Tinh hoa và hiền tài
Theo một thống kê gần đây, xét riêng tiêu chí bằng cấp, lực lượng trí thức ở nước ta hiện nay khá đông đảo với khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sỹ và hơn 100.000 thạc sỹ.
Nếu nhận diện theo tính chất công việc và vai trò xã hội thì chắc chắn số lượng những người được coi là trí thức ở nước ta còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Hiểu đơn giản nhất, trí thức là những người có hiểu biết nổi trội, tư duy thông thái, và bản lĩnh hơn nhiều người khác, thể hiện qua tinh thần dám dấn thân vì sự tiến bộ của xã hội. Số lượng và chất lượng của lực lượng trí thức phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi cộng đồng xã hội.
Trong bài phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng: “đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Trong tiến trình đổi mới đất nước hơn ba thập kỷ vừa qua, “các ý kiến tư vấn, phản biện, phổ biến kiến thức” của lực lượng trí thức “đã góp phần quý báu cho việc xây dựng và từng bước hoàn thiện chế độ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội”.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng Bí thư, đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay vẫn đang đối diện với nhiều vấn đề về chất lượng, phương thức hoạt động, cơ chế, chính sách,… ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân lực lượng trí thức cũng như khả năng đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Năm 2007, Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức đã thẳng thắn chỉ ra: “Số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế”.
Cũng vì thế, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán: “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài… nhất là các nhà khoa học đầu ngành”.
Quả vậy, chúng ta sẽ không thể tạo ra sự thay đổi đột phá trong hoạt động sản xuất tri thức, ứng dụng tri thức phục vụ cuộc sống, và cải thiện chất lượng đội ngũ trí thức nói chung nếu không tạo được điều kiện thuận lợi và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển lực lượng trí thức đông đảo, chất lượng, đặc biệt là sự xuất hiện những “hiền tài tinh anh” - những người có thể dẫn dắt lực lượng trí thức nhờ vào năng lực vượt trội, có đạo đức, và ham muốn cống hiến cho đất nước và nhân loại.
Trí thức và công cuộc phát triển
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới đầy thách thức đang đặt ra nhu cầu nỗ lực hơn nữa với đội ngũ trí thức. Hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển đòi hỏi lực lượng trí thức nước ta phải “làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể”.
Cùng với đó là ý thức chính trị về vai trò của trí thức trong việc vun đắp đoàn kết xã hội “một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn luôn tâm huyết đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức”.
Từ năm 2007, Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức đã khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”; “Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII cũng nhấn mạnh yêu cầu: “Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.
Những quan điểm và chủ trương đúng đắn của Đảng về đội ngũ trí thức phản ánh tinh thần vốn có của dân tộc, coi lực lượng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa (hiền tài), như “nguyên khí” của quốc gia. Đất nước thịnh hay suy phụ thuộc rất nhiều vào vị thế và vai trò của các nhà trí thức.
Vì thế, bên cạnh các chính sách đào tạo và bồi dưỡng, trong quản lý và sử dụng trí thức, Đảng luôn yêu cầu: “Các cấp ủy đảng và chính quyền nghiên cứu, thực hiện các phương thức phù hợp, không áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức”.
Trọng dụng trí thức tức là tri thức, trí tuệ, sự hiểu biết có cơ hội được sử dụng cho các mục tiêu phát triển mà Đảng đã đề ra. Đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới không chỉ khẳng định Đảng đã thành công trong vai trò lãnh đạo, mà việc thúc đẩy tri thức phụng sự nhân dân cũng đã trở thành một thực tế vững chắc ở nước ta.
Vai trò của trí thức
Nhìn lại lịch sử nhân loại, nhất là thời kỳ hiện đại, có thể thấy một quy luật: các nước trên thế giới có thể khác nhau về con đường đi đến phát triển nhưng có một điểm chung giữa họ là sự thịnh vượng và tiến bộ đều gắn với các chính sách trọng dụng trí thức, tức là tri thức được trân trọng và sử dụng cho việc hóa giải các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Ngược lại, ở đâu và khi nào trí thức và tri thức không được trọng dụng và sử dụng thực chất thì cũng đồng nghĩa với kém sáng tạo và trì trệ, lạc hậu.
Thời xa xưa, khi dung lượng kiến thức của nhân loại còn hạn chế, một nhà trí thức có thể có sự hiểu biết vượt trội về nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như thời La Mã cổ đại, các nhà triết học không chỉ là những người đề xuất và dẫn dắt xã hội về tư tưởng, mà còn có thể nghiên cứu Toán học, Vật lý học, Thiên văn học…
Bước vào thời kỳ hiện đại, từ khoảng những năm 1800 trở lại đây, trí thức dần chuyên môn hóa trong các lĩnh vực hẹp hơn. Thậm chí, trong mỗi ngành khoa học hay nghệ thuật, các chuyên gia lại chỉ chuyên sâu một cấu phần nội dung nào đó.
Với tư cách là một lực lượng lao động, chức năng quan trọng nhất của trí thức là “sản xuất tri thức”. Tri thức tức là sự hiểu biết của con người về thế giới, cả tự nhiên và xã hội mà chúng ta đang sống.
Bởi thế, nhiệm vụ số một của lực lượng trí thức là họ phải thực hiện các nghiên cứu, khám phá để gia tăng sự hiểu biết của con người. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, kết quả công việc của đội ngũ trí thức bồi đắp cho kho tàng tri thức của nhân loại, hoặc ở cấp độ thấp hơn là quốc gia, cộng đồng.
Chức năng thứ hai của lực lượng trí thức là phổ biến, chuyển giao tri thức, kỹ năng, công nghệ… cho những người khác trong xã hội. Vai trò chuyển giao tri thức thường gắn với đội ngũ giáo viên, kỹ sư, các nhà quản lý, tư vấn chính sách, nhà báo…, đòi hỏi sự sáng tạo, nhằm ứng dụng trí tuệ của con người vào việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, qua đó từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhận thức rõ đặc điểm, tính chất công việc, vị thế và vai trò của đội ngũ trí thức, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Nguyễn Văn Đáng