Tôi không dám nhận mình sắc nước nghiêng thành nhưng nhiều người đã tiếp xúc nhận xét tôi có cái duyên mà hiếm ai có được. 

Vốn tính tình hoà nhã, tôi được bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Thời tôi còn chưa chồng, số đàn ông theo đuổi cũng thuộc diện đáng tự hào. 

Tôi cũng yêu đôi ba lần, lần nào cũng sâu sắc và cháy bỏng. Nhưng có lẽ hồng nhan bạc phận, một chút nóng nảy, kiêu hãnh đã khiến tôi quyết định bỏ người đàn ông mà tôi yêu tha thiết suốt nhiều năm.

Chỉ vài tháng sau, tôi nhận lời đến với người đàn ông mà bây giờ đang là chồng tôi. Anh là một người đàn ông an toàn, không có tật xấu nhưng chẳng mang lại cho tôi những cảm xúc yêu đương nồng nhiệt. 

Cảm xúc là thứ tôi không có trong cuộc tình này nhưng nhìn vào sự quan tâm, chăm sóc của anh, tôi động viên mình rằng hôn nhân có lẽ chỉ cần thế. 

Bù lại cho những cảm xúc “nhàn nhạt” ở anh thì gia đình anh – tức bố mẹ chồng tương lai của tôi khi ấy lại khiến tôi ấn tượng và cảm mến hơn cả. Bố mẹ chồng tôi vốn là quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp lớn thời ông bà còn công tác. Tài sản và các mối quan hệ của ông bà đến giờ vẫn có thể khiến bất cứ ai kính nể.

Là người có học thức, địa vị, cách nói chuyện của bố mẹ chồng luôn khiến người nghe thấy cảm mến, tâm phục khẩu phục. 

Ông bà niềm nở, quý mến tôi ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhìn cách bố mẹ chồng cư xử với tôi hay với người thân, bạn bè, tôi ngay lập tức đã nghĩ mình nên làm dâu gia đình này.  

Chúng tôi nhanh chóng đi đến hôn nhân mà chưa hiểu rõ về nhau. Và những thứ tôi nhìn thấy ở gia đình chồng cũng mới chỉ là một góc nhỏ. 

Chỉ có mẹ tôi là người duy nhất phản đối cuộc hôn nhân này. Bà nói, bà thương con gái khi chọn lấy một người mình không yêu. Nhưng khi nghe tôi phân tích và cương quyết lấy anh, bà đành tôn trọng quyết định của tôi. 

Đám cưới của chúng tôi nhanh chóng được sắp xếp trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp vì nó diễn ra quá “thần tốc”. 

Sau khoảng 1 tháng làm dâu khá “dễ thở”, tôi bắt đầu được mẹ chồng giao việc. 

Mở đầu câu chuyện, bà chia sẻ với tôi về trách nhiệm của dâu cả, của gia đình trưởng tộc. Tôi không bất ngờ vì đã biết điều này từ trước nhưng tôi cũng không ngờ rằng nó là một gánh nặng khiến tôi kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. 

tam su.jpeg
Tôi kiệt sức khi phải chăm sóc cho nhà chồng suốt 5 năm chung sống. Ảnh minh hoạ

Bằng sự khéo léo của một người phụ nữ từng trải, bà không tỏ ra ép buộc tôi nhưng cũng khiến tôi không thể nào từ chối. 

Cùng với trách nhiệm cơm nước, lo toan cho cả gia đình nhà chồng gồm 7 người lớn, mỗi tháng ông bà sẽ đưa cho tôi 4 triệu đồng gọi là đóng góp tiền ăn. 

Nhưng số tiền ấy đúng là chẳng thấm tháp vào đâu giữa thời buổi bão giá này. Tất cả các khoản chi tiêu trong nhà, từ cuộn giấy vệ sinh cho tới những món đồ vài triệu, tôi đều phải tự xoay xở bằng số tiền ấy cộng thêm 5 triệu đồng chồng đưa.

Làm việc cho một viện nghiên cứu, đồng lương công chức của chồng tôi chỉ bằng một phần ba mức thu nhập của tôi. Với 2 khoản đóng góp của chồng và bố mẹ chồng, tôi phải dùng gần như toàn bộ thu nhập của mình để bù đắp các khoản chi tiêu. 

Nếu như ngày xưa tôi sống một mình thoải mái, thậm chí còn biếu bố mẹ đẻ được vài triệu mỗi tháng thì bây giờ tôi phải tính toán, chắt bóp từng khoản một để không thiếu trước hụt sau. Thời gian tôi phải làm ngoài giờ ngày càng nhiều hơn. 

Trong khi ấy, những khi mệt mỏi than với chồng thì anh luôn coi đó là chuyện vặt. “Liệu cơm gắp mắm” là câu cửa miệng của anh mỗi lần tôi kêu ca chuyện tiền bạc. Tôi có cảm giác anh và cả gia đình anh đang sống rất thảnh thơi và coi số tiền họ đưa cho tôi là hào phóng mà không biết rằng tôi chật vật xoay xở với cơm áo mỗi ngày.

Mua đồ ăn thức uống, tôi không bao giờ dám mua đồ rẻ tiền, thông dụng như ngày xưa khi còn sống một mình. Trứng thì phải là trứng organic, hoa quả thì phải là hàng nhập khẩu, thịt cá thì phải đồ sạch, đồ quê… Có lần, tôi mua một túi nho ở chợ về nhưng mẹ chồng buông một câu lạnh lùng “nho này nhà mình không ai ăn đâu con ạ!”. 

Không chỉ thế, mỗi lần giỗ chạp, lễ Tết, hội họp gia đình, tôi lại mất vài triệu làm cỗ mời họ hàng, anh em nhà chồng. Cứ mỗi dịp ấy, sau khi ăn uống no say, ai nấy đều khen mẹ chồng tôi khéo chọn dâu. Mẹ chồng tôi tự hào ra mặt, còn tôi càng thấy áp lực chồng chất.

Cách đây 3 năm, tôi sinh em bé. Lương chồng không thay đổi, tiền mẹ chồng đưa vẫn chỉ có thế. Tôi buộc phải giảm bớt chi tiêu, chọn lựa đồ ăn, đồ dùng loại rẻ tiền hơn. Gia đình chồng tôi khó chịu ra mặt trước sự thay đổi ấy.

Tôi làm kinh doanh nên công việc ngày càng cạnh tranh, áp lực. Rời cơ quan về nhà là trăm việc đổ đầu. Tôi thực sự thấy kiệt sức sau 5 năm kết hôn. 

Nhưng tệ nhất, tình cảm vợ chồng tôi ngày càng nhạt nhẽo, thiếu kết nối. Chúng tôi sống với nhau như đối tác cùng góp gạo, nuôi con. 

Chọn chồng dựa vào lý trí thay vì cảm xúc nên tôi cũng không biết anh đã từng có phút nào yêu tôi như những người đàn ông từng say mê tôi ngày xưa. Anh không phải là một ông bố tệ nhưng tôi cũng chưa từng cảm thấy sự chia sẻ, xót thương vợ của anh suốt những năm tháng qua khi tôi vắt kiệt sức mình lo toan cho gia đình anh. Thậm chí, thời gian gần đây, anh còn tỏ ra khó chịu khi tôi không chu toàn việc gia đình. Anh và tôi cứ như sống ở hai thế giới khác nhau. 

Thời gian này, tôi vừa mệt mỏi thể xác vừa giằng xé với suy nghĩ có nên ly hôn chồng. Quả thực, chúng tôi chưa từng có mâu thuẫn lớn, chưa từng đánh chửi nhau thậm tệ. Chỉ là những khoảng trống quá lớn mà tôi đã kỳ vọng sẽ được lấp đầy sau hôn nhân. 

Sự vất vả thể xác tôi có thể chịu được, nhưng ít nhất tôi cũng xứng đáng sống trong tình yêu thương, sự san sẻ về mặt tinh thần của chồng chứ. Mong mỏi của một người vợ như vậy có gì sai? Liệu cuộc hôn nhân này của tôi có thể cứu vãn? 

Độc giả N.H