cũng may giải pháp nông nghiệp thông minh của chúng tôi đã chạy tốt.
Đến năm 2018, chúng tôi lại gặp khó về tài chính khi sản phẩm chưa thể thương mại được. Lúc đó, công ty không có dòng tiền đầu tư nhưng lại phải tiếp tục “đập” hệ thống đi để xây dựng lại. Trong lúc khó khăn tôi phải cắm sổ đỏ nhà đi vay ngân hàng và tiếp tục con đường làm giải pháp cho nông nghiệp thông minh.
Sau này tôi mới nhận ra mình rất ngớ ngẩn khi tự đi tìm nguyên lý mới cho giải pháp châm phân dinh dưỡng cho cây trồng, trong khi các tập đoàn nông nghiệp trên thế giới đã tìm ra. Bài học rút ra là không phải vất vả đi tìm định luật Newton làm gì cả mà nên học theo cách họ thiết kế phần cứng, chỉ tập trung làm giải pháp phần mềm. Chúng tôi đã triển khai các giải pháp cho khách hàng rất tốt với cách làm này, sau khi mấu chốt được giải quyết thì bắt đầu phát triển thị trường trải dài từ Bắc tới Nam.
Thị trường về các giải pháp thông minh trong nông nghiệp vẫn chủ yếu nằm trong tay Israel. Vậy làm sao công ty ông có thể cạnh tranh được với các công ty có tiềm lực và thương hiệu mạnh như vậy?
- Đúng là hiện nay các công ty của Israel đang chiếm thị phần chủ yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngại cạnh tranh vì thực tế tại Việt Nam chỉ có các công ty thương mại bán giải pháp của Israel chứ họ không phải là công ty công nghệ. Tất nhiên, các công ty này có khả năng thương mại hóa sản phẩm rất tốt.
Đặc thù của thị trường nông nghiệp Việt Nam phần lớn là các mảnh ruộng nhỏ lẻ, trong khi đó giải pháp công nghệ của nước ngoài lại làm cho những cánh đồng có quy mô lớn. Vì vậy, vẫn còn đất cho các công ty công nghệ của Việt Nam đưa ra những giải pháp phù hợp. Ưu điểm nữa là các doanh nghiệp trong nước có thể đưa ra giải pháp không thua kém của Israel, nhưng giá cạnh tranh tốt hơn. Các công ty Việt Nam còn bám sát thị trường, hiểu được người dân, tập quán và thị trường.
Nextfarm triển khai giải pháp nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa. |
Giải pháp của chúng tôi cung cấp tổng thể theo dạng chìa khóa trao tay cho nông dân, từ hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động để điều khiển dinh dưỡng tưới, đến số hóa toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng, đặc biệt là những cây trồng ngắn ngày như dưa lưới, dâu tây, cà chua. Theo đó, các quy trình từ khi gieo hạt tới chu kỳ sinh trưởng của cây đều được ghi lại bằng hình ảnh của từng cây và kết hợp với phân tích dữ liệu từ các cảm biến để đưa ra quy trình chăm sóc phù hợp nhất.
Như vậy, toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc bón phân của các sản phẩm nông sản được số hóa giúp cho người mua có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng đến từng cây chứ không phải hình thức quét mã QR dẫn đến website như hiện nay. Hình thức truy xuất nguồn gốc này có thể số hóa đến cả khâu đóng gói và nhà phân phối là ai. Ngoài việc để khách hàng truy xuất minh bạch nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp, còn tránh được nạn hàng giả, hàng nhái giống như vụ gạo ngon nhất thế giới vừa qua.
Với giải pháp của chúng tôi, nông dân chỉ cần có 1 chiếc smartphone nhập dữ liệu qua hình thức scand QR code từng công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch và phân phối sản phẩm nông nghiệp một cách đơn giản. Sau một thời gian được hướng dẫn những người nông dân đều có thể sử dụng thành tạo giải pháp này.
Người nông dân chỉ bỏ tiền ra khi thấy hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao. Vậy thực tế Nextfarm đã giải bài toán này như thế nào?
- Khi triển khai nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi nhận thấy quá trình thực hiện ở miền Nam dễ dàng hơn. Thực tế, Nextfarm triển khai trang trại trồng dưa lưới ở miền Nam chỉ cần 2 vụ, mất 6 tháng là chủ trang trại đưa về điểm hòa vốn những gì đã đầu tư, kể cả nhà màng. Thế nhưng, phía Bắc không thể hiệu quả như vậy vì giống vẫn phải nhập từ nước ngoài và phù hợp với điều kiện thời tiết phía Nam hơn. Vì vậy, chiến lược của chúng tôi tập trung vào thị trường phía Nam và các cây trồng ngắn ngày chu kỳ 3 - 4 tháng có hiệu quả cao, số hóa các quy trình chăm sóc và truy xuất nguồn gốc.
Sở dĩ các cây ngắn ngày cần hệ thống nông nghiệp công nghệ cao vì nếu sai quy trình châm phân dinh dưỡng tự động mà không đo được nhu cầu dinh dưỡng của cây thì chỉ 1 ngày sẽ tác động ngay đến cây trồng. Những chủ trang trại theo cách trồng truyền thống sẽ không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, ví dụ như độ ngọt của dưa lưới khi thu hoạch. Nhưng với hệ thống chăm sóc châm phân dinh dưỡng tự động sẽ biết được nhu cầu dinh dưỡng của cây như thế nào sau khi thu thập dữ liệu từ cảm biến đo các chỉ số để đưa ra chỉ số dưỡng chất và nước tưới nhỏ giọt vào từng cây, đảm bảo chất lượng quả tốt nhất. Vì vậy, khách hàng sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu để ứng dụng số hóa toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc cây. Còn lại, với các cây lâu năm thì chủ yếu cần nhu cầu tưới tự động hơn là số hóa quy trình chăm sóc và truy xuất nguồn gốc.
Chúng tôi phải chứng minh cho khách hàng thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các cây ngắn ngày để người nông dân tin và bỏ tiền đầu tư. Khi thấy các mô hình thành công một vài vụ thì lúc đó người ta mới làm theo.
Nông nghiệp công nghệ cao được cho là sân chơi của các tập đoàn mạnh như Vingroup, VNPT, FPT... một startup dám dấn thân vào lĩnh vực khó và đứng được trên thị trường là chuyện không dễ dàng. Cho đến thời điểm này, Nextfarm có kỳ vọng gì không?
- Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều có khách hàng của Nextfarm. Chúng tôi xác định là khách hàng nào phải chắc khách hàng đó, thậm chí có nhiều người sau khi triển khai giải pháp của Nextfarm đã trở thành đại lý để phát triển khách hàng mới tại địa phương.
Bây giờ nhiều người vẫn biết đến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Israel, và chúng tôi có khát vọng muốn xây dựng được một thương hiệu Việt trong ngành nông nghiệp để có thể cạnh tranh được trên thị trường Việt Nam. Tôi muốn làm ra những giải pháp giá rẻ để nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đến được với nhiều hộ nông dân Việt Nam.
Tôi vẫn tin rằng Nextfarm sẽ làm được điều đó bởi chúng tôi có thể đem tới cho người nông dân một giải pháp tương đương với giải pháp của Israel nhưng lại ưu việt hơn, tùy chỉnh được và có giá cả phù hợp, cạnh tranh hơn.
Cảm ơn ông!
Thái Khang (thực hiện)
"Nhiều bạn nhanh nhạy, giỏi giang không biết sao lại mất hút"
Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Facebook Việt Nam, 95% freelancers không rẽ sang con đường khởi nghiệp được. Chỉ 5% người còn lại có thể startup được nhờ định hướng rõ ràng và định hình được việc khởi nghiệp sẽ giải quyết vấn đề của người dùng.