- Không phải khi đi xa rồi tôi mới nhận ra VNN đã cho mình những gì, mà từng ngày tháng trải nghiệm ở VNN, tôi đã biết mình nhận được những gì.

Trò chuyện với nhà báo Lương Thị Bích Ngọc, một trong những cây bút chính luận sắc sảo của VietNamNet, người đã rời VietNamNet cách đây 5 năm nhưng vẫn giữ nguyên tình cảm nồng ấm với tờ báo từng mang đến cho chị "niềm tin vào chính mình".

Lửa từ hơi ấm tình yêu của bạn đọc

Chào chị, 15 năm với một tờ báo có thể được xem là chặng đường dài, và có lúc thăng, lúc trầm. Theo chị, đâu là giai đoạn thăng và lúc nào là lúc trầm của VietNamNet (VNN)?

- Trong 15 qua, giai đoạn thăng của VNN, theo tôi, là vào khoảng từ năm 2004-2006. Đó là giai đoạn VNN được dư luận quan tâm nhất, là diễn đàn của đông đảo người dân, nhất là tầng lớp trí thức.

Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp VietNamNet một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phạm Hải

Đó là thời kỳ VNN có lửa, lửa của những người chung sức xây dựng VNN, lửa từ hơi ấm của tình yêu và tin cậy từ bạn đọc. Có một nguồn sinh khí từ VNN thời kỳ đó để nó “thăng” và phát triển rất nhanh. Có thể đó là thời kỳ mà những người nguyện xây dựng VNN chưa nghĩ đến những điều khác ngoài lý tưởng làm báo và vì tờ báo. Cũng có thể vì một lý do nữa, thời đó vì được VNPT bao cấp nên chúng tôi chưa phải nghĩ đến việc bắt tờ báo phải “đẻ” ra tiền mà chỉ nhất tâm làm báo.

Còn trầm ư? Tôi đã rời VNN 5 năm rồi, nếu nói gì cũng không khách quan vì khi đã rời xa một nơi mà mình đã từng vắt kiệt mình vì tình yêu dành cho nó, tôi như một người vợ không dám ngoái cổ nhìn cuộc hôn nhân sau của người chồng cũ.

Tôi chỉ biết là với tôi, VNN trầm nhất khi tôi chuẩn bị ra đi - giữa năm 2007. Lúc đó, VNN chuẩn bị chuyển đổi mô hình, VNN có nhiều công ty cổ phần ra đời, có nhiều chuyên trang ra đời và mất đi, nhiều người ra đi, chuẩn bị ra đi và nhiều người đến...

Mới hôm qua, một cộng sự cũ nói với tôi: “Em nghiệm ra rồi, em ra đi là tốt cho cả hai. Một người chỉ nên làm ở một nơi nào đó 3 năm thôi, nếu không sẽ chây ì. Và một tổ chức, nếu hiện diện quá nhiều công thần sẽ khó phát triển tiếp”. Vào giữa năm 2007, VNN mới được 10 tuổi, nhưng tôi cảm giác nó đang bộc lộ những căn bệnh của một người đã đi qua tuổi sung sức. Tôi - cũng tự coi mình là một công thần - cũng bắt đầu trì trệ và chây lười.

Tôi muốn nói thêm điều này, xin các bạn đừng buồn nếu thấy đây là giai đoạn trầm nhất của VNN. Điều gì tồn tại ở trên đời đều có lý do riêng của nó. Chỉ tồn tại thôi đã là một điều tốt. Nhưng VNN đã từng có lúc rất thăng thì đã là may mắn hiếm thấy. Chính trăn trở của các bạn hôm nay đang giữ cho ngọn lửa VNN, sinh khí VNN còn mãi.

Chị đã tích lũy cho mình vốn liếng gì trong thời gian làm việc ở VietNamNet? Vốn liếng đó có giúp ích gì cho chị trong công việc hiện nay hay không?

- Không phải khi đi xa rồi tôi mới nhận ra VNN đã cho mình những gì mà kể cả từng ngày tháng trải nghiệm ở VNN, tôi đã biết mình đã nhận được những gì.

Nhiều. Đó là khả năng khám phá bản thân. Khả năng chịu được áp lực. Đó là nhu cầu học hỏi, nhu cầu tìm kiếm sự khác biệt cho từng sản phẩm báo chí. Đó là khả năng tổ chức công việc và kết nối mạng lưới cộng tác viên...

Và cả những kỹ năng quản trị truyền thông mà khi ra khỏi VNN rồi tôi mới hiểu rằng, đó là một giá trị mà không nhiều cơ quan báo chí có được. Mô hình của VNN với nhiều liên kết đã giúp chúng tôi có cơ hội cọ xát, học hỏi với các nhân lực truyền thông tên tuổi ở Việt Nam và thế giới lúc đó.

Nhưng lớn hơn hết, VNN đã cho tôi niềm tin vào chính mình. Nếu không có những ngày ở VNN, tôi không dám rời Hà Nội để vào Sài gòn lập nghiệp mới như bây giờ.

Chị có còn đọc VNN từ khi rời đi? Diện mạo tờ báo VNN thời điểm này có giống với chị hình dung hay không?

- Thỉnh thoảng tôi có đọc. Điều đáng buồn lại là ở chỗ, cách viết, cách tổ chức tuyến bài, cách biên tâp... của VNN bây giờ chẳng khác gì thời chúng tôi cả. Có khác chăng là hình như nó thiêu thiếu một cái gì đó, như là sinh khí, như là lửa chẳng hạn. Hình như các bạn đang “tằng tằng”, “đều đều” - cứ thế mà làm.

'Tôi viết chỉ vì cô'

Thế những năm làm báo có lấy mất đi của chị điều gì không?

- Thời ở VNN tôi có ít thời gian để đi chơi, để chăm sóc gia đình. Nhưng tôi không thấy VNN lấy mất của tôi điều gì đâu. Được nhiều hơn mất.

Chị làm báo ở VietNamNet vào lúc TBT rất đề cao việc huy động trí tuệ xã hội nên chị cũng có cơ hội tiếp cận với những chuyên gia giỏi, những người nổi tiếng… Điều đó mang lại cho chị những giá trị gì?

- Bạn có tin không nếu tôi kể chuyện này: Khi viết bài “Họ là trí tuệ VietNamNet”, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập VNN, tôi đã phỏng vấn nhiều cây viết chuyên gia của VNN một câu: “Vì điều gì mà anh viết cho VNN nhiều bài tâm huyết đến vậy?”. Có vài người, rất nổi tiếng, phá lên cười với tôi: “Biêt rồi sao còn hỏi? Cô biết thừa tôi viết chỉ vì cô...”. Chính tôi cũng đem đến nhiều chuyên gia, nhiều trí thức, nhiều cây viết cho VNN đấy chứ!

Tất nhiên, tôi có thuận lợi là trợ lý của Tổng biên tập, được TBT giao nhiệm vụ kết nối với trí thức, chuyên gia. Nếu không được giao nhiệm vụ đó, làm sao tôi đủ thời gian và cơ hội để có được mối quan hệ với hàng trăm chuyên gia, trí thức hàng đầu của cả nước như vậy. Đó là cơ hội của VNN cho tôi, và tôi đã không bỏ qua cơ hội đó để biến những mối quan hệ đó thành tài sản cho nghề báo của mình.

Nhưng cũng phải nói lại, nếu tôi không có khả năng kết nối, khai thác giá trị của các chuyên gia thì anh Tuấn có giao việc đó cho tôi không? Một phần giá trị của VNN, sức mạnh của VNN đã có được nhờ trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia.

Theo chị, điều gì đã làm nên thành công của VNN?

- Đó là vì VietNamNet là VietNamNet.

Là thông qua công cụ báo chí trực tuyến để kết nốt được sức mạnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Nói thật, khi ở VNN, tôi cảm nhận được mình đang làm báo vì tình yêu nước, vì hai chữ Việt Nam.

Dẫn dắt xã hội và đi theo thị hiếu của công chúng, thích nghi cao với sự thay đổi của môi trường làm báo, theo chị tương lai của VietNamNet nên chọn con đường nào?

- Tôi không thấy mâu thuẫn giữa hai tiêu chí này. Điều quan trọng là chúng ta đang chiều theo phần nào trong từng con người độc giả.

VNN thời thăng nhất đã từng làm được một điều: Khích lệ điều tốt đẹp trong từng con người VN. Tôi nghĩ Ban biên tập hiện tại không phải là không trân trọng giá trị này của VNN.

Lê Nhung

Socola cho người cầm bút
Những email chân thành của độc giả, dù chỉ vài dòng, cũng là một thứ socola khác, cho người cầm bút bớt mệt nhọc và thêm động lực trước áp lực công việc và những đề tài mới cấn đặt ra.
 
5 năm nay, chúng tôi 'hưởng lợi' từ VietNamNet...
Ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam tháng 9/2007, nhiều đồng nghiệp đã giới thiệu với tôi VietNamNet như một kênh thông tin về chính trị và tiến trình phát triển của Việt Nam.
 
Tin tức và tin đồn: Một kỷ niệm với VietNamNet
“Cái hay của bài báo là đã gián tiếp nêu những trăn trở của các tờ báo lá cải hoặc đang dần chuyển sang lá cải, trong đó có cả VietNamNet”.
 
Tôi đã bị VietNamNet 'rủ rê' như thế nào?
Tờ mờ sáng. 4 tảng đá nặng hàng trăm tấn án ngữ đường lên núi. Vật dụng của nạn nhân vương vãi khắp nơi. Vào một quán ven đường, tôi viết vội bài tường thuật. Một giờ sau, thông tin xuất hiện trên VietNamNet...
 
Angelina Jolie và cuộc rượt đuổi của những phóng viên 'láu cá'
Hơn 1 giờ đêm, phóng viên Reuters văn phòng Hà Nội xuất hiện trước cửa văn phòng đại diện báo VietNamNet tại TP.HCM để mua ảnh ngôi sao Hollywood Angelina Jolie.