Trong số 194 giảng viên các trường nghề Việt Nam được lựa chọn và cử sang Australia học tập, có 18 người trở về không được phía bạn cấp chứng nhận, dù ngân sách nhà nước đã chi ra hàng chục tỷ đồng. Lý do rất “lạ lùng” - do lệch khung đào tạo giữa hai nước và hợp đồng trọn gói không lường trước được.

Ký cả gói nên thiếu thời gian học”

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Australia chuyển giao 12 bộ chương trình đào tạo nghề của nước này cho Việt Nam.

{keywords}

Để tiếp nhận được 12 bộ chương trình đào tạo nghề của Australia, Việt Nam phải đưa giảng viên dạy nghề sang nước bạn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy nghề theo chương trình mới.

Thực hiện chương trình này, năm 2014, có 194 giảng viên các trường nghề Việt Nam được lựa chọn và cử sang Học viện Chisholm (Bang Victoria, Australia) theo học. 

Kết thúc khoá học đào tạo ngắn hạn, cơ bản các học viên đã hoàn thành. 

Tuy nhiên, bất ngờ là trong số này, có 18 giảng viên sang đào tạo nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí không đạt điều kiện để được phía bạn Australia cấp chứng chỉ. Trong khi trên thực tế, ngân sách nhà nước đã chi ra hơn 18,3 tỷ đồng cấp cho 18 giảng viên này đi học tập.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, theo hợp đồng giữa Việt Nam và Australia, tất cả 194 giảng viên Việt Nam dự khóa học đều có thời gian đào tạo như nhau. 

Tuy nhiên, do nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Australia có nhiều khác biệt với Việt Nam, khung thời gian đào tạo cũng kéo dài hơn. 

Nhưng thời gian hợp đồng đào tạo kết thúc, nên những học viên này vẫn phải về nước, dù chưa đủ thời gian đào tạo (thiếu 1 tháng học). Do đó, phía Australia chưa công nhận và cấp bằng giảng viên bậc 4 (đủ trình độ dạy cao đẳng) cho những người này.

“Đáng ra, việc ký hợp đồng phải theo từng nghề, vì mỗi nghề có 1 khung thời gian học khác nhau. Nhưng do ký cả gói gồm tất cả các nghề như nhau, nên dẫn tới sai lệch, một nghề bị thiếu thời gian học. Đây không phải là ăn bớt, hay cắt xén chương trình học, mà chưa lường hết sự khác biệt khung đào tạo giữa 2 nước”, vị này nói.

Kiến nghị thu hồi 18,3 tỷ đồng - Ai trả?

Thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đang thực hiện thí điểm chuyển giao một số giáo trình nghề nước ngoài về dạy tại Việt Nam (tương tự, các chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài).

Hiện tại, Tổng cục Dạy nghề đang thực hiện chuyển giao 12 bộ chương trình, giáo trình đào tạo nghề của Australia. 

Đồng thời, 103 giáo viên cũng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Malaysia để nhận chuyển giao chương trình đào tạo nghề của Malaysia. 

Ngoài ra, còn nhập chương trình đào tạo nghề của Đức; phối hợp với Anh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho 280 giáo viên giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế. Toàn bộ kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả.

Riêng với chương trình đào tạo tại Australia nói trên, đến nay, được biết Thanh tra Bộ Tài chính đã có ý kiến đề xuất thu hồi số tiền hơn 18,3 tỷ đồng đã chi cho 18 học viên này. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH, việc 18 học viên chưa đạt yêu cầu là do khách quan và đã thống nhất cách khắc phục với phía Australia, cho nên Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Tài chính không thu hồi khoản tiền đã chi.

Cụ thể, giải pháp bộ này đưa ra là đã làm việc với Australia để phía bạn cử giảng viên sang Việt Nam bồi dưỡng thêm cho 18 học viên trên khoảng 1 tháng để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ.

Khoá học ở Australia có gì?

Theo chương trình Việt Nam ký kết với các đối tác Australia, Việt Nam sẽ tiếp nhận 12 bộ chương trình đào tạo nghề của nước bạn về đào tạo trong nước, bằng và chứng chỉ vẫn do Australia cấp. Để được dạy 12 bộ chương trình này, giảng viên Việt Nam phải trải qua một khóa học ngắn hạn tại Australia để phía bạn công nhận đủ điều kiện giảng dạy. Các nghề chuyển giao gồm: Cơ điện tử; Thiết kế đồ họa; Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp; Quản trị khu Resort; Quản trị nhà hàng; Quản trị lữ hành; Hướng dẫn du lịch; Công nghệ thông tin; Quản trị mạng máy tính; Điện tử công nghiệp; Công nghệ sinh học; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Theo Lê Hữu Việt - Tiền Phong